Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 19

  • Hôm nay 4455

  • Tổng 3.191.308

CẢM NHẬN VỀ CƠ QUAN DÂN CỬ VÀ PHONG TRÀO ĐỔI MỚI NÔNG THÔN Ở HÀN QUỐC

Post date: 10/07/2014

Font size : A- A A+
 Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Sau 20 năm, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân... Đoàn công tác của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của các cơ quan dân cử và mô hình kinh tế tại Hàn Quốc vào dịp Chính phủ hai nước tổ chức các hoạt động giao lưu phong phú nhằm kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn.

 

Theo Chương trình, Đoàn đến thăm và làm việc với Hội đồng thành phố Seoul- thủ đô của Hàn Quốc và Hội đồng tỉnh Gyeonggi.
 

Thủ đô Seoul có trên 11 triệu dân, chiếm trên 20% dân số Hàn Quốc. Hội đồng thành phố có 114 đại biểu, với nhiệm kỳ hoạt động là 4 năm. Đứng đầu là Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký; Hội đồng gồm 10 Ủy ban thanh tra (Uỷ ban Thường trực) và 11 Ủy ban đặc biệt, kinh phí hoạt động khoảng 2,1 ngàn tỷ Won (tương đương 42 ngàn tỷ đồng VN). Trong Ủy ban thanh tra (Uỷ ban Thường trực) gồm có các Uỷ ban: Ủy ban điều hành (Tương tự như Văn phòng của ta), Tự trị - Hành chính, Kinh tế - Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Phúc lợi xã hội, Xây dựng, Quản lý thư viện, Giao thông, Giáo dục. Các Ủy ban đặc biệt nhằm xử lý các vấn đề cấp bách hoặc đặc biệt, đột xuất. Trong đó có Uỷ ban đặc biệt quyết toán kinh phí, Uỷ ban tổng hợp tài nguyên nước, rác thải, Uỷ ban đặc biệt luân lý, Uỷ ban đặc biệt phụ nữ, Uỷ ban đặc biệt phát triển và cải tiến nghị viện thành phố...
  

Hội đồng thành phố Seoul hoạt động thông qua các kỳ họp định kỳ và đột xuất. (Tương tự như kỳ họp thường lệ, kỳ họp bất thường hoặc chuyên đề ở nước ta), mỗi năm tổ chức 02 kỳ họp định kỳ vào quý I và quý IV. Các kỳ họp đột xuất được tổ chức khi có trên 1/3 đại biểu yêu cầu và sẽ tiến hành thông báo trước 7 ngày. Tổng số ngày họp định kỳ và đột xuất khoảng 140 ngày/năm. Các cuộc họp được tiến hành theo nguyên tắc công khai. Trong thời gian họp, Hội đồng sẽ quy định thời gian trình bày và tổ chức chất vấn các đối tượng thuộc các lĩnh vực đặc biệt của chính quyền thành phố. Các đại biểu được phép phát biểu 5 phút tự do về các vấn đề đại biểu đó quan tâm, hay các chủ đề cần thảo luận sâu. Tất cả các phát biểu phải thông báo và được sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng; khi có vấn đề liên quan đến cá nhân đại biểu thì đại biểu đó phải phát biểu giải trình. Tại các kỳ họp, Uỷ ban thanh tra (được cấu thành từ các chuyên gia thuộc các lĩnh vực) phối hợp với Uỷ ban đặc biệt tiến hành dự báo tình hình, đề xuất các giải pháp và báo cáo lên Hội đồng, Hội đồng sẽ tiến hành xem xét, biểu quyết và ban hành Nghị quyết thi hành. Khi Hội đồng nhân dân tổ chức các kỳ họp, Thị trưởng thành phố và một số cơ quan quản lý nhà nước được mời tham gia. Ngoài ra, các cử tri, sinh viên các Trường đại học cũng được phép tham gia và quan sát kỳ họp với điều kiện phải đăng ký trước và được sự đồng ý của Thường trực Hội đồng.
   

Hội trường họp của Hội đồng thành phố vốn là Nhà hát lớn được xây dựng từ thời Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc và được giữ nguyên cho đến ngày nay vì nơi đây chứng kiến lễ trao trả độc lập cho Hàn Quốc sau khi Nhật bại trận trong Thế chiến thứ 2. Chỗ ngồi của đại biểu phân theo khu vực của các đảng phái chính trị. Mỗi đại biểu có 01 ghế (vị trí) cố định trong suốt cả nhiệm kỳ cùng với một máy tính nối mạng và các thiết bị điện tử phục vụ cho hoạt động tại kỳ họp, đại biểu nghiên cứu tài liệu, đăng ký phát biểu và biểu quyết bằng máy tính. Kết quả biểu quyết được hiển thị công khai trên 02 màn hình lớn. Các đại biểu Hội đồng  thành phố chủ yếu hoạt động chuyên trách, chủ động xây dựng chương trình hoạt động theo những nội dung đã vận động bầu cử; chủ động tiếp xúc cử tri và giám sát việc thực hiện các Nghị quyết do Hội đồng thành phố ban hành.
    

