Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 1522

  • Tổng 2.876.221

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Bố Trạch trước Kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XVIII

9:54, Thứ Hai, 27-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Bố Trạch trước Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Cử tri xã Bắc Trạch tiếp tục phản ánh: Việc thực hiện Dự án nâng cấp tuyến đê kè Hữu Gianh (đã hoàn thành vào năm 2015) gây ảnh hưởng đến 1.061m2 diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giải quyết dứt điểm việc đền bù cho các hộ dân.

 

  Trả lời:

 

 Kiến nghị của cử tri đã được trả lời nhiều lần. Theo đó công trình Đê, kè hữu Gianh (đoạn từ K0-K3+894,2), thuộc địa phận xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch - giai đoạn II đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp thi công hoàn thành vào tháng 10/2013. Diện tích đất trích đo lập hồ sơ giải phóng mặt bằng do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bố Trạch thực hiện bao gồm 7.460m2 đất nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và 1.061 m2 đất lúa và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 05/11/2012. Để đảm bảo tiến độ thi công và yêu cầu về giải ngân nguồn vốn kịp thời, được sự thống nhất của các hộ dân liên quan, UBND huyện Bố Trạch đã ra quyết định thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng cho 7.460m2 đất nuôi trồng thủy sản tại Quyết định số 2826/QĐ-UBND ngày 06/8/2013.

 

 Ngày 16/9/2020, UBND huyện Bố Trạch đã có Quyết định số 4407/QĐ-UBND về thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện xây dựng công trình; Quyết định số 4408/QĐ-UBND ngày 16/9/2020 về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình Đê, kè Hữu Gianh (Đoạn từ K0 đến K3+894,2) tại xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch cho 28 hộ dân với số tiền 214.078.000 đồng. Theo quyết định số 4408/QĐ-UBND ngày 16/9/2020 của UBND huyện Bố Trạch việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho dân do xã Bắc Trạch chịu trách nhiệm. Đề nghị UBND huyện Bố Trạch chỉ đạo UBND xã Bắc Trạch thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho dân.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

  2. Cử tri các xã Liên Trạch, Lâm Trạch phản ánh: Đê Troóc Vực xã Liên Trạch, đê Khe Vàng xã Lâm Trạch hiện đã xuống cấp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị Tỉnh sớm bố trí kinh phí nâng cấp, sữa chữa.

 

Trả lời:

 

- Đê Troóc Vực xã Liên Trạch theo danh mục công trình thủy lợi đây là hồ Tróoc Vực. Hồ Troóc Vực được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, với nhiệm vụ tưới cho khoảng 220ha lúa 2 vụ của người dân xã Liên Trạch. Do công trình được xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp hư hỏng. Đập chính bị thấm nặng, mái hạ lưu và thượng lưu đều bị sạt trượt. Tràn xả lũ và cống lấy nước cũng bị hư hỏng nặng, phản ánh của cử tri là chính đáng.

 

Hiện tại hồ Troóc Vực đã được đưa vào danh mục Tiểu dự án Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước tỉnh Quảng Bình (TDA năm 2, Dự án WB8), danh mục dự án đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Thế giới đồng thuận, hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để lựa chọn nhà thầu tư vấn lập điều chỉnh dự án, thiết kế BVTC và các báo cáo chính sách môi trường. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác tư vấn trong năm 2021 và tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022.

 

- Đê Khe Vàng xã Lâm Trạch theo danh mục công trình thủy lợi đây là đập dâng Khe Vàng. Đập dâng Khe Vàng được khởi công xây dựng từ năm 1998, được xây dựng tại thôn 1, xã Lâm Trạch với số vốn đầu tư trên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, do phương pháp thi công còn lạc hậu, thời gian sử dụng dài nên hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho việc ngăn dòng dẫn nước tưới phục vụ sản xuất cho bà con nhân dân. Theo thiết kế, đập được xây dựng theo hình thức đập tràn, ngăn dòng suối Khe Vàng để dẫn nước tưới cho 25ha lúa, hoa màu hàng năm thôn 1.

 

Qua quá trình sử dụng đập đã xuống cấp theo thời gian, hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, phần móng phía hạ lưu bị xói, sắt lộ thiên, oxy hóa; thân đập phía hạ lưu bằng bê tông đã nứt nẻ, nước thẩm thấu qua thân không giữ được nước; thượng lưu đập bị đất đá sạt lỡ, vùi lấp chặn dòng lấy nước, phần cống lấy nước bị đá lấp sâu gây cản trở dòng chảy, khó khăn cho việc lấy nước tưới phục vụ sản xuất cho 25ha lúa, hoa màu. Năm 2020, qua kiến nghị đề xuất của UBND xã, Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở KH - ĐT và UBND huyện đã tiến hành khảo sát thực địa tại đập để xem xét đầu tư, tuy nhiên đến nay chưa thực hiện. Phản ánh của cử tri là chính đáng, Sở Nông nghiệp và PTNT kính đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp sửa chữa đập dâng Khe Vàng để đảm bảo phục vụ sản xuất cho người dân.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 3. Cử tri các xã, thị trấn Hải Phú, Đồng Trạch, Phong Nha, Hưng Trạch đề nghị: Tỉnh có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, giảm tiền điện...cho các hộ sản xuất kinh doanh ở chợ, các hộ kinh doanh phục vụ du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.   

                                                

  Trả lời:

 

 Về thẩm quyền, Công ty Điện lực Quảng Bình chỉ là đơn vị thực thi triển khai các chính sách giá điện theo quy định của của các Bộ, Ngành, Chính phủ. Dịch covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế- xã hội, trong đó bao gồm ngành điện lực. Đồng hành chia sẻ những khó khăn, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động đề xuất tham mưu cho các Bộ, ngành chức năng trình Chính phủ phê duyệt các phương án điều chỉnh giảm giá điện, giảm tiền điện cho các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid 19 cụ thể: Năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam  đã thực hiện 02 đợt giảm giá, giảm tiền điện cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch covid 19 gồm các ngành sản xuất và kinh doanh; các cơ sở lưu trú du lịch; các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch covid 19. Số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trên toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam đợt 1 và đợt 2 là 12300 tỷ đồng, trong đó Quảng Bình là 71,7 tỉ đồng. Năm 2021: thực hiện chủ trương chỉ đạo giảm giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Quảng Bình đang thực hiện giảm giá điện đợt 3 cho những đối tượng sau: Giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch và giảm tiền điện cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch covid-19, các cơ sở y tế đang được dung để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhiễm, nghi nhiễm covid-19. Thời gian áp dụng trong 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021.

 

Ngoài giảm giá, giảm tiền điện. Tâp đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho quỹ phòng chông covid 19 từ trung ương đến địa phương. Công ty Điện lực Quảng BÌnh  đã ủng hộ 200 triệu.  Như vậy, trong các đợt giảm giá, giảm tiền điện, ngành điện lực đã thực hiện việc giảm giá cho các đối tượng là cơ sở lưu trú du lịch. Đối với các hộ kinh doanh ở chợ đã được giảm giá đợt 1/2020. Tại thời điểm này, chủ trương giảm giá cho các hộ kinh doanh ở chợ chưa có.

 

 Đối với việc giãn nợ, giảm lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình đã làm việc với các tổ chức tín dụng để rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho khách hành. Đến 30/6/2021, các tổ chức tin dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1244 khách hàng bị ảnh hưởng với giá trị nợ được cơ cấu lại 3.691 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 1.507 khách hàng với giá trị nợ được miễn giảm lãi 1.613 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm 13,82 tỷ đồng; đặc biệt cho vay với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 29,345 tỷ. Đến 31/01/2021, đã thực hiện cho 16 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc đối với 1.149 lao động với số tiền cho vay 2,2 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp và người dân huyện Bố Trạch có nhu cầu liên hệ với chi nhánh, phòng giao dịch các tổ chức tín dụng gần nhất để được hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn.

 

(Căn cứ Công văn số 574/QUB-THNS ngày 29/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình về việc trả lời ý kiến cử tri và Công văn số 3491/QBPC-TTBVPC ngày 04/8/2021 của Công ty Điện lực Quảng Bình về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Cử tri các xã Liên Trạch, Mỹ Trạch phản ánh: Hiện nay nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng, vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

 

  Trả lời:

 

