Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 2788

  • Tổng 2.885.604

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Quảng Ninh sau Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII

9:18, Thứ Ba, 6-11-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh sau Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

 

 

 

1. Cử tri Nguyễn Văn Thanh (Trưởng thôn Kim Sen) và cử tri Nguyễn Văn Lúc, thôn Kim sen, xã Trường Xuân phản ánh việc khai thác cát tại khu vực Bãi Nái trên sông Long Đại đã ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của nhân dân thôn Kim sen nên thời gian qua không được người dân đồng tình (qua 3 lần tổ chức họp dân, người dân trong thôn không nhất trí), tuy nhiên hiện nay có biên bản họp thôn ngày 18/01/2018 lại có chữ ký của người dân đồng ý cho phép cấp mỏ khai thác cát cho HTX Thống Nhất, cử tri cho rằng đây có sự giả mạo hồ sơ, chữ ký. Cử tri đề nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết rõ vấn đề, đồng thời đề nghị các ngành chức năng xem xét lại việc cấp mỏ khai thác cát, sạn trên địa bàn thôn.


Trả lời:


Mỏ cát, sỏi làm VLXD thông thường tại Bãi Nái, xã Trường Xuân được phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 4646/QĐ-UBND ngày 21/12/2017; UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ VLXD Thống Nhất thực hiện dự án Khai thác mỏ cát, sỏi làm VLXD thông thường tại Bãi Nái, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh tại Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 23/02/2018.
Để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án Khai thác mỏ cát, sỏi làm VLXD thông thường tại Bãi Nái, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương liên quan; các Sở, ngành, địa phương đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Trường Xuân.


Hiện nay, có đơn kiến nghị về giả mạo chữ ký trong biên bản họp ngày 18/01/2018 lấy ý kiến nhân dân về phương án cải tạo phục hồi môi trường của dự án Khai thác mỏ cát, sỏi làm VLXD thông thường tại Bãi Nái, xã Trường Xuân; UBND xã Trường Xuân cũng đã có văn bản số 27/UBND ngày 27/7/2018 khẳng định UBND xã không tổ chức hội nghị ngày 18/01/2018 và UBND xã không ký vào biên bản cuộc họp ngày 18/01/2018. Về việc xác minh giả mạo chữ ký tại biên bản họp lấy ý kiến nhân dân theo kiến nghị của các hộ dân thôn Kim Sen, xã Trường Xuân, UBND tỉnh đã có văn bản số 2832/VPUBND-TCD ngày 07/8/2018 yêu cầu UBND huyện Quảng Ninh cơ quan điều tra công an huyện Quảng Ninh xác minh, làm rõ, khi có kết quả giải quyết của cơ quan công an thông tin trả lời cho các hộ dân được biết.


(Theo Công văn số 2825/KHĐT-TĐ ngày 20/9/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


2. Cử tri Ngô Minh Đức (xã Vạn Ninh) phản ánh hồ Rào Đá là nguồn cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Quảng Ninh do đó cử tri đề nghị các ngành chức năng cần cân nhắc, ra lấy ý kiến của nhân dân trước khi quy hoạch phát triển du lịch ở khu vực thượng nguồn tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước.


Trả lời:


Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 19, Luật Quy hoạch quy định: “Điều 19: Lấy ý kiến về quy hoạch: 1. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tính các địa phương liền kề; 3. Việc lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, phát triển Điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”.


Vì vậy, việc lấy ý kiến của cộng đồng, cá nhân có liên quan về quy hoạch trước khi phê duyệt quy hoạch là bắt buộc theo quy định của pháp luật.


(Theo Công văn số 2825/KHĐT-TĐ ngày 20/9/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


3. Cử tri xã Lương Ninh phản ánh: Xã Lương Ninh, nhất là thôn Lương Yến là vùng trũng thấp, dễ ngập úng, đề nghị Sở Giao thông vận tải và các ban, ngành có liên quan trước khi thiết kế, thi công tuyến đường tránh lũ cho phường Phú Hải cần khảo sát xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước, tránh tình trạng ngập úng cho các khu vực này trong mùa mưa lũ, trước mắt đề nghị hỗ trợ kinh phí để xã nạo vét hệ thống kênh Phú Hải – Lương Ninh đảm bảo cho việc tiêu thoát nước trong khu vực.


