Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 14

  • Hôm nay 1192

  • Tổng 2.884.007

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa sau Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

10:48, Thứ Ba, 17-12-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa sau Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri xã Hóa Thanh: Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức kiểm tra, khám bệnh và cấp phát thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh U bướu tại tuyến xã để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con.


Trả lời:


Hiện nay, Chương trình phòng chống bướu cổ do Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Nội tiết (PCSR-NT) trực tiếp thực hiện trên địa bàn tỉnh, hoạt động khám điều trị bướu cổ được triển khai tại tuyến tỉnh (Phòng khám đa khoa - Trung tâm PCSR-NT) và tuyến huyện (các Trung tâm y tế (TTYT) và Bệnh viện đa khoa huyện (BVĐK). Tại TTYT huyện Minh Hóa có các hoạt động tổ chức khám và cấp phát thuốc điều trị (miễn phí) tại các Trạm y tế xã cho các bệnh nhân mắc bướu cổ đơn thuần (hay còn gọi là bướu cổ địa phương), các loại bướu cổ khác phải đến BVĐK huyện hay phải lên tuyến trên để khám điều trị.


Theo báo cáo của TTYT huyện Minh Hóa, trong 9 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 1578 lượt khám và đã phát hiện 69 trường hợp bệnh nhân mắc bướu cổ trong đó xã Hóa Thanh đã khám cho 71 người, phát hiện 1 bệnh nhân bướu cổ và thực hiện các hướng dẫn của Chương trình Quốc gia phòng chống rối loạn do thiếu i ốt.


Bướu cổ là một bệnh nội tiết, cần có bác sĩ chuyên khoa, được đào tạo tập huấn về bệnh lý tuyến giáp; mặt khác cơ sở KCB (trạm y tế) phải được phê duyệt danh mục kỹ thuật KCB liên quan bướu cổ thì mới đảm bảo tổ chức khám bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân mắc bướu cổ.


Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo TTYT Minh Hóa duy trì phối hợp và tăng cường các hoạt động thuộc chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân.


(Theo Công văn số 2217/SYT-KHTC ngày 08/10/2019 của Sở Y tế về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)


2. Cử tri đề nghị tỉnh xem xét đầu tư xây dựng và nâng cấp Đình làng Kim Bảng thuộc xã Minh Hóa nhằm bảo tồn Di tích; tạo không gian hoạt động văn hóa, thể thao cho nhân dân và là điểm đến cho du khách tham quan.


Trả lời:


Đình Kim Bảng và hang Lèn Cây Quýt thuộc xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được công nhận Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 09/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình. Đây là di tích có giá trị lịch sử, nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II (19/5/1949). Sau khi được xếp hạng, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia và nguồn ngân sách của tỉnh, ngành Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư kinh phí phục hồi lại Đình, xây cổng, hàng rào khuôn viên với tổng kinh phí gần 01 tỷ đồng; năm 2014, UBND tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để làm lại hệ thống điện trong Đình; năm 2016, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 700 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp Di tích và thực hiện một số hạng mục theo đề nghị của cử tri huyện Minh Hóa.

Hiện nay, toàn tỉnh có 124 di tích được xếp hạng. Trong những năm gần đây, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về trùng tu, tôn tạo không còn nữa; công tác trùng tu, tôn tạo Di tích ở tỉnh ta chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách của tỉnh nên không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nguồn ngân sách của tỉnh cấp hàng năm chỉ mới tập trung tu bổ, tôn tạo những Di tích và một số hạng mục di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể chống xuống cấp toàn bộ các Di tích trên đại bàn toàn tỉnh. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiến hành kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh xem xét để có kế hoạch chống xuống cấp Di tích lịch sử Đình Kim Bảng và hang Lèn Cây Quýt như đề nghị của cử tri huyện Minh Hóa.

(Theo Công văn số 773/SVHTT-KHTC ngày 27/9/2019 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực văn hóa, thể thao tại Mục 2 và Mục 41 sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)

3. Cử tri xã Minh Hóa: Đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra, lắp đặt biển báo, thay đổi tên các cây cầu như tên gọi trước đây tại địa phương; chỉ đạo cắm mốc lộ giới thuộc Quốc lộ 559B.


Trả lời:


Tại Km46+909 trên Đường tỉnh 559B có cầu tràn BTCT được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2002 bằng nguồn vốn dự án WB2 (cầu dài 67m, rộng 5,4m gồm 5 nhịp L=12m), cầu nằm trên địa bàn 2 thôn Tân Lý và Kim Bảng, xã Minh Hóa. Trước đây, khi đăng ký danh mục đề xuất tham gia dự án WB2, UBND huyện Minh Hóa đăng ký danh mục cầu Thanh Long trên địa bàn xã Quy Hóa; tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án, do tại vị trí Km46+909 trên Đường tỉnh 559B hiện nay có nhu cầu cấp thiết hơn nên dự án đã ưu tiên đầu tư xây dựng tại vị trí này với tên dự án là cầu Thanh Long và được cắm biển tên cầu theo tên dự án với tên gọi là “Thanh Long” từ khi đó. Hiện tại, cơ sở dữ liệu về cầu (tên gọi, lý trình, khẩu độ….) đã được đăng ký quản lý cũng với tên gọi là cầu “Thanh Long”.