Hiện nay, Trung tâm y tế huyện Bố Trạch trực thuộc Sở Y tế đang được giao quản lý, sử dụng 28 Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn. Theo báo cáo, hầu hết các Trạm y tế được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2008-2010, là công trình cấp IV, niên hạn sử dụng 20 năm; tuy nhiên đến nay, một số Trạm y tế đã xuống cấp, hư hỏng; một số Trạm y tế chưa bảo đảm  yêu cầu về diện tích xây dựng, số phòng làm việc theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Trước tình hình đó, từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch đã triển khai việc đầu tư, xây dựng mới, cải tạo. sửa chữa, nâng cấp trạm y tế trên địa bàn huyện cụ thể:

 

 Nguồn kinh phí chi thường xuyên (duy tu, sửa chữa): Tây Trạch, Hạ Trạch (2020), Nhân Trạch (2021), hàng năm chỉ được 1-2 trạm y tế. Nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 (xây mới): Đức Trạch (2019), Trung Trạch (2020), Đồng Trạch (2020). Nguồn vố EU viện trợ (xây mới): Tân Trạch, Thượng Trach (2020 - 2021). Nguồn vố ODA: Phúc Trạch (2021), Lâm Trạch (2021), Cự Nẫm (2022).

 

 Đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm y tế từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025: Vạn Trạch, Liên Trạch, Bắc Trạch, Xuân Trạch, Thị trấn Phong Nha. Trong thời gian tới Sở Y tế tiếp tục quan tâm và sẽ tham mưu tích cực cho UBND tỉnh để có những giải pháp, kế hoạch hiệu quả hơn để các Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng như các huyện, thị xã, thành phố ngày càng được củng cố, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

 

(Căn cứ Công văn số 2193/SYT-KHTC ngày 04/8/2021 của Sở Y tế về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 5. Cử tri các xã, thị trấn Phong Nha, Cự Nẫm, Liên Trạch, Hưng Trạch kiến nghị: Tỉnh có phương án đối với các hộ dân sống ở gần núi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là 33 hộ dân ở khu vực Hà Vàng tổ dân phố Xuân Sơn để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

 

  Trả lời:

 

  Để đảm bảo an toàn ở các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, UBND huyện Bố Trạch đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra thực tế và có hướng xử lý như sau:

 

  Đối với thị trấn Phong Nha: Chủ động xây dựng phương án sơ tán đối với 36 hộ dân (30 hộ dân tại đồi Hạ Vàng, tổ dân phố Xuân Sơn và 6 hộ dân có đồi cao và dốc, dọc đường đi xã Liên Trạch tại TDP Xuân Sơn). Khi có mưa lớn xảy ra;  hướng dẫn người dân xây dựng phương án  cải tạo hoặc gia cố  taluy hạn chế sạt lở đảm bảo an toàn. Phối hợp với các ngành liên quan lập dự án di dân tái định báo cáo UBND huyện trước ngày 20/8/2021 để đề xuất với UBND tỉnh. Khẩn trương lập phương án san gạt, giật cấp, hạ thấp độ cao đối với 10 hộ dân ở TDP Cù Lạc 2, trình các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện phê duyệt trước ngày 18/8/2021.

 

  Đối với UBND xã Hưng Trạch: Khẩn trương lập phương án san gạt, giật cấp, hạ thấp độ cao đối với 37 hộ dân thôn Khương Hà, 2,3,4  Đồng Giang, Nam Giang, Bồng Lai 2, Thanh Bình 3, và các hộ dân sống xung quanh đồi tại thôn Thanh Hưng 1 trình các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện phê duyệt truopwcs ngày 18/8/2021. Riêng đối với các hộ ở thôn Thanh Bình 3, Khương Hà 3, Thanh Hưng 1, do đồi cao và dốc, để đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý, đề nghị UBND xã Hưng Trạch phối hợp chặt chẽ với các phòng, đơn vị liên quan đánh giá tác động sạt lở, kết cấu đất để hạn chế thấp nhất sự cố do cải tạo, san gạt mặt bằng và tạo sự đồng thuận của nhân dân.

 

(Căn cứ Công văn số 1418/ UBND ngày 03/8/2021 của UBND huyện Bố Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

  6. Cử tri thị trấn Nông trường Việt Trung đề nghị: Tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án sắp xếp, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ trên địa bàn huyện.

 

   Trả lời:

 

 Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 719/UBND-TH ngày 10/5/2021 về việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định tại NGhị định số 167/NĐ-CP, gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất hoàn thành trong quý IV năm 2021. Theo đó UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hiện hiện kiểm tra, tổng hợp phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý hoàn thành gửi Sở Tài chính trước ngày 30/9/2021.

