Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 16

  • Hôm nay 2944

  • Tổng 2.924.600

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

8:22, Thứ Hai, 22-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 1. Đề nghị UBND tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Bình xây dựng hệ thống truyền tải điện cho 02 xóm mới thuộc thôn 2 và thôn 4 xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; đầu tư xây dựng thêm Trạm hạ thế để đảm bảo đủ tải điện cho bà con ở xa trung tâm của xã Tân Hóa.


Trả lời:


Công ty Điện lực Quảng Bình sau khi nhận được kiến nghị của cử tri đã nhanh chóng làm việc và tiến hành khảo sát thực tế như sau:

1. Hiện trạng: Hiện nay, các hộ dân ở khu vực thôn 2 và thôn 4 xã Tân Hóa đã có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh từ nguồn điện lưới Quốc gia. Tuy nhiên do phải di dời nhà ra khu đất quy hoạch tránh lũ nên nhà một số hộ dân ở xa các cột điện hạ thế của ngành Điện, dây ra sau công tơ của khách hàng kéo dài, không an toàn trong mùa lũ, cụ thể:


- Tại TBA UB Tân Hóa: có 12 hộ dân ở thôn 2 (công tơ lắp đặt tại ví trí M5/3 XT2) có dây ra sau công tơ dài, qua khảo sát trung bình 290m.
- Tại TBA Tân Hóa 3: có 14 hộ dân ở thôn 4 (công tơ lắp đặt tại ví trí M2 và M4 XT2) có dây ra sau công tơ dài, qua khảo sát trung bình 280m.
- Tại TBA Tân Hóa 4: có 8 hộ dân ở thôn 4 (công tơ lắp đặt tại ví trí M14/10 XT 2) có dây ra sau công tơ dài, qua khảo sát trung bình 500m.

2. Phướng án xử lý: Để đảm bảo cấp điện an toàn cho các hộ dân di dời nhà ra khu đất quy hoạch tránh lũ, Công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm một số đoạn đường dây hạ áp tại các TBA trên, cụ thể như sau:


- Quy mô: Tổng chiều dài đường dây hạ áp: 1.070m.
- Khối lượng vật tư: 26 cột BTLT 7,5mC, 1.070m cáp vặn xoắn ABC/A 4x50mm2.

3. Kế hoạch: Hiện nay, do ưu tiên công tác chống quá tải lưới điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nên nguồn vốn ĐTXD 2019 đã được bố trí hết, vì vậy không thể thực hiện đầu tư xây dựng các đoạn đường dây hạ áp trên trong năm 2019. Công ty sẽ đưa hạng mục công trình này vào kế hoạch vốn ĐTXD năm 2020 và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, Công ty đã chỉ đạo Điện lực Minh Hóa làm việc với UBND xã Tân Hóa phối hợp cùng với các hộ dân gia cố phần dây ra sau công tơ để đảm bảo an toàn điện và an toàn giao thông cho nhân dân trên địa bàn.

(Theo Công văn số 2308/QBPC-KD+KH&VT ngày 26/6/2019 của Công ty Điện lực Quảng Bình về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)


2. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải xử lý đoạn cống qua đường Quốc lộ 12A tại km72 + 400, không đảm bảo cho hệ thống kênh mương Đập Khe Cái thuộc thôn Tân Thượng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa.


Trả lời:


Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tổ chức kiểm tra hiện trường và nhận thấy: Tại vị trí Km72+150 trên Quốc lộ 12A được thiết kế và xây dựng cống hộp (0,6x0,6)m bằng BTCT với chiều dài 8m, cống được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2005, đến nay vẫn đang trong tình trạng thoát nước tốt; nền đường tại vị trí có cống ngang vẫn ổn định; mặt đường êm thuận, không bị nứt, lún. Riêng đối với hệ thống mương thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho khu vực nội đồng nói trên được đấu nối vào cống hộp tại Km72+150 để dẫn nước từ đập Khe Cái qua Quốc lộ 12A, hệ thống kênh mương dẫn nước được xây dựng với kích thước (0,3x0,6)m, khẩu độ kênh mương nhỏ hơn so với khẩu độ cống; mặt khác, trong quá trình khai thác, hệ thống mương thuỷ lợi không được nạo vét thường xuyên làm cho bùn, rác bị lắng đọng lại nên khi có lưu lượng nước đổ về lớn thường gây tràn cống vì dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế. Đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị, bộ phận quản lý kênh mương nội đồng tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy để đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho bà con sản xuất vụ mùa.

(Theo Công văn số 1603/SGTVT-KHTH ngày 25/6/2019 của Sở Giao thông Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)

 

3. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng kiểm tra và có giải pháp kỹ thuật để khắc phục hiện tượng các công trình dân dụng sử dụng gạch không nung bị nứt tường.

Trả lời:


Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường một số công trình trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Minh Hóa nói riêng, Sở Xây dựng báo cáo như sau:
Thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020; Thông tư 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXD không nung trong các công trình xây dựng: trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 14 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế hơn 150 triệu viên/năm và đã đưa vào sử dụng trong các công trình cơ bản theo tỷ lệ quy định. Trong quá trình sử dụng, theo phản ánh, tại một số công trình sử dụng gạch không nung nói riêng và các loại gạch nói chung đã xảy ra một số hiện tượng như nứt tường, tách tường, thấm tường... ảnh hưởng đến chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình.


Trước các thông tin về vấn đề này, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra tại một số công trình sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh và đã có kết luận: Tại các công trình có xuất hiện các vết nứt (tại mạch vữa xây, tại phần tiếp giáp giữa trụ và tường…), nhưng chưa có cơ sở khẳng định nứt do sử dụng gạch không nung. Đối với các vết nứt như phản ánh có thể có nhiều nguyên nhân, như: chưa tuân thủ quy trình, quy phạm về công tác xây, hồ sơ thiết kế còn thiếu các chỉ dẫn kỹ thuật cụ thể, chi tiết đối với khối xây (về vật liệu, chỉ dẫn thi công, nghiệm thu, dưỡng hộ); một số nhà sản xuất chưa duy trì thường xuyên việc kiểm soát chất lượng gạch, cung cấp gạch ra thị trường khi chưa đủ tuổi, đủ cường độ; quá trình thi công chưa đảm bảo yêu cầu (trước khi xây phải tưới nước làm ẩm gạch), việc sử dụng mác vữa xây chưa đúng, khi xây mạch vữa chưa được chèn đầy, việc chờ thép (để câu giữa trụ và tường) chưa đúng thiết kế, quá trình xây còn thiếu trát keo ximăng (giữa kết cấu bê tông và khối xây), một số vị trí trát nhưng chưa đảm bảo lấp đầy bề mặt để tạo liên kết giữa cột và tường, chiều cao mỗi đợt xây quá >1,5m, kết hợp công tác dưỡng hộ không đảm bảo đã gây ra hiện tượng nứt tường, tách tường (đa số nứt tại vị trí tiếp giáp giữa tường và trụ BTCT, góc cửa sổ, cửa đi). Mặt khác các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng công trình chưa nắm vững các tiêu chuẩn về thi công, nghiệm thu khối xây gạch không nung.


Để hướng dẫn cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thiết kế, giám sát và thi công về quy trình sử dụng gạch xây không nung, Sở Xây dựng đã ban hành Hướng dẫn số 5316/HD-SXD ngày 28/12/2018 về một số vấn đề sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng gửi các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu thực hiện, tuy nhiên một số chủ đầu tư (đặc biệt là UBND cấp xã), các nhà thầu thi công, giám sát chưa nghiên cứu triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thiết kế, giám sát và thi công nghiên cứu, tuân thủ quy trình sử dụng gạch xây không nung tại Hướng dẫn số 5316/HD-SXD ngày 28/12/2018 của Sở Xây dựng; Sở Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra công tác thi công công trình, kiểm tra các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và gạch không nung nói riêng để giám sát chất lượng các sản phẩm lưu thông trên thị trường; Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế - Hạ tầng thường xuyên kiểm tra quá trình thi công các công trình trên địa bàn để đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật, chất lượng công trình; tiến hành xử phạt các đơn vị vi phạm về chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, tăng cường kỷ cương trong hoạt động xây dựng.


(Theo Công văn số 2070/SXD-QLXD ngày 24/6/2019 của Sở Xây dựng về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII)

CB (Văn phòng HĐND tỉnh)

Các tin khác