Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 3259

  • Tổng 2.881.467

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Quảng Trạch trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII

9:52, Thứ Hai, 17-12-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Trạch trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri Nguyễn Văn Tuấn, Thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương kiến nghị: Dự án quản lý cấp nước tại hồ Bầu Sen cho thị xã Ba Đồn cần quan tâm thực hiện để địa phương có nguồn nước sử dụng hợp lý trong Nhân dân. Đề nghị hỗ trợ kinh phí để tái tạo lại Bầu sen cho thôn và xã.


Trả lời:


Nguồn nước hồ Bàu Sen là nơi cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý nước Quảng Long - Chi nhánh cấp nước Ba Đồn sản xuất cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân địa bàn thị xã Ba Đồn và Trung tâm thị trấn huyện lỵ mới, huyện Quảng Trạch; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số 20/GP-STNMT ngày 28/01/2016 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp.


Trong mùa hè năm nay, mức nước hồ Bàu Sen hạ thấp bất thường so với các năm trước làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc lấy nước tưới tiêu nông nghiệp cũng như nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương các cấp và Công ty CP Cấp nước Quảng Bình họp bàn và thực hiện các giải pháp cần thiết để khai thác nước hồ hợp lý đảm bảo hài hòa các mục đích sử dụng nước từ hồ Bàu Sen.


Về phía Công ty CP Cấp nước Quảng Bình đã thực hiện các biện pháp để giảm lượng nước khai thác từ hồ Bàu Sen, cụ thể là:


- Giảm thời lượng khai thác tù 24 giờ xuống 15 giờ trong ngày.
- Giảm lưu lượng khai thác từ 2.000 m/ng.đ xuống 1.500 m3/mg.đ
- Đầu tư tuyến ống D150-200 mm từ Cầu Kênh Kịa đến cầu Quảng Hải 2 để mua nước sạch của nhà máy nước Rào Nan do Ban QLDA ODA huyện Quảng Trạch quản lý.
- Công ty sớm xây dựng phương án và đề xuất UBND tỉnh để thay thế nguồn nước hồ Tiên Lang để phục vụ sản xuất cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đảm bảo ổn định lâu dài.


Trong vụ Hè - Thu vừa qua Công ty CP Cấp nước Quảng Bình đã phối hợp với lãnh đạo thôn Pháp Kệ thực hiện các biện pháp sử dụng nước hợp lý đảm bảo hài hòa các mục đích sử dụng nước và hỗ trợ kinh phí để Thôn tổ chức bơm nước từ các nguồn khác phục vụ nông nghiệp thay thế cho nguồn từ hồ Bàu Sen.
Trong thời gian tới, Công ty CP Cấp nước Quảng Bình sẽ tiếp tục làm việc với xã Quảng Phương và thôn Pháp Kệ để bàn kế hoạch phối hợp khai thác hiệu quả nguồn nước hồ Bàu Sen, trong đó có kinh phí khai thác nước hồ Bàu Sen phục vụ cấp nước sinh hoạt.


Để duy trì an toàn các nguồn nước hồ Bàu Sen phục vụ ổn định các mục đích khai thác, Công ty CP Cấp nước Quảng Bình để nghị UBND tỉnh, UBND huyện Quảng Trạch quan tâm, chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan có biện pháp tăng diện tích tưới tiêu cho nông nghiệp từ các nguồn khác để giảm diện tích tưới tiêu hiện tại của hồ Bàu Sen.


(Theo Công văn số 363/NQB-KHKT ngày 12/11/2018 của Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình về việc khia thác nước hồ Bàu Sen cấp nước phục vụ sinh hoạt)


2. Cử tri Dương Ngọc Lâm, xã Quảng Phú phản ánh: Cảng cá Cảnh Dương xây dựng xâm lấn ra sông, ngăn chặn, thay đổi hướng dòng chảy, gây ảnh hưởng, sạt lở bờ sông phía thôn Phú Xuân, Xuân Hải. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và quan tâm đầu tư làm kè chống xói lở ven sông cho 02 thôn.


