Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 3749

  • Tổng 2.886.565

Những vấn đề lý luận và thực tiễn làm căn cứ tham gia ý kiến cho Luật Hợp tác xã (sửa đổi) (Phần 3)

16:25, Thứ Hai, 10-4-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung khu vực kinh tế tập thể (KTTT) vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chính sách, pháp luật về KTTT còn bất cập. Một một số quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc có hướng dẫn nhưng chưa khả thi dẫn đến khó triển khai. Thời gian ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật HTX năm 2012 kéo dài và phải điều chỉnh nên quá trình triển khai thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn. Một số chính sách hỗ trợ được ban hành phân tán, chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, chưa được hướng dẫn cụ thể, thiếu nguồn lực thực hiện; còn thiếu các quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho tổ hợp tác (THT). Công tác quản lý nhà nước về KTTT còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Bộ máy quản lý còn phân tán, chưa tập trung; lực lượng cán bộ quản lý nhà nước còn mỏng, trình độ năng lực còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác kiểm tra, giám sát chưa được triển khai thường xuyên. Hệ thống số liệu cơ bản về HTX chưa đầy đủ và chính xác, độ tin cậy chưa cao nên hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về KTTT nhìn chung còn yếu và nhiều bất cập. Bản thân các tổ chức KTTT đa phần có quy mô nhỏ, phân tán, phát triển không đồng đều. Chính vì thế, trên cơ sở đánh giá các kết quả tích cực và những hạn chế, bất cập trong ban hành và thực hiện pháp luật về KTTT, các cơ quan của Quốc hội đã có một số đề tài nghiên cứu về yêu cầu, giải pháp đặt ra cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này. Sau đây là một số giải pháp. 

Bối cảnh và những đòi hỏi đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế tập thể

Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử được xem như một trong những giải pháp hiệu quả, bền vững để các tổ chức kinh tế gia nhập thị trường nhanh hơn, rẻ hơn. Song lại đòi hỏi các tổ chức kinh tế phải mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để tận dụng các cơ hội do thương mại điện tử tạo ra. 

Bối cảnh mới trên thế giới và Việt Nam đòi hỏi các tổ chức KTTT phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức hành động theo hướng năng động, sáng tạo, nắm bắt nhanh nhạy thông tin, tiếp cận KHCN tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, sản phẩm của Việt Nam, trong đó chủ yếu là sản phẩm NLTS phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm các nước, kể cả trên thị trường nội địa, khi sự xâm lấn của sản phẩm nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam sau khi hàng rào thuế quan của Việt Nam được dỡ bỏ theo các thỏa thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Những thuận lợi của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” đã, đang qua nhanh và sẽ không duy trình được lâu nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì lao động chất lượng thấp, giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn là lợi thế. Bên cạnh đó, lợi thế về tài nguyên cũng đang giảm rất nhanh do tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là một xu hướng mới và đặt ra những thách thức vô cùng gay gắt về khả năng hàng triệu lao động giản đơn Việt Nam sẽ mất việc làm, rơi vào thất nghiệp. 

Để đáp ứng yêu cầu phát triển KTTT, hệ thống pháp luật đối với KTTT cần phải được hoàn thiện nhằm đáp ứng những yêu cầu về tính cập nhật; yêu cầu về tính đồng bộ; yêu cầu về tính đơn giản, rõ ràng, cụ thể; yêu cầu về tính tạo động lực và sức hấp dẫn thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển bền vững…

Quan điểm và định hướng hoàn thiện pháp luật về kinh tế tập thể
 

Thứ nhất, giữ vững quan điểm khẳng định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, cùng kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Thứ hai, phát triển KTTT phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của tổ chức HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển KTXH của từng địa phương và của cả nước. 

Thứ ba, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. 

Thứ tư, phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể. 

Thứ năm, chú trọng phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, góp phần hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Về định hướng hoàn thiện pháp luật, cần bảo đảm mô hình HTX không thay đổi bản chất là tổ chức kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có tính chất xã hội;  Các quy định bảo đảm phù hợp với bản chất của HTX. Luật Hợp tác xã cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể sau đây: (1) Cấu trúc lại các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã theo hướng các nguyên tắc đề cập các vấn đề cơ bản, cốt lõi về HTX, làm nền tảng cho việc xây dựng những quy định cụ thể trong Luật Hợp tác xã; (2) Quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể quyền và nghĩa vụ của HTX, thành viên HTX, theo đó, HTX và thành viên có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản của một tổ chức kinh tế đồng thời có các quyền và nghĩa vụ nhất định phù hợp với tính xã hội của HTX; (3) Mô hình tổ chức và quản lý của HTX hướng tới mô hình tổ chức quản lý của một tổ chức kinh tế, định hướng quản trị hiệu quả trên nền tảng tính dân chủ, bình đẳng trong quản lý của HTX, của xã viên HTX; (4) Yếu tố tài sản, tài chính, phân chia lợi nhuận, tính chịu trách nhiệm được xử lý trên nền tảng quan hệ kinh tế kết hợp với yếu tố bình đẳng, tính xã hội của HTX; (5) Việc thành lập, giải thể, phá sản, tổ chức lại HTX tiếp cận tính chất của tổ chức kinh tế gắn với biểu hiện về tính xã hội của nó.

Từ đó, có thể thấy, việc Hoàn thiện pháp luật về HTX, liên hiệp HTX cần song hành với hoàn thiện pháp luật về tổ hợp tác (THT); hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các tổ chức kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT; tăng cường năng lực quản trị và hiệu quả SXKD của các tổ chức KTTT; tuyên truyền, tập huấn pháp luật về KTTT và nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho KTTT.

Thực hiện Kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được góp ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm thảo luận, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Xem toàn văn dự thảo tại đây.
 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác