Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 19

  • Hôm nay 4320

  • Tổng 3.191.173

ĐỂ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG CÓ HIỆU QUẢ

Post date: 10/07/2014

Font size : A- A A+
 Điều 10, Luật Tổ chức HĐND và UBND ghi rõ: "Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình, HĐND ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó". Nhưng thực tế, có nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm đã được Thường trực hoặc các Ban của HĐND kiến nghị sau giám sát, nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm thảo luận, chất vấn được Chủ tọa kết luận sau mỗi kỳ họp vẫn chưa ban hành nghị quyết để thực hiện, tất cả chỉ mới dừng lại trong báo cáo giám sát hoặc thông báo kết luận của Chủ tọa kỳ họp. Kết quả giải quyết rất hạn chế, thậm chí không có sự chuyển biến.

 Lâu nay, nhiều đại biểu cho rằng, chế tài trong giám sát chưa đủ mạnh, thiếu cơ sở pháp lý cụ thể, cho nên chất lượng giám sát không cao. Đồng thời, kiến nghị sửa Luật Tổ chức HĐND và UBND, hoặc phải ban hành riêng luật giám sát của HĐND? Thiết nghĩ trước khi kiến nghị sửa đổi hoặc ban hành thêm luật, HĐND các cấp cần mạnh dạn thực hiện những điều mà hiện tại luật đã quy định, cho phép. Chẳng hạn, mỗi kỳ họp có thể ban hành một đến hai nghị quyết về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát và kết luận của Chủ tọa kỳ họp, tập trung vào một số vấn đề bức thiết. Làm như vậy để có cơ sở kiểm chứng tính hiệu quả, hiệu lực của luật rồi mới kiến nghị sửa đổi hoặc ban hành luật mới. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết của HĐND để thực hiện các kiến nghị giám sát hay kết luận của Chủ tọa lâu nay chưa làm nên chắc chắn không hề đơn giản. Do đó, đòi hỏi Thường trực, các ban của HĐND phải tích cực, có bản lĩnh, trách nhiệm, UBND và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ thì nghị quyết thực hiện các kiến nghị qua giám sát hay kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp mới có hiệu lực, hiệu quả.

  

Có thể khẳng định rằng, các quy định của luật đã khá đầy đủ, trong đó có quy định về chế tài giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Chỉ cần lựa chọn vấn đề nổi cộm, bức xúc và ban hành nghị quyết của HĐND để thực hiện, chắc chắn có hiệu quả, khả thi. Chẳng hạn, trong những năm qua cử tri kiến nghị nhiều về việc một nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường do công nghệ đã quá lạc hậu; hay chất thải chưa qua xử lý của nhà máy chế biến nông sản được đặt ở ngay đầu nguồn một con sông, vấn đề này cũng đã được Thường trực và các ban của HĐND giám sát khá quy mô, đại biểu HĐND đã nhiều lần chất vấn, cơ quan chức năng đã trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Nhưng đến nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy vẫn chưa được cải thiện. Cử tri tiếp tục kiến nghị gay gắt hơn, đề nghị phải di dời hai nhà máy này cho bằng được.
  

Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này, có lẽ HĐND cần ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát, thành phần có lãnh đạo cơ quan chức năng và các chuyên gia. Sau giám sát, Thường trực có báo cáo kết quả giám sát "Trình HĐND xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền"; giao cho Ban Kinh tế và Ngân sách chủ trì phối hợp với các ban dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Sau khi trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ tọa kỳ họp cần hướng đại biểu HĐND thảo luận sâu thêm về những vấn đề quan tâm. Kết luận phiên thảo luận, Chủ tọa đề nghị HĐND xem xét, cho chuẩn bị dự thảo nghị quyết về xử lý ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy mà đoàn giám sát đã báo cáo.
  

Để thống nhất tạo nên sức mạnh, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND nên chọn lọc, ưu tiên trả lời chất vấn về môi trường trước, bố trí thời gian đủ để đại biểu HĐND chất vấn trực tiếp tại hội trường. Chủ tọa kỳ họp cần tạo không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn để các đại biểu hăng hái chất vấn. Sau trả lời của các ngành liên quan, Chủ tọa kết luận và đề nghị thực hiện Điều 61, Luật Tổ chức HĐND và UBND: "HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn". Vì cùng nội dung môi trường, diễn ra ở cùng một số đơn vị và cùng liên quan đến một số cơ quan chuyên môn, nên nghị quyết cần được kết hợp xem xét báo cáo kết quả giám sát và chất vấn của đại biểu HĐND trong lĩnh vực môi trường bị ô nhiễm.
  

Tuy nhiên, do thời gian diễn ra kỳ họp không dài, giữa phiên thảo luận, chất vấn của đại biểu HĐND đến khi thông qua nghị quyết khá gần nhau. Hơn nữa nghị quyết do Thường trực hay các ban của HĐND trình cần có thời gian để UBND tham gia ý kiến. Để bảo đảm hiệu lực các cuộc giám sát, ngay sau khi chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về môi trường, Thường trực HĐND tranh thủ phân công các ban phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị lại dự thảo nghị quyết. Thường trực HĐND phân công người tập trung xem xét kỹ lưỡng nội dung dự thảo, bố trí ngoài giờ họp để các cơ quan liên quan xem xét, thảo luận. Trong trường hợp cụ thể này, dự thảo nghị quyết cần khẳng định được những kiến nghị của cử tri là xác đáng, những đề xuất trong báo cáo giám sát có cơ sở khoa học, pháp lý, chất vấn của một số đại biểu HĐND và trả lời của các cơ quan đơn vị càng làm rõ thêm vấn đề bức thiết về môi trường ở hai khu vực này.
  

Đã đến lúc nghị quyết của HĐND phải quyết định dừng hoạt động của nhà máy xi măng để đổi mới công nghệ. Chuyển nhà máy chế biến nông sản vào khu công nghiệp của tỉnh vì không thể khắc phục được môi trường ở khu vực này... Nghị quyết cũng phải quy định thời gian thực hiện cụ thể, trách nhiệm của UBND và các cơ quan chuyên môn, để sau này HĐND còn tái giám sát lại hai nhà máy này về thực hiện nghị quyết của HĐND.
  

Chỉ cần tổ chức ít cuộc giám sát, chất vấn một vài nhóm vấn đề, nhưng hoạt động giám sát phải bài bản, sâu sát, mạch lạc. Và, quan trọng hơn cần tích cực chuẩn bị thật chu đáo để HĐND quyết định ban hành được nghị quyết về giám sát thì hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên mạnh mẽ.

Văn Năm

More