Trả lời:


- Sạt lở bờ sông Roòn đoạn chảy qua các thôn Xuân Hải, Phú Xuân xã Quảng Phú đã xảy ra từ những năm trước, đặc biệt sau cơn bão số 10 năm 2017 thì mức độ sạt lở càng mạnh hơn, sóng biển dâng cao lấn sâu vào đất liền làm các vườn bạch đàn, phi lao ven biển bị ngập mặn và chết, làm hư hỏng đường xuống bến cá, sạt lở đất canh tác,... gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống của các hộ dân ở sát ven biển. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, đánh giá để tìm hiểu nguyên nhân nhằm đề xuất phương án xử lý, tuy nhiên do đặc điểm của dòng chảy khu vực cửa sông thường xuyên thay đổi và diễn biến phức tạp, do đó để có kết luận chính xác về nguyên nhân gây sạt lở cần phải thực hiện khảo sát đầy đủ các yếu tố (trong đó bao gồm yếu tố gây co hẹp mặt cắt dòng sông và làm thay đổi cục bộ về hướng dòng chảy của việc xây dựng các công trình xâm lấn ra sông), sau đó sẽ tiến hành tính toán, mô phỏng bằng các công cụ kỹ thuật chuyên dụng mới có thể đưa ra kết luận.


- Về xử lý cấp bách sạt lở nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch ưu tiên sử dụng một phần kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 10 năm 2017 để hỗ trợ xã Quảng Phú vận động nhân dân thôn Phú Xuân triển khai trồng cây chịu mặn, hạn chế sạt lở. Đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trước mắt sử dụng nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại do bão số 10 năm 2017 để đầu tư xây dựng công trình gia cố, khắc phục tạm thời sạt lở xâm thực bờ sông cửa biển thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng (Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 17/4/2018). Hiện nay công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trước mắt đã giải quyết được sạt lở và xâm thực bờ sông. Tuy nhiên, để hạn chế sạt lở, đề nghị UBND huyện Quảng Trạch và xã Quảng Phú sớm triển khai cho nhân dân trồng cây chắn sóng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Về lâu dài, cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định giải pháp xử lý phòng chống sạt lở để đảm bảo sự an toàn bền vững cho cả 2 phía bờ sông.


(Theo Công văn số 2700/SNS-KHTC ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)

 

3. Cử tri Dương Ngọc Lâm, xã Quảng Phú kiến nghị: Vụ việc 03 tàu cá của ngư dân bị cháy tại khu neo đậu Cảng Gianh, huyện Bố Trạch tránh bão số 10 năm 2017, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa nhận được kết quả điều tra vụ việc, vậy mong các cơ quan chức năng sớm thông báo rõ cho Nhân dân được biết.


Trả lời:


Không có vụ việc cháy 03 tàu cá tại khu neo đậu Cảng Gianh, huyện Bố Trạch như cử tri phản ánh.


Tuy nhiên vào khoảng 19h30 ngày 24/11/2017, xảy ra vụ cháy 4 tàu đánh cá của ngư dân đang neo đậu tại Cửa Lạch sông Ròon thuộc thôn Hải Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, gồm: Tàu số hiệu QB 93519TS của Nguyễn Ngọc Thành ở xã Cảnh Dương, tàu số hiệu QB 93019TS của Trịnh Văn Vinh ở xã Quảng Phú, tàu số hiệu QB 93519TS của Nguyễn Văn Hùng ở xã Cảnh Dương, tàu số hiệu QB 3319TS của Nguyễn Chí Thắng ở xã Cảnh Dương. Trong số 4 tàu cá của ngư dân thì có 2 tàu của Nguyễn Ngọc Thành và Trịnh Văn Vinh bị cháy hoàn phần ca bin, động cơ máy móc và ngư cụ trên tàu; 2 tàu còn lại cháy phần mạn tàu, không có thiệt hại về người; tổng thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.


Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an Quảng Trạch, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khám nghiệm, điều tra nguyên nhân, xác định cháy do chập điện ắc quy trên tàu QB-93519 của Nguyễn Ngọc Thành, sau đó cháy lan sang 03 tàu bên cạnh, là yếu tố khách quan, không có sự việc phạm tội.


Sau khi kết luận nguyên nhân cháy, ngày 25/01/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Quảng Trạch đã thông báo số 09/CSĐT về việc không khởi tố vụ án hình sự và Thông báo số 13/CSĐT về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch và Ban Công an xã Quảng Phú.


(Theo Báo cáo số 3465/BC-CAT-PV01 ngày 19/11/2018 của Công an tỉnh về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)


4. Cử tri Phạm Hồng Thanh, xã Quảng Phú đề nghị: Tỉnh sớm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai liên quan đến dự án treo của công ty Anh Trang trên địa bàn xã Quảng Phú.


