Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 26

  • Hôm nay 4544

  • Tổng 3.191.397

ĐÔI ĐIỀU GHI NHẬN QUA TIẾP XÚC CỬ TRI

Post date: 10/07/2014

Font size : A- A A+
 Tiếp xúc cử tri là một hoạt động của đại biểu dân cử có tính thường xuyên. Tiếp xúc cử tri để nói cho dân nghe và để nghe dân nói; Đại biểu nói cho dân nghe về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết Hội đồng nhân dân đến với cử tri, nghe cử tri phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh.

 Trên cơ sở đó, người đại biểu hiểu thêm cơ sở, chia sẻ khó khăn từ cơ sở và góp phần có những quyết sách hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cử tri. Trong những năm tháng làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, trong tôi luôn giữ mãi những ấn tượng khó quên về đợt tiếp xúc cử tri tại xã Trường Sơn.

  

Là một xã miền núi thuộc chương trình 135-xã Trường Sơn giáp biên giới Việt Lào, có diện tích tự nhiên rộng bằng 2/3 diện tích của huyện Quảng Ninh, với dân số hơn 3.700 người, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc Vân Kiều, còn lại là người Kinh ở các xã đồng bằng lên định cư lập nghiệp từ thời kháng chiến chống Pháp. Xã có 22 thôn, bản, trong đó có 5 thôn là đồng bào người Kinh và 17 bản người dân tộc Vân Kiều, có bản ở gần biên giới Việt Lào. Trước đây, việc đi lại từ trung tâm huyện Quảng Ninh lên xã Trường Sơn bằng đường thủy, từ bến đò Cổ Hiền lên bến Hôi, vượt Tam Lu bằng thuyền cole, lên bến Long Sơn nơi có đồn biên phòng 597 và trụ sở xã. Từ khi có đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, việc đi lại của bà con Trường Sơn thêm tuyến đường bộ. Sau khi tỉnh đầu tư đường tỉnh lộ 11 và tỉnh lộ 10 nối Trường Sơn gần lại với đồng bằng.
  

Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh của huyện Quảng Ninh chọn Trường Sơn làm điểm tiếp xúc cử tri trước kỳ họp mong sao lắng nghe được nhiều ý kiến của cử tri, nghe tiếng nói của bà con Vân Kiều. Không khí buổi tiếp xúc diễn ra rất nghiêm túc; tâm trạng cử tri hôm đó rất phấn chấn. Hỏi qua cán bộ xã, chúng tôi được biết: Nhờ có thông tin sớm nên có những cử tri ở xa như bản Dốc Mây, Rìn Rìn về trụ sở xã từ chiều hôm trước. Buổi tiếp xúc có 21 ý kiến phát biểu tại hội trường, trong đó 9 ý kiến của bà con dân tộc Vân Kiều. Đáng chú ý có cử tri Hồ Long ở bản Dốc Mây - một bản ở xa trung tâm xã, có 14 hộ dân về tiếp xúc cử tri phải luồn rừng đi bộ từ ngày hôm trước – kiến nghị 3 điều với đại biểu HĐND tỉnh mong được cấp trên giúp đỡ. Trước hết là xây dựng trường học và giảng dạy cho con em biết chữ, đọc thông, viết thạo; đầu tư phát triển chăn nuôi để tăng thêm thu nhập, có cuộc sống ổn định và xây dựng nguồn nước sạch để đảm bảo sinh hoạt cho bà con. Riêng điện thắp sáng thì ông cũng mong muốn như cử tri toàn xã. Nguyện vọng chính đáng và thiết thực làm sao.
   

Đáng ghi nhận các ý kiến nêu lên trong buổi tiếp xúc với cử tri xã Trường Sơn lần này cử tri không nhắc đến việc trợ cấp gạo, xin muối hay dầu thắp sáng như những năm trước đây, mà đề nghị cấp trên giao đất sản xuất, hỗ trợ giống cây, con để nhân dân phát triển trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng trường mầm non, trường tiểu học nhất là khu vực xa trung tâm; xây dựng đường bê tông cho dân bản, trạm y tế, cầu treo qua bản, nước sinh hoạt; chính sách cho cán bộ thôn bản…
  

Nhiều cử tri đã bộc bạch tâm sự: Dân Trường Sơn mình còn nghèo lắm, cái chi cũng ưng, nhưng những gì cử tri mình nêu lên hôm này là cái muốn tỉnh, huyện quan tâm trước đã, mộc mạc vậy thôi.
  

Hiện nay, Trường Sơn đã có nhiều đổi thay: Một số bản của xã được dùng điện lưới quốc gia; có mạng viễn thông gần lại với mọi miền. Các trường học mầm non, tiểu học, THCS từng bước được xây dựng khang trang. Con em Trường Sơn đã có nhiều em về học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện. Đời sống kinh tế có chuyển biến, nhân dân một số bản trồng được lúa nước cho năng suất khá cao, đường giao thông được bê tông hóa. Bên cạnh những tiến bộ đáng mừng, nhân dân xã miền núi Trường Sơn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cầu treo Tân Sơn, Liên Sơn chưa được triển khai cho nhân dân  đi lại, nhiều bản cô lập khi mùa mưa đến. Việc giao đất, giao rừng cho dân còn là vấn đề chưa có lời giải tối ưu. Ở gần rừng nhưng nhiều bản chưa được hưởng nguồn lợi từ rừng. Ngoài các bản có điện lưới quốc gia thì các bản xa vẫn thiếu điện, phụ cấp cho cán bộ thôn bản còn quá thấp trong khi việc đi lại còn khó khăn, yêu cầu công việc ngày càng nhiều hơn.
    

Từ thực tế qua tiếp xúc cử tri ở xã Trường Sơn và một số nơi ở trong tỉnh, mong muốn trong thời gian tới, các ngành các cấp có giải pháp đồng bộ để việc tiếp xúc cử tri ngày càng hiệu quả hơn.
   

Trước hết quan tâm hơn nữa việc tiếp xúc cử tri ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để lắng nghe tiếng nói của dân từ cơ sở, nhng ý kiến bức thiết mà thực tiễn đặt ra-đó là yêu cầu khó nhưng đại biểu và cơ quan chủ trì cần chủ động sắp xếp.
  

Bản thân đại biểu nhanh chóng tiếp cận với cử tri bằng phong cách gần gũi, thân tình, chuẩn bị tâm thế lắng nghe cử tri nói, bình tĩnh trước các tình huống diễn ra. Sau khi tiếp thu nội dung phải theo dõi quá trình giải quyết của các cơ quan chuyên môn, kịp thời thông tin ý kiến giải quyết đến cử tri và cơ sở. Kết quả giải quyết, ý kiến cử tri trong thực tiễn là niềm tin, là cầu nối giữa cử tri với cơ quan dân cử và đại biểu Hội đồng nhân dân.
  

Trong tiếp xúc cử tri cơ quan chủ trì cùng các cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm khắc phục và tiến tới chấm dứt hiện tượng lợi dụng tiếp xúc cử tri để đả kích cá nhân hoặc phát biểu tuỳ tiện. Nêu rõ yêu cầu tham gia từ đầu đến khi kết thúc, tránh tình trạng nói xong bỏ về không cần nghe giải thích trao đổi. Tại buổi tiếp xúc các cơ quan chuyên môn cần trả lời những nội dung thuộc thẩm quyền để cử tri rõ.
  

Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri là yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử và đáp ứng mong đợi của nhân dân khi thực tế cuộc sống đặt ra. Giải quyết tốt ý kiến chính đáng của cử tri, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của cử tri là việc làm đòi hỏi phải chuẩn bị công phu và đồng bộ. Từ kết quả tiếp xúc cử tri ở xã Trường Sơn và một số nơi khác, mong được nêu lên để cùng quan tâm và trao đổi.

Lê Huấn

More