 

(Căn cứ Công văn số 2623/STC-NS ngày 02/8/2021 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

  7. Cử tri xã Tân Trạch đề nghị: Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho bà con. Hiện nay, đang mùa khô, nắng hạn các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.

 

  Trả lời:

 

Xã Tân Trach là xã miền núi, rẻo cao của huyện Bố Trạch, nơi tập trung chủ yếu đồng bào Arem sinh sống; toàn xã có 90 hộ với 363 khẩu, trong đó tại Bản 39 có 79 hộ với 312 khẩu. Trước đây, người dân và chính quyền địa phương đã kéo đường ống dẫn nước từ Khe nước km52 về phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày  cho các hộ đồng bào sinh sống tại Bản 39. Tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, hiện nay đường ống dẫn nước đã bị vỡ, hư hỏng không còn sử dụng được. Hiện người dân ở đây chủ yếu lấy nguồn nước từ khe suối hoặc nước mưa để dẫn về bể chứa rồi sử dụng chung, những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao vào mùa khô người dân ở đây thiếu nước để uống và sinh hoạt.

 

 Trước mắt dể khắc phục tình trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan, xã Tân Trạch quan tâm sử dụng các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện nhất là nguồn vốn  hỗ trợ cho các xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ các dụng cụ chứa nước để giải quyết nhu cầu tạm thời; đồng thời sử dụng nguồn nước bơm từ hệ thống giếng khoan về các bể chứa ở các điểm dân cư.

 

 Việc đầu tư hệ thống nước sạch cần nguồn kinh phí lớn, trong khi điều kiện ngân sách huyện còn khó khăn chưa thể cân đối được để đầu tư. Thực hiện Kết luận số 416-TB/VPTU ngày 22/9/2020 của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, UBND huyện đã khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hệ thống nước sạch xã Tân Trạch báo cáo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian tới, UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan quan tâm bố trí nguồn vốn sớm đầu tư hệ thống nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bà con.

 

(Căn cứ Công văn số 1418/ UBND ngày 03/8/2021 của UBND huyện Bố Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

8. Cử tri xã Tân Trạch, Thượng Trạch phản ánh: Dự án điện năng lượng mặt trời qua thời gian sử dụng một số hạng mục đã xuống cấp không cung cấp đủ điện cho cán bộ, bà con làm việc và sinh hoạt. Đề nghị Tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp. Về lâu dài cử tri mong muốn tỉnh đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. (Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp thu, giải quyết)

 

 Trả lời:

 

Về việc tu sửa các hệ thông điện mặt trời thuộc Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản thuộc những xã điện lưới Quốc gia không đến được (Dự án QBSC):

 

Dự án QBSC được triển khai tại 399 điểm cấp điện thuộc 08 xã trên địa bàn 04 huyện gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa với tổng công suất 749,5kw, với mục tiêu cung cấp điện năng ổn định và tin cậy, dịch vụ công cộng chất lượng, đảm bảo cơ hội được giáo dục và mang lại triển vọng thu nhập cao hơn cho người dân tại các khu vực có lưới điện, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành từ quý 2 năm 2018 và hoàn thành công tác bảo hành trong quý 3 năm 2019. Dự án bước đầu đã mạng lại hiệu quả thiệt thực với người dân, các đơn vị sử dụng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh biên giới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân tại địa phương trên. Tuy nhiên quá trình sử dụng  đã phát sinh một số hư hỏng, thiệt bị, giảm hiệu quả  hoạt động của hệ thống.

 

Để kịp thời sửa chữa các hệ thống điện mặt trời thuộc dự án. UBND tỉnh đã giao Trung tân Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập để kiểm định công trình, xác định nguyên nhân các hư hỏng của hệ thống; khảo sát lập phương án, dự toán sửa chữa. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán gói thầu tư vấn “Khảo sát thí nghiệm, đánh giá hiện trạng các điểm hư hỏng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật mua sắm, sửa chữa, thay thế thiệt bị hư hỏng thuộc dự án QBSC” và có văn bản gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Tuy nhiên đến nay Tỉnh chưa bố trí nguồn vốn nên chưa triển khai được. Sở Công thương sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiến hành khẩn chương các thủ tục để triển khai nhanh dự án khi được bố trí vốn.

 

(Căn cứ Công văn số 1089/SCT-KTNL ngày 29/7/2021 của Sở Công thương về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

HN

Các tin khác