Trả lời:


Công ty TNHH Anh Trang được UBND tỉnh cho thuê 28,7 ha đất tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch theo Quyết định số 2896/QĐ-UBND ngày 11/11/2008. Sau khi thuê đất đơn vị đã tập trung đầu tư xây dựng một số hạng mục như san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào, văn phòng điều hành, móng lò cao, nhà kho, nhà tập thể công nhân, bãi chứa đá vôi, bãi chứa than và nhập một số lô thiết bị về cảng Hòn La. Theo báo cáo của Công ty thì tổng số tiền đơn vị đã đầu tư là 317 tỷ đồng. Từ năm 2015, dự án đã ngừng hoạt động. Đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được đơn khiếu kiện, khiếu nại về đất đai của tổ chức, cá nhân nào với Công ty Anh Trang tại địa bàn xã Quang Phú. Tuy nhiên, liên quan đến xử lý dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh đã có chỉ đạo xử lý và diễn biến thực hiện cụ thể như sau:


Ngày 15/6/2018, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản số 2121/TB-VPUBND Thông báo kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế, trong đó có nội dung giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quảng Trạch và các sở, ngành liên quan, trên cở sở thông báo kết luận số 114/TB-VPUBND ngày 10/01/2018, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất Dự án Nhà máy Luyện gang và Sản xuất phôi thép Quảng Phú của Công ty TNHH Anh Trang.


Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh ngày 05/7/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế đã tổ chức cuộc họp với các Sở, ban ngành, địa phương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam – CN Quảng Bình. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam – CN Quảng Bình thì dự án của Công ty TNHH Anh Trang đang vay vốn của Ngân hàng và Công ty chưa thực hiện trả nợ vay nên Ngân hàng Phát triển Việt Nam – CN Quảng Bình đã khởi kiện Công ty TNHH Anh Trang ra tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới. Ngày 07/6/2018, Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số

06/2018/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Công ty TNHH Anh Trang phải trả hết nợ vay cho Ngân hàng chậm nhất đến hết ngày 31/8/2018. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Anh Trang chưa trả hết nợ. Do đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam – CN Quảng Bình đang yêu cầu Cơ quan thi hành án kê biên tài sản và thực hiện thủ tục phát mại tài sản để thu hồi nợ theo quy định.


Nhằm không để sự việc rơi vào tình trạng dây dưa kéo dài và xử lý dứt điểm nội dung kiến nghị của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ban quản lý khu kinh tế có văn bản yêu cầu Ngân hành phát triển Việt Nam- Chi nhánh Quảng Bình và Công ty TNHH Anh Trang giải quyết dứt điểm sự việc trước ngày 31/12/2018. Quá thời hạn nêu trên mà các bên không xử lý dứt điểm quan hệ dân sự về vay nợ, đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Việc giải quyết quan hệ thế chấp tài sản được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.


(Theo Báo cáo số 143/BC-STNMT ngày 13/11/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII)


5. Cử tri Hoàng Đình Phi, thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân kiến nghị: Do nhu cầu làm ăn, một số người dân đã sử dụng máy xe ô tô qua lắp ở tàu cá, trong quá trình đăng ký đăng kiểm gặp rất nhiều khó khăn và không đăng ký được. Cũng trong quá trình đăng ký, đăng kiểm tàu cá trải qua nhiều bước thủ tục phức tạp, Nhân dân phải đóng góp từ 12-15 triệu đồng, ngoài cán bộ của tỉnh ra kiểm tra, sau đó còn có một đơn vị từ Sài Gòn đến kiểm tra. Đề nghị tỉnh quan tâm giảm bớt thủ tục và chi phí cho Nhân dân.


Trả lời:


- Theo Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS ngày 05/5/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển; Công văn số 897/UBND-KTN ngày 25/5/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển, trong đó quy định “nghiêm cấm việc lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy bộ (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) xuống các tàu cá”. Như vậy, việc ngư dân ở xã Quảng Xuân nói riêng và ngư dân ở các địa phương khác trong tỉnh đã sử dụng động cơ xe ô tô qua lắp ở tàu cá là trái với quy định nêu trên, do đó sẽ không được đăng kiểm, đăng ký.


- Theo quy định tại Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế Đăng kiểm tàu cá và Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS ngày 03/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) về việc ban hành Quy chế Đăng ký tàu cá và Thuyền viên thì tàu cá đóng mới, cải hoán phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật được Cơ quan Đăng kiểm phê duyệt và có văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán do Cơ quan có thẩm quyền cấp (Sở Nông nghiệp và PTNT) trước khi thi công. Quá trình thi công đóng mới, cải hoán phải được sự giám sát kỹ thuật của Cơ quan đăng kiểm tàu cá từ khi khởi công cho đến khi hoàn thiện con tàu đưa vào hoạt động. Đối với trường hợp tàu cá lắp đặt máy thủy cũ không có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền, chủ tàu hoặc nhà cung cấp máy cũ phải mời bên thứ ba là các tổ chức có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định chất lượng để kiểm tra, thẩm định chất lượng của máy và cung cấp kết quả cho Cơ quan Đăng kiểm tàu cá theo hướng dẫn tại Công văn số 112C/TTĐK-ĐK ngày 06/8/2015 của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá -Tổng cục Thủy sản và theo quy định tại Thông tư số 51/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp trên tàu cá.