Đối với đề nghị sửa đổi lại tên gọi của cầu, theo quy định tại Điều 15, Mục 3, Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng: “…Các công trình công cộng khác ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc đặt tên hoặc ủy quyền cho ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc tỉnh, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quyết định”. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Minh Hóa, UBND xã Minh Hóa có văn bản chính thức đề nghị sửa đổi lại tên gọi của cầu, Sở GTVT sẽ phối hợp làm việc và báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Hiện tại tuyến Đường tỉnh 559B có bề rộng nền đường từ 5,5-7,0m, bề rộng mặt đường 3,5-5,0m (tương đương tiêu chuẩn đường GTNT từ cấp A - cấp VI miền núi theo TCVN 4054:2005). Theo Quyết định số 540/QĐ-UBND ngày 13/3/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 đã xác định các tuyến đường tỉnh phải được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn cấp III-IV; theo đó, Đường tỉnh 559B phải được quy hoạch và đầu tư xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV (bề rộng nền đường 9,0m).

Việc xác định phạm vi đất dành cho đường bộ (gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ) thực hiện theo quy định tại Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh về Quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và quy định của Chính phủ tại Điều 14, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 và Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 về Quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đối với đường cấp IV, phạm vi đất dành cho đường bộ là 1,0m và phạm vi hành lang an toàn đường bộ là 9,0m tính từ chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào, tổng cộng là 10,0m).

Việc tiến hành cắm mốc hành lang an toàn đường bộ của tuyến đường này để quản lý, xử lý những vi phạm như kiến nghị của cử tri là cần thiết. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách tỉnh hiện đang còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là rất lớn, việc bố trí nguồn vốn để thực hiện cắm mốc tuyến đường chưa thực sự cấp thiết so với việc ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh khác trên địa bàn như: cầu dân sinh, đường vào thôn bản vùng miền núi khó khăn, vùng dân tộc thiểu số… Sở GTVT mong nhận được sự chia sẻ của cử tri về những khó khăn hiện nay của ngành GTVT cũng như khó khăn chung của tỉnh. Trước mắt, đề nghị UBND huyện Minh Hóa căn cứ quy định hiện hành và dự kiến về quy hoạch như trên để thực hiện việc quản lý đất đai và phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ của Đường tỉnh 559B; khi có điều kiện về nguồn vốn sẽ tiến hành lập Quy hoạch chi tiết của tuyến đường và thực hiện công tác cắm mốc hành lang đường bộ.


(Theo Công văn số 2746/SGTVT-KHTH ngày 10/10/2019 của Sở Giao thông Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)

4. Cử tri xã Trọng Hóa phản ánh: Quá trình thi công Nhà máy Thủy điện tại bản Ra Mai, các phương tiện vận chuyển vật liệu đã làm hư hỏng nặng các tuyến đường giao thông nông thôn; việc nổ mìn để thi công gây mất an toàn đối với bà con nhân dân trong khu vực lân cận. Đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra xử lý.

Trả lời:


-Tuyến đường từ QL12A đi Bản Lòm: Ngày 26/02/2010, UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn số 379/UBND về việc giao quản lý sử dụng đoạn đường nối từ QL12A đến Bản Lòm. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Minh Hóa tiếp nhận quản lý, khai thác tuyến từ đoạn Km9+00 đến Km23+00 (từ Bản Ra Mai đến Bản Lòm); Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh tiếp nhận quản lý, khai thác từ đoạn Km0+00 đến Km9+00 (từ QL12A đến Bản Ra Mai) trong thời gian thi công Dự án Thủy điện La Trọng, Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh có trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến theo quy định. Sau khi thi công hoàn thành Dự án Thủy điện La Trọng phải hoàn trả lại công trình được giao quản lý theo đúng hiện trạng như Hồ sơ hoàn công ban đầu và bàn giao lại cho UBND huyện Minh Hóa theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước.


-Trong thời gian qua, UBND huyện nhận thấy Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo trì, bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng công trình, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, trên tuyến đường ngay từ ban đầu các cầu chưa được đầu tư kiên cố (chỉ xếp ngầm bằng Rọ đá) nên sau các trận lũ thường bị hư hỏng; trong quá trình thi công, do đặc thù công tác vận chuyển vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ công trình thường sử dụng các phương tiện có tải trọng lớn nên không thể tránh khỏi việc hư hỏng mặt đường, đơn vị thi công đã thực hiện kịp thời việc khắc phục, sửa chữa để phục vụ việc đi lại cho nhân dân.
Sau khi hoàn thành công trình Thủy điện La Trọng, Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh sẽ có trách nhiệm thi công hoàn trả nguyên trạng tuyến đường như ban đầu theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình.

