Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 23

  • Hôm nay 4522

  • Tổng 3.191.375

NHẬN DIỆN NHỮNG DẠNG THẤT THOÁT TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐỂ TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ

Post date: 10/07/2014

Font size : A- A A+
 Lãng phí, thất thoát vốn đầu tư xây dựng đang là vấn đề nhức nhối, làm suy yếu các nguồn lực phát triển đất nước, giảm lòng tin của dân đối với Đảng và công tác quản lý của Nhà nước. Cần nhìn nhận những dạng thất thoát trong đầu tư xây dựng để tăng cường giám sát của cơ quan dân cử, góp phần minh bạch hóa quá trình đầu tư, đem lại hiệu quả cao nhất cho cộng đồng và bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương.

 Thứ nhất, thất thoát do công trình được xây dựng không phù hợp về địa điểm và thời điểm, khi quyết định đầu tư do không nghiên cứu kỹ các điều kiện về môi trường, thị trường vùng nguyên liệu, các đặc điểm địa chất công trình, địa chất thuỷ văn... nên khi công trình xây dựng xong không sử dụng hết công suất do không được đặt đúng vào vùng có nguyên liệu, hoặc công trình được khai thác sử dụng nhưng sản phẩm không tiêu thụ được do không có thị trường. Ví dụ, một số nhà máy đường được đầu tư không có vùng nguyên liệu phải phá sản, ngân sách đầu tư hàng trăm tỷ đồng và nông dân chuyển đổi hàng chục nghìn hecta trồng các cây nông nghiệp sang trồng mía, nhưng do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp nên năng suất mía không cao, lượng đường thấp nhà máy không tiêu thụ được, nông dân vùng trồng mía khốn đốn với nợ ngân hàng.

 

Thứ hai, thất thoát do quy mô công trình không phù hợp với yêu cầu sử dụng. Dạng thất thoát này tương đối phổ biến đối với các công trình dân dụng, công trình kết cấu hạ tầng KT-XH và các công trình sản xuất. Nhiều nơi xây dựng các công trình văn hóa nhưng không có người đến sinh hoạt, các nhà thi đấu rất lớn nhưng rất ít người đến tập, nhiều khu vui chơi giải trí, sân vận động cũng xảy ra tình trạng tương tự. Còn đối với các công trình sản xuất, tình trạng hoạt động của nhà máy không hết công suất thiết kế phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực như: nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy đường, nhà máy nước, nhà máy gạch tuy nen...
 

Thứ ba, thất thoát, lãng phí do công trình không bảo đảm chất lượng, các mục tiêu đặt ra ban đầu không thực hiện được, kinh phí bỏ ra xây dựng thì lớn nhưng chi phí vào công trình bị bớt xén; hoặc trong quá trình thiết kế, do điều tra số liệu không kỹ, người thiết kế lại thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ hạn chế đã đưa ra những kết quả không tối ưu, dẫn đến chất lượng công trình không tương xứng với kinh phí bỏ ra, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn về tính mạng và tài sản của cộng đồng. Dạng thất thoát này xảy ra ở nhiều công trình xây dựng như dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất...
 

Thứ tư, thất thoát, lãng phí do công trình được xây dựng không phù hợp với nội dung và hình thức. Dạng thất thoát này biểu hiện ở chỗ có những công trình thì quá quan tâm đến nội dung bên trong như công năng sử dụng, chất lượng nội thất, công nghệ hiện đại, thiết bị mới... nhưng hình thức kiến trúc công trình không đẹp, không hài hòa với cảnh quan, hoặc không phản ánh được tính chất của công trình. Ví dụ như trụ sở cơ quan nhà nước lại được thiết kế giống trường học, nhà bảo tàng thì giống nhà văn hóa thiếu nhi, các công trình văn hóa dân tộc lại được xây mái bằng, cửa kính khung nhôm... Ngược lại cũng có những công trình được xây dựng có hình thức rất đẹp, sử dụng nhiều loại vật liệu quý nhưng bên trong thì quá đơn điệu, dây chuyền công năng không đồng bộ, nội thất kém, dẫn đến giá trị sử dụng thấp.
  

Thứ năm, thất thoát, lãng phí do công trình xây dựng không bảo đảm cảnh quan, môi trường. Hiện nay có rất nhiều công trình được xây dựng lên đã phá vỡ cảnh quan xung quanh như việc xây dựng phải chặt phá cây, san ủi đồi...  Cũng có những công trình được xây dựng lạc lõng với các công trình kiến trúc xung quanh, phá vỡ sự thống nhất của không gian kiến trúc đã được hình thành, làm giảm mỹ quan đô thị. Việc công trình xây dựng vi phạm các vấn đề về môi trường thường gặp ở các công trình công nghiệp. Do quá đề cao lợi ích kinh tế nên không tính đến tác hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, như các nhà máy tẩy thuốc nhuộm thải nước chưa xử lý ra xung quanh; các nhà máy có thải khí độc lại được xây dựng ở đầu hướng gió và thành phố; nhà máy thực phẩm không có hệ thống xử lý nước thải... Tất cả đã gây nên những hậu quả không thể lường hết được đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Và để khắc phục hậu quả đó thì phải tốn kém rất nhiều.
 

Thứ sáu, thất thoát do công trình được đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật thì việc xây dựng một tuyến đường giao thông thường không được xây dựng đồng bộ cả mặt đường, vỉa hè, đường ống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin, trồng cây xanh… dẫn đến tình trạng đường vừa xây xong lại bị đào lên để làm đường ống cấp nước hoặc đường dây điện... không những gây lãng phí, thất thoát mà còn làm mất vệ sinh đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tình trạng này còn xảy ra phổ biến trên các tuyến đường trong đô thị.
  

Thứ bảy, tình trạng chung khá phổ biến trong đầu tư là các cấp có thẩm quyền vẫn đang dành lượng vốn lớn cho cơ chế xin cho, vì nhu cầu lợi ích riêng cho của từng tổ chức, địa phương nên khi xin được công trình, việc bố trí công trình không có hiệu quả, thậm chí không có trong quy hoạch của địa phương; công tác khảo sát lập dự án sơ sài dẫn đến tình trạng xây chợ thì không có người họp, làm hồ chứa thì không có nước, làm khu công nghiệp thì không kêu gọi được nhà đầu tư...
  

Những dạng thất thoát trong đầu tư xây dựng trên có thể thấy ở nhiều địa phương hoặc công trình đã được đầu tư xây dựng. Với vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, giám sát của HĐND có ý nghĩa quan trọng minh bạch hóa quá trình đầu tư, đem lại hiệu quả cao nhất cho cộng đồng và bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh cần phối hợp với các ban và tổ đại biểu dự kiến nội dung, chương trình giám sát về các dạng thất thoát của các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình có kiến nghị của cử tri. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thường trực HĐND cần phân công Ban Kinh tế-Ngân sách chủ trì giám sát, báo cáo kết quả tại kỳ họp cuối năm để HĐND có cơ sở thông qua nghị quyết về chương trình giám sát cho năm sau; hoặc có thể tổ chức giám sát đột xuất đối với các công trình, dự án qua giám sát cộng đồng hoặc phản ánh, kiến nghị của cử tri.
  

Căn cứ vào các quy định của pháp luật và nghị quyết về chương trình giám sát, Ban Kinh tế-Ngân sách phải xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát trong lĩnh vực này. Kế hoạch giám sát phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, cách thức và các bước tiến hành giám sát. Quan trọng nhất là nghiên cứu các quy định của pháp luật, tình hình thực tế để xây dựng nội dung giám sát. Nội dung giám sát về đầu tư xây dựng gồm: đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp... kế hoạch đầu tư liên quan trên địa bàn theo quy định. Đánh giá việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết; phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; phương án tái định cư, tiến độ, kế hoạch đầu tư; việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư trong quá trình thực hiện đầu tư dự án… Phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án...
  

Thực tế, để giám sát trong lĩnh vực này có hiệu quả đòi hỏi phải nắm tình hình triển khai đầu tư xây dựng từng địa bàn, từng công trình thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri, thu nhận nhiều thông tin chất lượng mà báo cáo chính thức của các cơ quan không có; kết hợp với nhiều nguồn thông tin khác, tổ chức thẩm tra, xác minh, đặc biệt chú trọng thông tin trong hoạt động giám sát từ các chương trình dự án của cộng đồng dân cư.
  

Qua giám sát, HĐND có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp các thông tin liên quan về quy hoạch; trả lời các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định; yêu cầu các đối tượng chịu sự giám sát trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư theo quy định. Qua đó, HĐND kiến nghị các cấp thẩm quyền những giải pháp chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cần thiết, HĐND có thể yêu cầu đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong trường hợp dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường hoặc do chủ đầu tư không thực hiện công khai hóa về đầu tư theo quy định… bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương.

Võ Minh Doang - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh