Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 3227

  • Tổng 3.134.312

Tổ chức bộ máy và hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình trong năm 2016

Post date: 12/06/2018

Font size : A- A A+
 Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Trị (lần thứ 1, nhiệm kỳ 2016- 2021),  Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình đã tham luận một số vấn đề về hoạt động của HĐND tỉnh trong năm 2016, đó là: Khái quát về cơ cấu tổ chức bộ máy; thông tin về tình hình, kết quả hoạt động và những chính sách của tỉnh đã ban hành trong năm 2016; trao đổi một số cải tiến, đổi mới mà HĐND tỉnh Quảng Bình đã thực hiện.

 

 

 

1. Khái quát về cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021


HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 50 vị, trong đó, đại biểu chuyên trách có 09 vị, đại biểu tái cử 14 vị, đại biểu nữ 7 vị; HĐND được chia thành 8 Tổ đại biểu tương ứng với các đơn vị hành chính cấp huyện nơi đại biểu ứng cử.
Cơ cấu tổ chức gồm: Thường trực HĐND có 6 thành viên và 3 Ban. Chủ tịch HĐND là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm, 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. Ban KTNS có 09 ủy viên, Ban VHXH và Ban pháp chế mỗi Ban có 08 ủy viên. Trưởng ban KTNS do một Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm nhiệm; Trưởng ban VHXH do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm nhiệm; Trưởng Ban pháp chế do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy kiêm nhiệm. Mỗi ban đều có 2 phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.


 

2. Về kết quả hoạt động chủ yếu của HĐND tỉnh trong năm 2016


Về tổ chức các kỳ họp: Trong năm 2016, HĐND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 5 kỳ họp, gồm: Kỳ họp để bầu bổ sung chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; Kỳ họp tổng kết hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; Kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh khóa XVII, để bầu các chức danh của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Hội thẩm nhân dân của TAND tỉnh; 2 Kỳ họp thường lệ và một kỳ họp chuyên đề năm 2016.


Nhìn chung, các kỳ họp của HĐND tỉnh được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đảm bảo đúng quy trình quy định nên chất lượng, hiệu quả và hiệu lực được nâng lên, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sớm tổ chức các Hội nghị liên tịch để tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan chủ động trong việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp. Các kỳ họp được tổ chức theo hướng đổi mới, các báo cáo và tờ trình được trình bày tóm tắt để tăng thời gian phiên thảo luận và chất vấn; phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND. Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã ban hành thông báo kết luận của Chủ tọa để UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.
Hoạt động giám sát: Năm 2016 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, do đó, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; giám sát các vấn đề nổi lên được cử tri và dư luận quan tâm; giám sát các nội dung kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ và tại các phiên họp hàng tháng của Thường trực HĐND; các ban của HĐND tỉnh triển khai giám sát một số chuyên đề và giám sát định kỳ để phục vụ công tác thẩm tra báo cáo và nghị quyết trình tại kỳ họp.


Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và các kiến nghị của cử tri: Qua việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và tổng hợp kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND đã chỉ đạo các Ban tiến hành giám sát kết quả giải quyết theo từng vấn đề, từng vụ việc cụ thể thuộc lĩnh vực theo dõi, phụ trách. Việc giám sát được triển khai tích cực, tập trung, xuyên suốt nên chất lượng, hiệu quả giải quyết được nâng cao, đảm bảo thời gian, quy trình, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan và chính quyền các địa phương.


2. Một số cải tiến, đối mới của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Bình


Có thể nói, bước vào nhiệm kỳ mới, hoạt động của HĐND nói chung, trước hết là Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Văn phòng HĐND tỉnh có một số nét cải tiến, đổi mới so với trước, bước đầu mang lại hiệu quả, thể hiện trên một số mặt:


- Về chế độ làm việc của Thường trực HĐND tỉnh: Thường trực HĐND tỉnh đã duy trì đều phiên họp thường kỳ mỗi tháng một lần theo luật định. Tại phiên họp, ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động tháng trước, bàn kế hoạch, nhiệm vụ tháng sau, Thường trực HĐND tỉnh đã mời đại diện lãnh đạo UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các cơ quan liên quan báo cáo về kết quả giải quyết những vấn đề xảy ra được dư luận, báo chí hoặc cử tri phản ánh; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của mình; kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri, kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh đã duy trì chế độ hội ý hàng tuần để bàn bạc, trao đổi, thống nhất chỉ đạo giải quyết các công việc kịp thời.


- Về hoạt động giám sát: Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban tiến hành theo dõi, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các vụ việc nổi lên, được dư luận và Nhân dân quan tâm, bức xúc hoặc đã được Chủ tọa kỳ họp kết luận. Kết quả giám sát được báo cáo tại các phiên họp hàng tháng của Thường trực HĐND và được lãnh đạo UBND, lãnh đạo các cơ quan chức năng giải trình, tiếp thu. Chúng tôi cho rằng, việc rà soát, xem xét kết quả giải quyết các vấn đề nổi lên ngay trong từng tháng, thậm chí hàng tuần góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND, của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh.


- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên thảo luận, phiên chất vấn tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị các đại biểu HĐND đăng ký nội dung thảo luận và chất vấn gửi đến Văn phòng tổng hợp, phân loại theo từng nhóm vấn đề trước kỳ họp, điều đó tạo thuận lợi cho Chủ tọa điều hành phiên thảo luận và chất vấn có hiệu quả. Qua các kỳ họp, nhất là kỳ họp cuối năm 2016 cho thấy phiên thảo luận và chất vấn có nhiều chuyển biến tích cực, số đại biểu đăng ký thảo luận, chất vấn tăng lên rõ rệt, thể hiện tình thần trách nhiệm cao hơn so với trước.


- Văn phòng cũng có sự cải tiến hình thức cung cấp thông tin, tài liệu, liên lạc với các đại biểu HĐND. Ngoài hình thức thông tin qua Email, đưa tài liệu lên website của HĐND tỉnh, thời gian qua, Văn phòng đã đăng ký dịch vụ nhắn tin theo nhóm đến tất cả các đại biểu HĐND. Khi cần thông báo, đôn đốc, nhắc nhở một số nội dung, thay vì phải soạn công văn, giấy mời, Văn phòng chỉ soạn tin nhắn và gửi đến tất cả các đại biểu. Chúng tôi cho rằng, đây cũng một sự cải tiến tuy nhỏ nhưng tiện lợi, kịp thời và hiệu quả.


3. Về một số chính sách địa phương đã ban hành trong năm 2016


Trong năm 2016, HĐND tỉnh Quảng Bình đã ban hành một số nghị quyết mang tính đặc thù (chính sách riêng của địa phương) như:


- Nghị quyết ban hành một số chế độ, định mức bảo đảm cho hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Quảng Bình. Nghị quyết này được thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 10/2016).
Trước đó, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 cũng đã ban hành nghị quyết quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND các cấp, tuy nhiên, đến nay nghị quyết không còn phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật mới. Do đó, nghị quyết lần này được ban hành nhằm tạo điều kiện để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Nghị quyết quy định có 10 nội dung chi với nguyên tắc là: Các khoản chi thuộc HĐND cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm và quyết toán với ngân sách cùng cấp. Định mức hỗ trợ được quy định là mức chi tối đa. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, dự toán được giao hàng năm và các quy định hiện hành của Nhà nước, Thường trực HĐND, UBND các cấp quyết định nội dung chi, mức chi phù hợp và không dưới 50% so với mức chi tại nghị quyết.


- Nghị quyết về ban hành Chính sách thu hút, đào tạo người có trình độ chuyên môn cao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 – 2020. Trước đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2011/NQ về chính sách thu hút, đào tạo nhân tài của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, số lao động được thu hút rất ít, do các chính sách chưa thực sự hấp dẫn; công các đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự trở thành động lực, giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động của tỉnh, do đó, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành nghị quyết mới để thực hiện có hiệu quả.
Nghị quyết lần này đã quy định cụ thể về hình thức, đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn hút hút. Riêng về chế độ, chính sách thu hút với các đối tượng do tỉnh mời gọi, nghị quyết quy định hỗ trợ một lần đối với Giáo sư bằng 200 lần mức lương cơ sở, Phó Giáo sư bằng 170 lần. Đối với các trường hợp được tuyển dụng không qua thi tuyển, mức hỗ trợ là: Tiến sĩ bằng 100 lần mức lương cơ sở, Thạc sĩ bằng 70 lần, Đại học bằng 50 lần. Nghị quyết cũng quy định các đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với các đối tượng được cử đi đào tạo trong và ngoài nước như độ tuổi đào tạo Tiến sĩ không quá 40 tuổi; đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài bằng 200 lần mức lương cơ sở/người/khoá;, trong nước là 100 lần.


Trong điều kiện của một tỉnh còn rất khó khăn, chúng tôi cho rằng, đó cũng là một sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh nhằm góp phần thu hút người có trình độ chuyên môn về công tác, góp phần phát triển KTXH cho tỉnh.


- Một số chính sách quan trọng khác: Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Thường trực HĐND tỉnh đã cho chủ trương hỗ trợ các cơ sở thu mua hải sản của các tàu đánh bắt xa bờ với mức hỗ trợ chênh lệch giá là 20% trên mức giá thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, tổng mức hỗ trợ trên 23 tỷ đồng; tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết quy định không thu học phí trong thời gian 2 năm (2016-2017 và 2017-2018) đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của các hộ gia đình bị ảnh hưởng theo Quyết định 1880/QĐ-TTg. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo xem xét xây dựng đề án riêng của tỉnh để hỗ trợ cho ngư dân, các doanh nghiệp và địa phương bị ảnh hưởng nặng.



Có thể nói, năm 2016 là một năm mà các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Riêng đối với Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Qua rà soát, thống kê bước đầu cho thấy, ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 2.138 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn phải gánh chịu thiệt hại rất nặng bởi liên tiếp các trận mưa lũ lớn trên diện rộng xảy ra trong tháng 10/2016. Sự cố môi trường biển và mưa lũ lớn đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, việc làm, thu nhập, đời sống, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến tư tưởng, tâm lý của Nhân dân, nhất là bà con ngư dân các xã vùng biển. Nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, du lịch của tỉnh rơi vào tình trạng điêu đứng, ngừng hoạt động, các ngành dịch vụ khác bị ảnh hưởng rất nặng nề. Kết quả thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2016 có 07/21 chỉ tiêu cơ bản không đạt kế hoạch đề ra, chủ yếu là các chỉ tiêu về kinh tế.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực triển khai một số hoạt động như: Chỉ đạo Ban VHXH tiến hành khảo sát tại các huyện, các xã vùng biển để nắm thực trạng tình hình thiệt hại và đời sống của ngư dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua khảo sát, thống kê, rà soát, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bổ sung đối tượng cho hợp lý và hiện nay đã và đang triển khai thực hiện đền bù cho các đối tượng theo quy định.


Tại hội nghị này, ngoài việc thông tin, báo cáo, trao đổi về những hoạt động của HĐND các tỉnh để học tập kinh nghiệm lẫn nhau, chúng tôi rất muốn các vị đại biểu trao đổi thêm về những kết quả công tác chỉ đạo, điều hành để ổn định và phát triển KTXH của Nhân dân vùng biển bị ảnh hưởng; việc thống kê, thực hiện đền bù thiệt hại mà theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành; những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm của các tỉnh.


BBT

More