Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1052

  • Tổng 2.941.996

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Quảng Trạch sau Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII

14:12, Thứ Hai, 2-4-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Trạch sau Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri xã Quảng Trường đề nghị Tỉnh quan tâm, bố trí ngân sách để xây dựng cầu Thuận Hòa, xã Quảng Trường, vì trong mùa mưa lũ Nhân dân đi lại rất khó khăn.


Sở Giao thông – Vận tải trả lời:


Cầu Thuận Hòa trên địa bàn xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch đã được Sở GTVT đề xuất thực hiện trong Hợp phần cầu, Dự án LRAMP sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Hiện tại, đang tiến hành các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn lập Dự án đầu tư; dự kiến cầu sẽ được khởi công xây dựng trong Quý IV/2017.


(Công văn số 2147/SGTVT-KHTH ngày 29/9/2017 của Sở Giao thông Vận tải)


2. Cử tri xã Quảng Trường đề nghị Tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch tại các xã vùng Nam thuộc huyện Quảng Trạch.


Sở NN&PTNT trả lời:


Dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch được khởi công xây dựng từ năm 2013, sử dụng vốn tín dụng của Chính phủ Hungary với tổng mức đầu tư hơn 28 triệu Euro, công suất 22.000 m3/ngày đêm, phục vụ việc cấp nước sạch sinh hoạt cho 22 xã dọc sông Gianh của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ cho 10 xã vùng Nam của thị xã Ba Đồn và phát huy tốt hiệu quả. Giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 15,7 triệu Euro, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12 xã, phường phía Bắc sông Gianh (trong đó có 7 xã của huyện Quảng Trạch bao gồm: Quảng Thanh, Quảng Phương, Quảng Trường, Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Liên, Quảng Xuân). Hiện nay BQL Dự án ODA Quảng Trạch đang hoàn thiện hồ sơ đề cương theo yêu cầu của các bộ, ngành cấp trên để tiếp tục triển khai dự án.


(Công văn số 2176/SNN-KHTC ngày 26/9/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)


3. Cử tri xã Quảng Châu đề nghị Tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây cầu Máng qua hai thôn Đất Đỏ - Hòa Lạc, xã Quảng Châu, vì cầu đã xuống cấp, người dân đi lại rất khó khăn.


UBND huyện Quảng Trạch trả lời:


Cầu Máng nối hai thôn Đất Đỏ - Hòa Lạc xã Quảng Châu được đầu tư xây dựng từ những năm 1984, nhằm cấp nước từ hồ Vực Tròn cho 6 xã, phường thuộc huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian khai thác sử dụng cầu cũng đã dần xuống cấp, việc xây dựng cầu mới đảm bảo quy mô và chất lượng khai thác là rất cần thiết. Thời gian qua, UBND huyện đã đề xuất từ nhiều chương trình, dự án và vận động các nguồn vốn để ưu tiên xây dựng mới các cầu bị xuống cấp trên địa bàn huyện, trong đó có cầu Đò Ho (Cầu Máng) xã Quảng Châu.
Tháng 7/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua phương án sử dụng và trả nợ vốn vay Ngân hàng Thế giới để thực hiện Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) tại tỉnh Quảng Bình, đưa cầu Đò Ho xã Quảng Châu vào hợp phần xây dựng cầu dân sinh, giao cho Sở Giao thông Vận tải làm Chủ Dự án. Hiện nay dự án xây dựng cầu Đò Ho đã được Sở Giao thông Vận tải triển khai đấu thầu tư vấn khảo sát thiết kế, dự kiến cầu sẽ được triển khai thi công vào đầu năm 2018.


(Báo cáo số 292/BC-UBND ngày 03/10/2017 của UBND huyện Quảng Trạch)


4. Cử tri xã Quảng Xuân đề nghị Tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho việc bảo vệ rừng phòng hộ tại các xã có rừng thuộc huyện Quảng Trạch để công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được tốt hơn.


Sở Tài chính trả lời:


Kinh phí cho việc bảo vệ rừng phòng hộ được quy định tại Điều 20 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ. Trong đó quy định: Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí sự nghiệp cho quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, bao gồm kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng phòng hộ do cấp có thẩm quyền quyết định.
Hàng năm, kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ UBND tỉnh đã bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước cho các huyện, thành phố, thị xã theo định mức.
Do đó, đề nghị UBND huyện Quảng Trạch kiểm tra việc phân bổ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ nói trên để trả lời theo ý kiến của cử tri.
Riêng kinh phí bảo vệ diện tích rừng tự nhiên do UBND xã trực tiếp quản lý, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung cho UBND các huyện, thành phố, thị xã để cấp cho các xã trực tiếp quản lý với mức 100.000 đồng/ha/năm theo quy định.


(Công văn số 2875/STC-NS ngày 20/9/2017 của Sở Tài chính)

Các tin khác