Đối với Hội đồng tỉnh Gyeonggy về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động cơ bản như của thành phố Seoul. Tỉnh này có dân số khoảng 12 triệu, là tỉnh đông dân nhất Hàn Quốc, diện tích khoảng 10.000 km2. Ngoài tỉnh lỵ là thành phố Suwon còn có khoảng 30 thành phố nhỏ khác. Hội đồng tỉnh có 131 đại biểu, có 11 Ủy ban Thường trực và một số Ủy ban đặc biệt. Do tỉnh này không đơn thuần là đô thị mà còn có cả khu vực nông thôn nên Ủy ban Thường trực gồm: Uỷ ban điều hành (Văn phòng), Kế hoạch, Kinh tế và Đầu tư, Các vấn đề chung, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Nông - lâm - ngư nghiệp, Y tế và phúc lợi xã hội, Giao thông - Xây dựng, Môi trường đô thị, Phụ nữ - Gia đình và thành niên, Giáo dục.
    

Trong thời gian ở Hàn Quốc, Đoàn đến trao đổi, học tập và ngiên cứu kinh nghiệm về Phong trào làng mới (Phong trào đổi mới nông thôn). Đoàn đã tham quan bảo tàng nông thôn Hàn Quốc trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, những mô hình cụ thể, những thành tựu đạt được qua quá trình thực hiện và được đại diện Ban quản lý phong trào làng mới của bạn trao đổi những kinh nghiệm khá cụ thể. 
   

Đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 85 USD. Hầu hết người dân không đủ tiền mua lương thực, nền kinh tế lúc đó là thuần nông nên những trận lũ lụt, hạn hán triền miên đã có lúc gây ra nạn đói không bỏ sót một vùng đất nào. Đến năm 1970, 70% dân số Hàn Quốc sống ở nông thôn và 80% trong tổng số đó sống trong nhà tranh, vách đất, thất học, đói ăn. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Chính phủ thời đó là đẩy lui nạn đói nghèo. Sau chuỗi trận lụt khủng khiếp năm 1969, người dân phải tự lực cánh sinh sửa đường, sửa nhà. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng trợ giúp của nhà nước sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân không có quyết tâm tự lực. Khuyến khích nội lực trong cộng đồng, mở rộng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau là chìa khóa phát triển nông thôn. Bài học từ những trận lụt đó đã khai sinh cho ý tưởng Saemaul Undong - Phong trào đổi mới nông thôn. (Saemaul theo tiếng Hàn Quốc là sự đổi mới của cộng đồng).
    

Phong trào đổi mới nông thôn được xây dựng trên 3 trụ cột chính: Chuyên cần - Tự lực - Hợp tác. Ba trụ cột đó là những giá trị xuyên suốt quá trình phát triển nông thôn của Hàn Quốc. "Chuyên cần" là động cơ tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để thành công; "Tự lực" là ý chí, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân; "Hợp tác" là phát triển phải nhờ vào nỗ lực chung của tập thể. "Tinh thần Saemaul" đã quyết định thành công của công cuộc đổi mới nông thôn và đã được người dân Hàn Quốc xem như "hạt nhân tinh thần" của công cuộc xây dựng một xã hội tiên tiến và quốc gia thịnh vượng. Các dự án của phong trào tập trung giải quyết 3 vấn đề: 1) nâng cao nhận thức, 2) xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường, 3) tăng thu nhập của người dân.
     

