Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 3468

  • Tổng 2.886.284

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

21:34, Chủ Nhật, 30-10-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Về tên gọi của Luật: Do dự thảo Luật  sửa đổi, bổ sung không nhiều, phạm vi điều chỉnh trong giới hạn nhất định (số điều luật được sửa đổi, bổ sung là 21/49 điều). Vì vậy, nên giữ như tên gọi của dự thảo luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.


2. Trong dự thảo Luật có nhiều chỗ sử dụng cụm từ “tổ chức”, nhiều chỗ lại sử dụng cụm từ “tổ chức, cá nhân”.


Ví dụ: Khoản 9 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 20 về cấp giấy phép sử dụng băng tần: Tại khoản 1 Điều 20 viết:

 
“1. Đối tượng được cấp phép là tổ chức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”;


Trong khi đó, tại khoản 11 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 22 về “Gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện” thì chủ yếu sử dụng cụm từ “tổ chức, cá nhân”.


Theo đó, đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bổ sung cụm từ “cá nhân” sau cụm từ “tổ chức” nhằm đảm bảo sự chặt chẽ và thống nhất.


3. Về sử dụng tần số VTĐ được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế (điểm c khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật)


Thứ nhất: Đây là quy định còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất trí hoặc không nhất trí, vì vậy cân nhắc thận trọng việc có nên đưa vào luật quy định cho phép doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế hay không?


Tại dự thảo Luật có đưa ra 02 phương án để lựa chọn. Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cả 02 phương án đưa ra về thực chất không có gì khác nhau, đều tạo điều kiện cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh khi cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào giải trình, làm rõ được lý do vì sao cần bổ sung quy định này vào Luật một cách thuyết phục, kể cả tại Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH.


Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBTVQH và các cơ quan chức năng liên quan giải trình, làm rõ lý do cho phép doanh nghiệp quốc phòng, an ninh khi cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế để các ĐBQH có được nhìn nhận thấu đáo và đồng thuận.


Thứ hai: Nếu có đầy đủ lý do thuyết phục, Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với việc đưa vào Luật điều khoản quy định cho phép doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu cả 02 phương án để có quy định phù hợp, vừa đảm bảo tính chặt chẽ nhưng cũng thể hiện sự thận trọng, mang tính chất thí điểm.


Cụ thể: Ở Phương án 1 có phần thận trọng hơn, nhưng chỉ quy định tại 1 điểm (điểm b) của Khoản 4 Điều 18 là chưa phù hợp; trong khi đó ở Phương án 2 thì dành riêng 01 khoản để quy định về nội dung này. Việc thận trọng đối với quy định mới này là rất tốt; tuy nhiên, các ĐBQH đề nghị nên dành riêng 01 khoản (thậm chí có thể dành riêng 01 Điều) để quy định vì đây là vấn đề khá lớn. Theo đó, đề nghị nghiên cứu tích hợp một phần quy định tại Phương án 1 sang Phương án 2 và sửa Khoản 4 Điều 45 như sau:


“Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông. Thời hạn cấp phép lần đầu để doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh không quá 03 năm. Sau khi giấy phép hết thời hạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả của việc sử dụng băng tần, kênh tần số đã cấp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng sử dụng hoặc cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng với thời hạn tối đa không quá 12 năm”./.


Phòng CTQH

Các tin khác