Như vậy, theo quy trình, để được cải hoán tàu cá, chủ tàu phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải hoán (do Đơn vị tư vấn thiết kế lập) được cơ quan đăng kiểm duyệt và được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp văn bản chấp thuận cải hoán, trường hợp sử dụng máy thủy đã qua sử dụng mà không có giấy chứng nhận chất lượng và nguồn gốc xuất xứ máy của hãng sản xuất hoặc của cơ quan có thẩm quyền thì chủ tàu hoặc bên cung cấp máy phải thuê Đơn vị giám định độc lập thực hiện giám định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ máy thuỷ.


- Việc thu phí đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính và được xuất hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định. Theo số liệu tổng hợp, đối với các trường hợp tàu cá cải hoán ở xã Quảng Xuân, mức thu phí tùy thuộc vào kích thước tàu, công suất máy trang thiết bị trên tàu để có mức thu phí nhưng giao động trong khoảng từ 1,5-5 triệu đồng. Các chi phí khác như phí thuê lập hồ sơ thiết kế, giám định máy không phải là phí đăng kiểm tàu cá và do Đơn vị tư vấn thiết kế, giám định thu trực tiếp trên cơ sở thỏa thuận với chủ tàu.


(Theo Công văn số 2700/SNS-KHTC ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)


6. Cử tri Võ Thị Cảnh, thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân kiến nghị: Tại khu dân cư thôn Xuân Kiều xã Quảng Xuân có 02 nhà máy gạch Tuynel và Proximang gây ô nhiễm môi trường, Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giải quyết để đảm bảo môi trường cho người dân.


Trả lời:


Nội dung phản ánh về vấn đề gây ô nhiểm môi trường của hai nhà máy trên địa bàn xã Quảng Xuân đã được cử tri phản ánh rất nhiều lần, qua nhiều năm tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, HĐND huyện hoặc gửi đơn kiến nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chức năng khác. Thực hiện trách nhiệm được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xử lý và trả lời các kiến nghị, phản ánh của cử tri. Theo đó, kết quả kiểm tra và quan trắc môi trường khi có kiến nghị của cử tri cho thấy chưa đủ cơ sở để kết luận 2 nhà máy hoạt động gây ô nhiểm môi trường. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động cả hai nhà máy vẫn còn một số vi phạm hành chính như: Nhà máy gạch tuynel đổ đất, nguyên liệu chất đống quá cao, bê tông hóa đường, sân nội bộ chưa triệt để, mật độ cây xanh trồng chưa đảm bảo; Nhà máy tấm lợp Froximang để phế thải tấm lợp với khối lượng lớn trong khuôn viên, hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn xuống cấp, mật độ cây xanh không đảm bảo …Các vi phạm trên Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu khắc phục, đến nay về cơ bản hai nhà máy đã khắc phục xong.


Theo phản ánh của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, kết quả cho thấy:
- Tại nhà máy tấm lợp Froximang đến ngày 28/6/2018, nhà máy đã vận chuyển, xử lý xong toàn bộ phế thải trong khuôn viên. Kết quả quan trắc, giám sát môi trường định kỳ đợt 1 năm 2018 cho thấy các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. Quá trình hoạt động nước thải công nghiệp được thải ra trong khuôn viên và được tái tuần hoàn sử dụng.


- Tại nhà máy gạch Tuynel: Do lượng sản phẩm tại kho đang tồn đọng với số lượng lớn nên từ tháng 7/2018 đến nay cả hai dây chuyền sản xuất của nhà máy đang hoạt động cầm chừng. Kết quả quan trắc giám sát môi trường định kỳ đợt 1 năm 2018 cho thấy các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép, hoạt động của nhà máy không phát sinh nước thải công nghiệp.


