Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 3655

  • Tổng 2.881.863

Cấm lái xe có nồng độ cồn, song tránh lạm dụng kiểm tra xử phạt gây phản cảm

18:1, Thứ Năm, 28-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sáng ngày 27/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 tiếp tục chương trình làm việc, cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến phát biểu.

Đối với quy định cấm người điều khiển giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số ĐBQH cho rằng: Quy định trên kế thừa từ Luật giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Thực tiễn quy định này cũng đã phát huy kết quả tốt. Chính vì vậy, đây là quy định cần thiết được quy định tại Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Khẳng định lại, việc xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB) là phù hợp với chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan với mục tiêu bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, đại biểu Minh Tâm cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của UBQPAN về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTV Quốc hội. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu tham gia một số ý kiến cụ thể như:

Đối với quy định “Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (tại khoản 1 Điều 9), đại biểu tán thành với phương án 1 “Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn(việc quy định này kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ)”. Bởi lẽ theo đại biểu việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Đồng thời, đã có nhiều số liệu minh chứng cụ thể thực trạng tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia. 

Bên cạnh đó, đại biểu viện dẫn thực tế, việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân; hơn nữa các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia, cũng đã góp một phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước; tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn. Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động. Do đó, để thuyết phục hơn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này. Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra “ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông. Đại biểu đề nghị tiếp tục đánh giá chính sách này bởi tại báo cáo đánh giá tác động luật của Chính phủ dù đã đề cập tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ nhưng mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết... liên quan đến rượu, bia mà chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn thì có bao nhiêu trường hợp vi phạm vượt ngưỡng? ở ngưỡng quy định? Có bao nhiêu trường hợp dưới ngưỡng quy đinh?. 

Theo đại biểu Minh Tâm, để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc  quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”  cần có thống kê số liệu cụ thể để tường minh hơn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi chọn phương án 1.

Đối với nội dung về đấu giá biển số xe, đại biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ cho thấy việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của việc đấu giá biển số xe. Chính vì vậy, việc luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Vì vậy, đại biểu đồng tình với phương án 1 đó là đưa nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu và cân nhắc một số nội dung:

Việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác; vì vậy, luật này chỉ quy định về nội dung (loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá…..), còn về hình thức (trình tự, thủ tục đấu giá) thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản mà không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục như tại khoản 11. Điều 37 dự thảo luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị mở rộng việc đấu giá biển số đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng sửa quy định tại khoản 1 Điều 37 lại thành “1. Biển số xe đưa ra đấu giá là số biển số của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 36 Luật này”.

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác