Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 83

  • Tổng 2.882.896

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Lệ Thủy trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII

9:59, Thứ Hai, 17-12-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Lệ Thủy trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri các xã tuyến Quốc lộ I đề nghị: Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch xây dựng các đoạn đường dân sinh nối với Quốc lộ 1A và lắp đặt biển báo để giảm thiểu tại nạn giao thông đối với các xã Quốc lộ I.


Trả lời:


Trong quá trình thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Sở GTVT (là đơn vị được Bộ GTVT giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án) đã chỉ đạo Ban QLDA, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát và nhà thầu thi công phối hợp với địa phương rà soát cụ thể từng vị trí vuốt nối dân sinh thi công hoàn trả theo nguyên tắc quy mô, chất lượng đoạn vuốt nối không thấp hơn hiện trạng, kết cấu mặt đường vuốt nối dân sinh phải bằng hoặc tốt hơn kết cấu mặt đường hiện tại và đảm bảo êm thuận cho việc đi lại của người dân. Về việc lắp đặt biển báo hiệu, ngoài việc bố trí các biển báo trên tuyến chính, đối với các tuyến đường dân sinh có bề rộng nền đường từ 1,5m trở lên đều được Sở GTVT chỉ đạo cắm biển báo hiệu 208 (giao nhau với đường ưu tiên) trên đường dân sinh (trừ trường hợp một số vị trí bị cản trở hoặc không có mặt bằng để cắm); đối với các tuyến vuốt nối dân sinh có kết cấu mặt đường bằng BTXM hoặc bê tông nhựa rộng từ 3,5m trở lên đều được Sở GTVT chỉ đạo bố trí gờ giảm tốc trên đường vuốt nối với số lượng 01 hoặc 02 cụm gờ giảm tốc tùy theo mặt bằng.


Hiện tại, dự án đã được Bộ GTVT thực hiện quyết toán dự án hoàn thành và đang trong thời gian bảo hành công trình; Sở GTVT sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công rà soát lại cụ thể từng vị trí, trường hợp các biển báo hiệu bị hư hỏng, mất phải sửa chữa, thay thế bổ sung kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với việc xây dựng các đoạn đường dân sinh dọc hai bên tuyến Quốc lộ 1, theo phân cấp đây thuộc trách nhiệm của UBND huyện Lệ Thủy và UBND các xã dọc hai bên tuyến, đề nghị UBND huyện Lệ Thủy chỉ đạo UBND các xã rà soát, có kế hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với quy hoạch đấu nối để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.


(Theo Công văn số 3095/SGTVT-KHTH ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở Giao thông Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)


2. Cử tri 3 xã Miền biển phản ánh: Thời gian gần đây có một số tàu giã cào, tàu đánh bắt bằng xung điện công suất lớn đánh bắt thủy sản gần bờ, đánh bắt ở vùng biển thuộc 3 xã trong khi lực lượng, phương tiện ở cơ sở không đảm bảo để đẩy đuổi, bắt giữ làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt gần bờ của ngư dân địa phương. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên


Trả lời:


Nội dung phản ánh của cử tri 03 xã miền biển của huyện Lệ Thuỷ là đúng và phù hợp với thông tin Sở đã nắm được. Cụ thể trong thời gian qua, có một số ít tàu giã cào đôi ngoại tỉnh (chủ yếu là Quảng Ngãi) lén lút khai thác thuỷ sản trái phép và tàu giã cào đơn nội tỉnh (chủ yếu của các xã Bảo Ninh, Quang Phú-Đồng Hới) dùng xung điện khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh trong đó có 03 xã biển của huyện Lệ Thuỷ làm hủy hại nguồn lợi thủy sản, làm mất ngư lưới cụ của ngư dân, gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình trạng đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thực hiện 12 cuộc thanh tra, phát hiện và xử phạt 56 trường hợp vi phạm, số tiền phạt trên 394 triệu đồng (trong đó xử phạt 06 tàu giã cào Quảng Ngãi, số tiền 144 triệu đồng; 24 tàu giã cào nội tỉnh, số tiền 127 triệu đồng), tịch thu 20 bộ kích điện, góp phần làm giảm thiểu tình trạng vi phạm khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ của tàu giã cào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có khó khăn vì lợi nhuận khai thác của tàu giã cào cao trong khi lực lượng thanh tra mỏng nên khó có thể ngăn chặn triệt để vi phạm. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị lực lượng Biên phòng, Công an tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý tàu giã cào khai thác thuỷ sản trái phép. UBND các huyện, TX, TP thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Quyết định 29/2013/QĐ-UBND, đặc biệt chỉ đạo UBND các xã biển, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn hiểu rõ quy định về khai thác thuỷ sản, không phát triển tàu giã cào, không sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thuỷ sản; tăng cường nắm bắt tình hình khai thác thuỷ sản nếu phát hiện vi phạm thì chủ động sử dụng phương tiện, lực lượng tại chỗ để kiểm tra, xử lý theo quy định; trường hợp địa phương đã thực hiện nhưng tình hình phức tạp thì thông báo kịp thời cho lực lượng Biên phòng, Chi cục Thuỷ sản để phối hợp xử lý.


(Theo Công văn số 2700/SNS-KHTC ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)


3. Cử tri xã Ngư Thủy Bắc đề nghị: Tỉnh chỉ đạo các ngành cấp tỉnh giải quyết dứt điểm việc thuê đất của Sở KHCN để làm điểm thực nghiệm khoa học bàn giao về xã quản lý. Theo phản ánh, hiện nay việc sử dụng đất không đúng đối tượng và đang nuôi tôm xả chất thải ra biển gây ô nhiểm bải tắm ảnh hưởng đến môi trường.


Trả lời:


1. Về việc sử dụng đất không đúng đối tượng:


Sở KH&CN không thuê đất, mà đã được UBND tỉnh giao 55.000 m2 (5,5 ha) tại xã Ngư Hòa (nay là Ngư Thủy Bắc) để sử dụng làm thực nghiệm khoa học “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú trên cát” theo Quyết định số 3406/QĐ-UB ngày 24/12/2002 của UBND tỉnh.


Sau khi kết thúc dự án nuôi tôm trên cát, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1339/QĐ-UB ngày 09/5/2005 về việc chuyển giao tài sản dự án nuôi tôm trên cát từ Sở KH&CN cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KH&CN) quản lý và sự dụng.


Trung tâm đã tiếp nhận tài sản và tiếp tục thực hiện đề tài, dự án, mô hình sản xuát thử nghiệm về các lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản, nông nghiệp kể từ năm 2005 đến nay. Hiện nay Trung tâm đang tiến hành thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát theo công nghệ mới.


Như vậy, việc sử dụng đất của Trung tâm tại Ngư Thủy Bắc là hoàn toàn đúng đối tượng.


2. Về hoạt động nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường:


Hiện nay, hoạt động nuôi tôm trên cát tại Trạm Thực nghiệm Ngư Thủy Bắc đều tuân thủ theo các nội dung đã đăng ký trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Nước thải của hoạt động nuôi tôm tại đơn vị trước khi thải ra môi trường được xử lý đảm bảo yêu cầu theo quy định.


(Theo Công văn số 522/SKH&CN ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở khoa học và Công nghệ về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)

 

Các tin khác