Trong thời gian đầu, Chính phủ đã nhìn thấy tiềm lực của Saemaul Undong nhưng không có tiền để đưa các dự án về nông thôn. Những khoản vốn nhỏ giọt chỉ dành thực hiện trong 10 nội dung thí điểm: Mở rộng và cứng hóa đường nông thôn; kiên cố hóa mái nhà, bếp, tường rào; xây cầu; nâng cấp hệ thống thủy lợi; mở địa điểm giặt và giếng nước công cộng. Năm 1971, Chính phủ cấp không thu tiền cho 33.267 làng, bình quân mỗi làng 355 bao xi măng. Hệ thống tự quản của làng tự quyết định phương án sử dụng xi măng. Đất làm đường huy động người dân đóng góp, người dân tự bỏ công sức lao động để thực hiện nhiệm vụ do chính quyền cấp làng đề ra. Sang năm 1972, ở những làng có kết quả tốt, mức đầu tư của Chính phủ tăng lên 500 bao xi măng và 1 tấn sắt, thép. Nhờ đó mà nông thôn nước Hàn đã thay đổi mạnh mẽ. Trên 33 nghìn làng bắt đầu được chia làm 3 thứ hạng, mỗi thứ hạng nhận được mức hỗ trợ khác nhau từ nhà nước. Ngoài việc hỗ trợ phát triển hạ tầng và tăng cường các cơ sở đào tạo nghề nông, Chính phủ khuyến khuyến khích việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại giống mới vào sản xuất như nấm, rau quả, cây lương thực, khuyến khích mở rộng thị trường... Đời sống khu vực nông thôn được nâng cao rõ rệt. Năm 1974, thu nhập ở nông thôn vượt thu nhập ở thành phố. Năm 1979, 98% làng ở Hàn Quốc đã có thể tự lực kinh tế. Tinh thần Saemaul Undong vượt biên giới làng quê, lan tỏa đến thành phố, vượt quy mô hộ gia đình đi vào các trường học, công sở, nhà máy. Cùng lúc đó Chính phủ  Hàn Quốc áp dụng chính sách miễn thuế xăng dầu, máy móc nông nghiệp, giá điện rẻ cho chế biến nông sản, cho nông dân thuê máy nông nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư về nông thôn lãi suất giảm 2% so với đầu tư vào ngành nghề khác... Từ năm 1971 - 1978, Phong trào đổi mới đã đạt được những kết quả to lớn: cứng hóa đường liên thôn, xã: 43.631 km; Cứng hóa đường làng ngõ xóm: 42.220 km; Xây dựng cầu nông thôn: 68.797 cầu; Kiên cố hóa đê, kè: 7.839 km; Xây hồ chứa nước các loại: 24.140 hồ; Điện khí hóa nông thôn: 98% hộ có điện thắp sáng.
   

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã nhận ra tầm quan trọng của người đứng đầu các dự án, vì vậy, sau một năm triển khai phong trào, đã thành lập "Viện đào tạo lãnh đạo Saemaul". Mỗi xã được cử một cán bộ đi học. Khóa học nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình của từng cá nhân và nêu gương của người lãnh đạo. Những học viên này sẽ là người lãnh đạo, hướng dẫn dân làng, đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của các dự án. Phong trào cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc vận động gia đình và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện đổi mới nông thôn tại địa phương. Những thành tựu của phong trào làng mới Hàn Quốc đang được nhiều quốc gia châu Á, châu Phi cử các chuyên gia, sinh viên đến học tập. Hiện nay phong trào này đang hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước, xã hội, con người Hàn Quốc: 1) xanh, 2) pháp quyền, 3) hạnh phúc, 4) hòa nhập.
    

Đến thăm và chào Đại sứ quán nước ta tại Hàn Quốc, ông Trần Trọng Toàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta đã thân mật đón tiếp và thông báo về một số nét chính trong quan hệ ngoại giao Việt - Hàn. Sau 20 năm, giao dịch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng 26 lần, đầu tư đã tăng lên 100 lần. Hiện có khoảng gần 11 vạn người dân nước này sinh sống và làm việc ở nước kia. Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 60 vạn người dân Việt Nam và Hàn Quốc thăm viếng, qua lại lẫn nhau. Nhân dân Việt Nam đang dần trở thành những người láng giềng thân cận của nhân dân Hàn Quốc. Số học sinh Việt Nam du học tại Hàn Quốc ngày càng tăng lên. Lao động nữ Việt Nam được đánh giá cao ở Hàn Quốc.
    

Rời Hàn Quốc - đất nước vốn được coi là xứ sở của Linh chi và Kim chi- một câu hỏi đặt ra là: Tại sao một đất nước vốn nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, bị chiến tranh tàn phá đã vươn lên trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế phát triển cao nhất thế giới, có một nền khoa học và công nghệ hiện đại. Phải chăng đó là tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại diện được người dân tin tưởng bầu ra; là ý chí tự lực, tự cường, sự cống hiến quên mình vì cộng đồng chung của mỗi công dân Hàn Quốc; là sự tự tin, tính sáng tạo, biết đề cao vai trò của nền kinh tế tri thức... đã làm nên những thành tích to lớn của đất nước này.

Nguyễn Huệ - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

More