Riêng nước dưới đất (nước ngầm) trong khu vực dân cư người dân đang sử dụng phục vụ sinh hoạt kết quả phân tích qua các đợt kiểm tra có chỉ tiêu về độ cứng và mùi vượt quy chuẩn cho phép, nguyên nhân không phải do hoạt động sản xuất của 2 nhà máy gây ra. Vấn đề này Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1677/STNMT-TTr ngày 30/10/2014 phân tích, làm rỏ và hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp xử lý nước trước khi đưa vào sử dụng; Sở Y tế có Công văn số 1899/SYT-NVY ngày 09/11/2017 đã kết luận về hiện tượng một số bệnh nhân trong khu vực mắc bệnh ngoài da không phải do nguyên nhân phát sinh từ các hoạt động sản xuất của các nhà máy.


Như vậy, việc phản ánh của cử tri Võ Thị Cảnh thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân về hai nhà máy gây ô nhiểm môi trường là chưa có cơ sở.


Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị UBND huyện Quảng Trạch và UBND xã Quảng Xuân làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận tạo điều kiện cho 02 nhà máy hoạt động. Đồng thời, tiếp tục tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của hai nhà máy, kịp thời báo cáo hoặc xử lý theo thẩm quyền khi xãy ra sự cố; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trên địa bàn.


Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch và UBND xã Quảng Xuân giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của các nhà máy và sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.


(Theo Báo cáo số 143/BC-STNMT ngày 13/11/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII)


7. Cử tri Phạm Hồng Thanh, xã Quảng Phú phản ánh: Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình đang quá tải, đặc biệt là khoa xét nghiệm do bệnh nhân tiểu đường ngày càng nhiều và bệnh viện có vị trí xa so với các xã phía bắc huyện Quảng Trạch như xã Quảng Phú, Quảng Hợp, Quảng Kim… gây khó khăn cho người dân đi khám, chữa bệnh. Đề nghị Tỉnh đầu tư xây dựng 1 bệnh viện ở khu vực phía Bắc huyện Quảng Trạch để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; đề nghị đưa, bổ sung chức năng xét nghiệm bệnh tiểu đường về các Trạm Y tế xã để thuận tiện cho bệnh nhân tiểu đường khám định kỳ hàng tháng và giảm tải cho các bệnh viện.


Trả lời:


1.Về việc đề xuất Tỉnh đầu tư xây dựng một Bệnh viện ở khu vực phía Bắc huyện Quảng Trạch để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân:
Dự án Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3828/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 và đã được HĐND tỉnh nhất trí bổ sung Dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách tỉnh với quy mô:


- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch hai chức năng (y tế dự phòng và khám chữa bệnh) quy mô 20 giường bệnh phục vụ công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh cho người dân, các cơ sở kinh tế, văn hoá, du lịch trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.


- Địa điểm đầu tư: Nằm trên địa giới hành chính của 02 xã (xã Quảng Hưng và xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).


Trong thời gian tới, Sở Y tế đang đề xuất Bộ Y tế xem xét đưa vào Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở” vay vốn WB để hoàn chỉnh việc xây dựng Trung tâm y tế 2 chức năng với quy mô đến năm 2025 là 90 giường bệnh nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các xã vùng Bắc huyện Quảng Trạch.


2. Bổ sung chức năng xét nghiệm bệnh tiểu đường về các Trạm y tế xã để thuận tiện cho Bệnh nhân đến khám định kỳ hàng tháng và giảm tải cho các Bệnh viện:


Đề xuất của cử tri là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên thời gian qua do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên chưa triển khai được. Ngày 12/9/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 5538/BYT-BH ngày 12/9/2018 về việc thực hiện dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch tại các cơ sở khám chữa bệnh trong đó có quy định:


“Xét nghiệm đường máu mao mạch tại các cơ sở y tế tuyến xã thực hiện theo danh mục dịch vụ kỹ thuật sử dụng tại cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Danh mục kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản sử dụng tại trạm y tế ban hành kèm theo Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế. Bác sỹ chỉ định thực hiện xét nghiệm, điều dưỡng thực hiện theo quy trình kỹ thuật quy định tại quy trình kỹ thuật được ban hành theo Quyết định 1904/QĐ-BYT ngày 30/5/2014 của Bộ Y tế.”
Hiện tại, các dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh bao gồm cả xét nghiệm đường máu mao mạch đã được Sở Y tế phê duyệt để thực hiện tại các trạm y tế có đủ điều kiện (trong đó có trạm y tế xã Quảng Phú) và được thanh toán bảo hiểm y tế.


Qua phản ánh của cử tri, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện triển khai tại các trạm y tế xã thực hiện việc xét nghiệm đường máu cho bệnh nhân trên địa bàn.


(Theo Công văn số 2238/SYT-KHTC ngày 19/11/2018 Sở Y tế về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)

Các tin khác