Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 335

  • Tổng 2.883.149

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thành phố Đồng Hới trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII

15:57, Thứ Sáu, 12-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

 Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đồng Hới trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri phản ánh: Ma túy và những vấn đề liên quan đến ma túy đang là vấn nạn gây bức xúc cho toàn xã hội. Tuy nhiên, việc đấu tranh ngăn chặn vẫn còn hạn chế, các vụ việc có quy mô lớn, nhỏ vẫn để xảy ra. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo để có biện pháp phòng, chống cụ thể nhưng toàn diện từ giáo dục, quản lý đến xử phạt nghiêm minh các đối tượng liên quan...


Trả lời:


Tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thời gian qua diễn biến phức tạp. Các tổ chức, đường dây, nhóm đối tượng có vũ trang, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam qua biên giới Quảng Bình gia tăng, Quảng Bình trở thành một trong những địa bàn trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào nước ta. Các loại ma túy tổng hợp, chất gây nghiện, chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ. Hiện nay có 133/159 xã, phường, thị trấn và 2.422 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 849 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 72 đối tượng “ngáo đá”.


Công an tỉnh đã tổ chức nắm, phân tích, đánh giá, dự báo đúng diễn biến tình hình, xu hướng tội phạm ma túy trên địa bàn nên đã chủ động tham mưu, phối hợp các lực lượng chức năng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy, đấu tranh triệt xóa có hiệu quả nhiều đường dây phạm tội ma tuý lớn, nhiều ổ nhóm, điểm phức tạp về ma tuý gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý, đã có tác động tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn.


6 tháng đầu năm đã đấu tranh triệt xoá, vô hiệu hoá 10 đường dây phạm tội về ma tuý; 16 điểm phức tạp về ma tuý; bắt giữ, điều tra xử lý 63 vụ, 78 đối tượng phạm tội về ma túy, nổi bật là đã phá 01 chuyên án, 03 đối tượng tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy tại phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, thu giữ 173 gói nilong heroin, 276 viên ma túy tổng hợp; 01 vụ/03 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, thu giữ 469 viên ma túy tổng hợp; triệu tập giáo dục 107 lượt đối tượng liên quan ma túy; xử lý hành chính 39 vụ, 54 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy…


Tuy nhiên tình hình ma túy hiện nay vẫn đang là vấn nạn nhức nhối, bức xúc, không chỉ riêng địa bàn thành phố Đồng Hới mà còn ở các địa bàn khác trong và ngoài tỉnh.


Công an tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: (1) Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý của Bộ đội Biên Phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, tập trung điều tra, xác minh, lập án đấu tranh các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn, các điểm ma tuý phức tạp tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua biên giới Quảng Bình. (2) Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Toà án điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy nghiêm minh; xét xử công khai, lưu động một số vụ án ma tuý điểm nhằm nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với tội phạm ma túy. (3) Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy, chú trọng các địa bàn phức tạp, địa bàn biên giới, trường học; vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả toàn xã hội. (4) Tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội triển khai các biện pháp cai nghiện, quản lý sau cai, tái hoà nhập cộng đồng cho người nghiện ma tuý, trong đó tập trung thực hiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2014/NĐ-CP.


(Theo Báo cáo số 2506/BC-CAT-PV01 ngày 25/6/2019 của Công an tỉnh về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII).


2. Cử tri cho rằng: Hiện nay, giá đất tại thành phố Đồng Hới và nhiều nơi khác trong toàn tỉnh tăng cao bất thường do có hiện tượng đầu cơ, đẩy giá đất. Người dân có nhu cầu đất ở thực sự ngày càng khó mua khi giá đất tăng. Đề nghị Tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, bình ổn giá đất; có chính sách về đất ở, nhà ở giá rẻ cho người nghèo, hộ gia đình khó khăn.


Trả lời:


Các Dự án phát triển quỹ đất tại thành phố Đồng Hới và nhiều nơi khác trong toàn tỉnh đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ thủ tục về quy hoạch, phê duyệt dự án; việc định giá đất cụ thể để xác định giá khởi điểm đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất đã được thực hiện đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Người trúng đấu giá đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, góp phần tích cực vào nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản xuất hiện sự biến động bất thường, cục bộ ở một vài điểm trên địa bàn tỉnh, giá đất bị đẩy lên cao, gây “sốt ảo”, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người mua, bán đất (tình trạng này ở các địa phương khác trên địa bàn cả nước đều có xãy ra). UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/6/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Bên cạnh đó, về dài hạn UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 02/4/2018 về điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của nhân dân, tiến tới xóa bỏ hộ không có nhà ở, hộ khó khăn về nhà ở, phát triển các khu chung cư góp phần nâng cao dần chất lượng cuộc sống của nhân dân về nhà ở, tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững.