-Việc nổ mìn thi công tại công trình Thủy điện La Trọng:
Sau khi có ý kiến phản ánh của cử tri, ngày 30/7/2019 UBND huyện Minh Hóa có Công văn số 523/UBND-KTHT về việc đề nghị kiểm tra khoảng cách an toàn nổ mìn tại Dự án Thủy điện La Trọng, xã Trọng Hóa gửi Sở Công Thương. Ngày 12/8/2019, Sở Công Thương có Công văn số 947/SCT-KTNL về việc nổ mìn thi công công trình Thủy điện La Trọng xã Trọng Hóa. Theo đó, ngày 07/8/2019, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND xã Trọng Hóa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh tổ chức kiểm tra thực địa, kết quả tại Công văn số 947/SCT-KTNL của Sở Công Thương như sau:


“1. Vị trí nổ mìn thi công nhà quản lý đập khi vận hành Thủy điện cách bản K-Oóc 230m (theo đường chim bay), hướng nổ mìn ra suối (không hướng về bản K - Oóc), Bản nằm phía trên cao so với vị trí nổ mìn nên đảm bảo an toàn cho người và công trình (vị trí nổ mìn ở cao độ 205m, Bản K-Oóc nằm ở cao độ 456m).
-Mặc dù trong quá trình nổ mìn Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh đã sử dụng lượng nổ cho một lần nổ dưới mức quy định của Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; tuy nhiên, việc nổ mìn gây tiếng ồn ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của bà con dân bản K-Oóc là có thật.

2. Để đảm bảo an toàn, giảm tiếng ồn, giảm rung động trong công tác nổ mìn thi công nhà quản lý đập thuộc công trình Thủy điện La Trọng, đề nghị Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh tiến hành một số nội dung sau:


-Giảm lượng thuốc nổ trong 01 lần nổ, sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai điện, vi sai phi điện nhằm giảm thiểu tối đa các tác động do nổ mìn gây ra như: tiếng ồn, chấn động, khói bụi,…
-Dịch chuyển vị trí nổ mìn cách vị trí hiện tại khoảng 30m về phía Tây (hướng xa Bản).
-Thực hiện cảnh giới, bố trí canh gác tại các ngã đường đi bộ lên bản K-Oóc (từ Bản đi xuống suối và từ suối lên Bản).
-Tiến hành sửa chữa, gia cố lại hệ thống hàng rào đường đi bộ lên Bản K - Oóc nhằm đảm bảo an toàn cho người đi lại”.


Sau khi có văn bản của Sở Công Thương, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện có Công văn số 31/KTHT ngày 16/8/2019 về việc báo cáo kết quả thực hiện, giải quyết phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11- HĐND Huyện Minh Hóa khóa XIX, gửi Thường trực HĐND huyện Minh Hóa, Thường trực HĐND xã Trọng Hóa, UBND xã Trọng Hóa (kèm theo Công văn số 947/SCT-KTNL của Sở Công Thương) để báo cáo cử tri.

(Theo Công văn số 729/UBND ngày 03/10/2019 của UBND huyện Minh Hóa về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)

5. Cử tri phản ánh: Hiện nay, cơ sở vật chất Trạm Y tế xã Trọng Hóa đã xuống cấp, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân.


Trả lời:


Trạm Y tế xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá hiện có 02 điểm trạm (tại bản La Trọng và bản Dộ). Hiện tại, cơ sở vật chất tại 02 điểm trạm này do xây dựng đã lâu, chịu ảnh hưởng của thiên tai hàng năm nên đã xuống cấp. Trong thời gian qua, UBND huyện Minh Hoá, UBND xã Trọng Hoá và Sở Y tế đã quan tâm, tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Trọng Hoá, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, trạm y tế hiện vẫn chưa được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.

Giai đoạn 2020 - 2024, Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở (vay vốn WB) đã có kế hoạch dự kiến sẽ hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Trọng Hoá (cả 02 điểm trạm), với tổng vốn khoảng 3,8 tỷ đồng. Sở Y tế đề nghị tỉnh, huyện Minh Hoá và xã Trọng Hoá quan tâm, hỗ trợ để cùng với Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trạm y tế, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã Trọng Hoá và các xã lân cận.

(Theo Công văn số 2217/SYT-KHTC ngày 08/10/2019 của Sở Y tế về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)


CB (Văn phòng HĐND tỉnh)
 

Các tin khác