Trả lời:


Đối với việc xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực và hỗ trợ kinh phí để xã Lương Ninh nạo vét hệ thống kênh Phú Hải – Lương Ninh, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra, có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước và nạo vét các tuyến kênh mương, phục vụ việc sản xuất nông nghiệp của người dân.


(Theo Công văn số 2259/SGTVT-KHTH ngày 12/9/2018 của Sở Giao thông và Vận tải về việc Giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII)


4. Cử tri xã Hải Ninh phản ánh: Trên địa bàn xã Hải Ninh hiện nay, trong quá trình phát triển nhà ở của Nhân dân, nhiều khu dân cư được mở rộng nên thiếu rất nhiều tuyến đường điện (dây xương cá), nhiều hộ phải tự kéo đường dây điện từ cột chính đi vào nhà mình dài từ 150 – 200m, một số tuyến đường điện trước đây không còn phù hợp, hệ thống cột điện nằm trong phần đất ở của người dân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và có nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện, nhất là trong mùa mưa bão. Đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng đường điện ở xã Hải Ninh đảm bảo sinh hoạt của người dân.


Trả lời:


Lưới điện xã Hải Ninh được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn RE2 và được ngành điện tiếp nhận từ năm 2013. Những năm qua do hạn chế nguồn vốn nên chỉ đầu tư được 1 số điểm trên địa bàn xã. Những phần còn lại, Điện lực Quảng Ninh đã khảo sát và đưa dần vào năm 2019 và những năm tiếp theo. Do vậy, trong thời gian tới chính quyền địa phương và ngành Điện lực sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc di dời một số tuyến đường điện nằm trong phần đất ở của hộ dân và đầu tư mới thêm các tuyến đường dây điện xương cá nhằm đảm bảo an toàn và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.


(Theo Công văn số 790/UBND-VP ngày 27/9/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh về việc đề nghị trả lời ý kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


5. Cử tri huyện Quảng Ninh phản ánh: Hiện nay tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, số lượng các mặt hàng nông phẩm được bày bán tại đây phần lớn là các sản phẩm được nhập về của các tỉnh bạn, các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh còn rất ít, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện để đưa các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh vào bán tại các siêu thị. Đề nghị Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và các ban ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng các đề án, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Vietgap để người dân yên tâm khi sử dụng.


Trả lời:


- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện để đưa các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh vào bán tại các siêu thị


Để sản phẩm được đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị cần phải đáp ứng các điều kiện về ATTP, các hồ sơ liên quan đáp ứng theo quy định của nhà nước và của siêu thị; ngoài ra sản phẩm phải được cung ứng ổn định thường xuyên, phải được giám sát chất lượng thông qua việc lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu ATTP định kỳ. Trong khi các cơ sở sản xuất trên địa tỉnh ta có quy mô nhỏ, điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật còn khó khăn; nhiều sản phẩm sản xuất mang tính mùa vụ, manh mún, nguồn cung không liên tục. Chi phí phân tích mẫu định kỳ cơ sở sản xuất phải tự chi trả làm tăng chi phí, trong khi các sản phẩm nông sản thực phẩm đã tham gia trong chuỗi cung ứng của siêu thị từ các tỉnh phía Nam rất cạnh tranh về giá do họ sản xuất với quy mô công nghiệp, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn năng suất cao, chất lượng ổn định.


Trong thời gian qua đã có 14 sản phẩm của 06 cơ sở sản xuất trong tỉnh đang tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart, gồm rau sạch An Nông, thịt lợn và rau sạch của Công ty Thanh Hương, mật ong Tuyên Hóa, nước mắm Long Tám, thịt của Công ty Hải Dương. Mặc dù chủng loại và số lượng sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các siêu thị đang chiếm tỷ lệ thấp so với lượng sản phẩm sản xuất trên địa bàn nhưng đây là thành công bước đầu của các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm trong tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, gần đây có một số sản phẩm đã ngừng cung cấp do không cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của siêu thị.


Thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương cùng các ngành liên quan, các địa phương tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nông thủy sản đảm bảo ATTP trên địa bàn tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm trong các siêu thị.


- Đề nghị Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và các ban ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng các đề án, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Vietgap để người dân yên tâm khi sử dụng.


Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng ATTP các sản phẩm nông thủy sản trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành: Kế hoạch số 1405/KH-UBND ngày 06/11/2014 về xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tỉnh Quảng Bình, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có ít nhất 50% các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất trên địa bàn được kiểm soát theo chuỗi, đảm bảo chất lượng ATTP; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 05/11/2016 về đảm bảo ATTP tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 – 2020, trong đó mục tiêu đến năm 2020 là 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; khuyến khích và nâng cao số cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng, ATTP như GMP, HACCP, ISO 9001; ISO 2200; VietGap; Quyết định số 2383/QĐ-UBND ngày 23/7/2018 về việc ban hành Kế hoạch Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018-2020, trong đó nêu rõ hỗ trợ cải tiến mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tìm kiếm thị trường. Xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến cách thức quản lý, kỹ thuật nuôi trồng an toàn và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP…từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Bình. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.


Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 553/QĐ-SNN ngày 10/9/2018 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và giảm tổn thất sau thu hoạch giai đoạn 2018-2020, trong đó có giải pháp tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến các thiết bị, máy móc theo hướng xuất khẩu, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của mặt hàng rau quả áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng và phát triển 03 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm rau, thịt an toàn. Đồng thời Sở đã thực hiện hỗ trợ, tư vấn và chứng nhận HACCP cho 01 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản tại huyện Bố Trạch; Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và điện Quảng Long, thị xã Ba Đồn; hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm rau của Công ty TNHH XDTH Nhật Lệ, TP Đồng Hới; Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận đối với sản phẩm rau của Công ty cổ phần Thanh Hương, huyện Quảng Ninh; Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Riêng năm 2018 Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục hỗ trợ cho 04 cơ sở: Hỗ trợ, tư vấn và chứng nhận HACCP cho 01 cơ sở trồng rau tại huyện Bố Trạch; Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP cho 01 cơ sở trồng rau tại huyện Quảng Ninh; Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP cho 01 cơ sở chăn nuôi gà tại huyện Bố Trạch; Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP cho 01 cơ sở trồng dưa lưới tại TP Đồng Hới.


(Theo Công văn số 2126/SNN-KHTC ngày 14/9/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


6. Cử tri thị trấn Quán Hàu kiến nghị: Đường Quốc lộ 1A cũ từ chợ Quán Hàu về xã Lương Ninh hiện nay đã xuống cấp, đề nghị tỉnh đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nâng cấp tuyền đường này trở thành một trong những tuyến đường chính của thị trấn.


Trả lời:


Tuyến đường QL1A cũ từ chợ Quán Hàu (liền kề Bến phà Quán Hàu cũ) về xã Lương Ninh có chiều dài hơn 1,8 km, nền đường rộng 10m, mặt đường láng nhựa rộng 9m. Cá biệt đoạn gần Phà Quán Hầu cũ mặt đường rộng 15m.


Năm 2000, sau khi Cầu Quán Hàu và đường dẫn 2 đầu cầu hoàn thành đưa vào sử dụng, đoạn đường QL1A từ Bến Phà Quán Hàu về xã Lương Ninh được bàn giao cho Huyện Quảng Ninh quản lý, sử dụng. Các năm qua, UBND huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống rãnh thoát nước gần 2 km, với trị giá trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là tuyến đường ngập lụt hàng năm từ 0,3-1,1m nên đã làm cho tuyến đường xuống cấp, tạo ra nhiều ổ gà, ổ voi như ý kiến cử tri là đúng thực tế. Mặt khác do nguồn thu ngân sách của huyện còn quá thấp, tập trung cho xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất, nên chưa có khả năng để đầu tư nâng cấp tuyến đường trên. Trong thời gian tới, huyện đề nghị Tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư để nâng cấp tuyến đường QL1A cũ từ chợ Quán Hàu về thị xã Lương Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn.


(Theo Công văn số 790/UBND-VP ngày 27/9/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh về việc đề nghị trả lời ý kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


 

Các tin khác