Đến nay, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu ổn định trở lại, hiện tượng sốt đất ở một vài địa điểm đã từng xãy ra nay đã dần đi vào ổn định theo đúng giá trị thật. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bất động sản, đồng thời tham mưu UBND tỉnh phát triển đa dạng quỹ đất ở (đô thị và nông thôn) để đáp ứng nhu cầu và khả năng theo từng đối tượng sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, vừa huy động được nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà nhưng vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn.


(Theo Báo cáo số 77/BC - STNMT ngày 24/6/2019 của Sở Tài nguyên Môi trường về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII).

 
3. Cử tri đề nghị Tỉnh nâng mức đền bù đất ruộng lúa, đất nông nghiệp 20 năm khi tiến hành thu hồi đất để thực hiện các dự án. Với giá đền bù hiện nay người dân rất khó khăn khi phải mưu sinh, tìm việc làm phù hợp.


Trả lời:


Theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 13/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về ban hành quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh về việc quy định bảng giá các loại đất và phân loại đô thị, loại xã, khu vực, vị trí đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015 – 2019 thì người sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất chuyên trồng lúa nước) được bồi thường, hỗ trợ cụ thể như sau:


- Về giá đất: Mức giá đất trồng cây hàng năm (trong đó có đất lúa nước) cao nhất là 33.000 đ/m2, so sánh với các tỉnh bạn liền kề thì mức giá quy định của tỉnh Quảng Bình cao hơn gần 1/3 (cụ thể: tỉnh Quảng Trị 22.300 đ/m2, tỉnh Thừa Thiên Huế 23.300 đ/m2).


- Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi: Theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì mức hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi do UBND tỉnh quy định nhưng không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất. Cụ thể hóa quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã áp dụng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm ở mức cao nhất là bằng 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất (các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An thì chỉ áp dụng mức hỗ trợ từ 03 lần đến 04 lần). Như vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn đã được UBND tỉnh áp dụng ở mức cao nhất theo khung chính sách Chính phủ đã quy định.


- Ngoài việc được bồi thường hỗ trợ theo các chính sách đã nêu trên, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn trong độ tuổi lao động được hỗ trợ: Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm được áp dụng theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan; theo đó, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu, lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại địa phương trình UBND cấp huyện phê duyệt. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề, ưu đãi vay vốn tín dụng cho người thu hồi đất nông nghiệp trong trường hợp này để áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh.


Vì vậy, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện đúng và đầy đủ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác tuyên truyền, công khai thông tin cho người dân kê khai, đăng ký nhằm thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhất là chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.


(Theo Báo cáo số 77/BC - STNMT ngày 24/6/2019 của Sở Tài nguyên Môi trường về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII).

 
4. Cử tri đề nghị Tỉnh rà soát, kiểm tra quy hoạch đất; việc cấp đất để xây dựng các dự án về đất ở, các nhà máy, khu công nghiệp... nhằm đảm bảo môi trường không khí trong lành, giao thông được thuận lợi, cống rảnh không bị tắc, nhà cửa không bị ngập úng khi các dự án, công trình được triển khai xây dựng.


Trả lời:


Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói chung thành phố Đồng Hới nói riêng đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình, Dự án đầu tư, đây là vấn đề tất yếu của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội.


Qua rà soát, các công trình, dự án đầu tư được giao đất, thuê đất phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh đã được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 18/3/2013 và điều chỉnh tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 09/5/2018; phù hợp với các quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng) được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như phù hợp với Kế hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm được HĐND tỉnh thông qua và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với các Dự án sản xuất, kinh doanh cơ bản đều đã được bố trí tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp nằm xa khu dân cư ảnh hưởng không lớn đến hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thoát nước trên địa bàn. Các Dự án về phát triển quỹ đất ở nói riêng và Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khác nói chung, trong quá trình lập các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng) đơn vị chủ trì đã lấy ý kiến của địa phương và cộng đồng dân cư, các cơ quan chuyên môn về giao thông, thoát nước, giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công trước khi trình phê duyệt.


Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tại một số ít công trình, Dự án đang thi công (điển hình là khu đô thị Phú Hải) vẫn còn xãy ra tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa lớn do không thoát nước kịp, cống rãnh bị tắc và ô nhiễm không khí, giao thông hư hỏng do trong quá trình thi công xây dựng, nhà thầu không tuân thủ triệt để phương án thi công. Các cơ quan chức năng và địa phương cũng đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư không chấp hành đúng quy đinh về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công công trình. Do đó, vấn đề cử tri phản ánh là đúng nhưng chỉ xãy ra một vài điểm cục bộ chứ không ở toàn bộ các Dự án đã và đang triển khai.


Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường, đồng thời đề nghị các địa phương và cử tri tăng cường kiểm tra, giám sát và phản ánh đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong thi công, xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.


(Theo Báo cáo số 77/BC - STNMT ngày 24/6/2019 của Sở Tài nguyên Môi trường về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII).

 
5. Cử tri phản ánh: Việc thực hiện chính sách về nhà ở cho người có công ở tỉnh ta thực hiện quá chậm, kéo dài đã nhiều năm làm cho nhiều người có công vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Đề nghị Tỉnh quan tâm sớm thực hiện.


Trả lời:


Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng thực hiện theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ thực hiện chính sách trong 02 năm 2013 - 2014, nguồn vốn thực hiện chủ yếu là từ ngân sách Trung ương (chiếm 95%). Tuy nhiên, đến hết năm 2015, Chính phủ mới cấp vốn đợt 1 cho tỉnh ta, đủ hỗ trợ cho 3.694 hộ/14.436 hộ nằm trong Đề án mà UBND tỉnh phê duyệt. Chương trình tạm ngừng cho đến tháng 7/2017, Chính phủ mới có chủ trương cho kéo dài tiến độ thực hiện chính sách đến hết năm 2018 (Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định 22). Đầu năm 2018, Chính phủ mới cấp tiếp nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ còn lại nằm trong Đề án.

Đến hết năm 2018, các hộ nằm trong Đề án cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở, tuy nhiên, còn một số hộ chưa thực hiện được theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, do nhiều nguyên nhân như: nhà đang có tang, đi làm ăn xa chưa về, một số hộ có hoàn cảnh quá khó khăn chưa có vốn đối ứng kịp thời....

Hiện nay, tỉnh đang xin chủ trương của Chính phủ cho kéo dài tiến độ hỗ trợ đến hết năm 2019 để hỗ trợ các trường hợp nằm trong Đề án nhưng chưa thực hiện nói trên.


(Theo Công văn số 2070/SXD-QLXD ngày 24/6/2019 của Sở xây dựng về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVII)


6. Cử tri đề nghị Tỉnh có quy định cụ thể (cơ chế) theo hướng cho phép người dân và doanh nghiệp sử dụng tạm thời một phần vĩa hè trên một số tuyến đường nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động dịch vụ, du lịch; đảm bảo tăng thu ngân sách cho nhà nước.


Trả lời:


Căn cứ khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy định:


“Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây: (a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận; (b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ; (c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ; (d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó; (đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.


Với ý kiến của cử tri đề nghị tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động dịch vụ, du lịch, đảm bảo tăng thu ngân sách cho nhà nước nói trên là không đúng quy định.


(Theo Công văn số 1260/UBND-VP ngày 27/6/2019 của UBND thành phố Đồng Hới về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 10-HĐND tỉnh khóa XVII).


7. Cử tri đề nghị Tỉnh điều chỉnh quy hoạch để mở rộng nghĩa địa phục vụ chôn cất người quá cố trên địa bàn xã Lộc Ninh.


Trả lời:


Đối với đề nghị mở rộng nghĩa địa phục vụ chôn cất người chết trên địa bàn xã Lộc Ninh; qua làm việc với UBND xã Lộc Ninh thì nội dung kiến nghị của cử tri về điều chỉnh quy hoạch liên quan đến khu vực đất đã được khoanh vẽ bản đồ quy hoạch sử dụng đất mỏ cao lanh Bắc Lý, tỉnh Quảng Bình theo Báo cáo thăm dò của Đoàn Địa chất 406 năm 1978 và đã được UBND tỉnh có Quyết định số 37/1999/QĐ-UB ngày 20/9/1999 về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến cao lanh và sử dụng đất trên mỏ cao lanh Bắc Lý, Quảng Bình. Ngày 13/9/2017, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Lộc Ninh kiểm tra khu vực đất đã khoanh vùng quy hoạch mỏ cao lanh nói trên và khu vực nghĩa địa tại Đồi Choi, xã Lộc Ninh. Theo đó các bên liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét quy hoạch, khoanh vùng mỏ cao lanh Bắc Lý, đồng thời khoanh vùng quy hoạch đất nghĩa địa để đảm bảo nhu cầu sử dụng đất nghĩa địa trên địa bàn xã Lộc Ninh.


(Theo Công văn số 1260/UBND-VP ngày 27/6/2019 của UBND thành phố Đồng Hới về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 10-HĐND tỉnh khóa XVII).


8. Cử tri phản ánh: Đoạn mương thoát nước qua Nhà văn hóa TDP 4, phường Đồng Phú và Trụ sở Công an thành phố không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường đã nhiều năm, người dân và cơ quan chức năng liên quan đã có các biện pháp khắc khục tạm thời nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn liên tục xẩy ra. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo, sớm triển khai thi công , khắc phục tình trạng nêu trên.


Trả lời:


Đoạn mương thoát nước qua Nhà văn hóa TDP4 phường Đồng Phú và Trụ sở Công an thành phố đã có trong danh mục đầu tư xây dựng tại Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 02/1/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và Dự toán Gói thầu DH-1-3 Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp 3 tại các phường Đồng Phú, Hải Đình, Hải Thành thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, công trình nói trên đang tổ chức đầu thầu và thời gian thực hiện trong năm 2019.


(Theo Công văn số 1260/UBND-VP ngày 27/6/2019 của UBND thành phố Đồng Hới về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 10-HĐND tỉnh khóa XVII).


9. Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư phát triển các môn thể thao, nâng tầm các đội bóng đá, bóng chuyền để có thể tham gia các giải khu vực, giải toàn quốc trong thời gian tới.


Trả lời:


Trong những năm qua, sự nghiệp Thể dục-Thể thao của tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thể thao quần chúng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh với nhiều đối tượng, lứa tuổi, giới tính tham gia, trở thành nhu cầu tập luyện thường xuyên không thể thiếu của đông đảo quần chúng nhân dân. Thể thao thành tích cao đã đạt được những thành tích xuất sắc, tạo dấu ấn đậm nét trên đấu trường thể thao toàn quốc, khu vực và châu lục. Thể thao Quảng Bình luôn duy trì ở vị trí thứ 13 - 20 so với các tỉnh, thành phố tại các kỳ Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc.


Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác đào tạo vận động viên và tham gia thi đấu quốc gia, quốc tế của tỉnh ta chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm. Thể thao thành tích cao còn bó hẹp ở một số bộ môn thế mạnh của tỉnh, một số môn trước đây đưa vào năng khiếu thì nay đã chuyển sang đào tạo nghiệp dư, bán tập trung hoặc theo hình thức xã hội hóa như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, các môn võ,...Đến nay, toàn tỉnh chỉ có đội bóng chuyền nam của Công an tỉnh đang tham gia thi đấu tại giải A toàn quốc. Cơ sở vật chất của ngành Thể dục -Thể thao tuy đã có sự đầu tư, song còn nhiều thiếu thốn và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.


Ngày 17/10/2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 1722/UBND-VX về việc thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao cơ sở nhằm nâng cao sức khỏe, phát triền chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất một đội bóng đá cấp huyện để tổ chức thi đấu khi có điều kiện. Sở Văn hóa và Thể thao đã đưa môn bóng đá nam 11 người vào nội dung thi đấu của Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh và đã tổ chức 02 giải bóng đá nam toàn tỉnh để phát triển phong trào.


Ngày 10/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1143/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu đến năm 2022, phải xây dựng Đề án đào tạo bóng đá trẻ, bóng chuyền trẻ tỉnh Quảng Bình và tổ chức đào tạo vận động viên bóng đá trẻ ở các tuyến (U11, U13); bóng chuyền bãi biển và bóng chuyền trẻ nhằm bổ sung lực lượng vận động viên cho đội bóng chuyền Công an Quảng Bình tham gia giải hạng A toàn quốc.


Trước xu thế hiện nay đòi hỏi sự nghiệp phát triển Thể dục-Thể thao của tỉnh phải có bước đi thích hợp. Tiếp thu ý kiến của cư tri, thời gian tới Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đầu tư phát triển các bộ môn thể thao, trong đó có bóng đá và bóng chuyền phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.


(Theo Công văn số 497/SVHTT-NVVH ngày 24/6/2019 của Sở Văn hóa – Thể thao về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII).

Các tin khác