Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 638

  • Tổng 2.883.453

Khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thức đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX tại tỉnh Quảng Bình

Post date: 12/12/2023

Font size : A- A A+

 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “ Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”  Tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, Đảng ta  khẳng định: “ Thực hiện Chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số”.

 

Xác định rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số,  Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong những năm qua, Kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, do vậy, bên cạnh các lĩnh vực khác, tỉnh ta đang đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể nhằm giúp các HTX tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới.

 

Đến nay toàn tỉnh có 475 HTX. Uớc tính có khoảng 60 HTX SXKD gắn với chuỗi giá trị, quy mô, hiệu quả hoạt động có sức lan tỏa ra cộng đồng; tính đến cuối năm 2022 có 12 sản phẩm OCOP 4 sao và 80 sản phẩm OCOP 3 sao của 60 HTX trong tỉnh; khoảng  20 % HTX áp dụng Công nghệ cao, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và SXKD. Có khoảng 30 % HTX giới thiệu, bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, web site, google, face book…. Một số HTX cơ bản đã đáp ứng yêu cầu áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ, cài đặt các ứng dụng từ hệ thống phần mềm và sử dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh... như HTX sản xuất Nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, HTX Dược liệu sạch xã Cự Nẫm, HTX chế biến thủy sản Vương Đoàn, HTX chăn nuôi sạch Nam Hồng Quảng, Quỹ tín dụng nhân dân như Quỹ Nhân Trạch, Quỹ TDND Vạn Trạch, Quỹ TDND Đại Trạch…

 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Thứ nhất, Về thể chế, chính sách: Chuyển đổi số là một nội dung mới nên các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực Kinh tế tập thể, HTX để thực hiện chuyển đổi số còn rất ít. Các nghị quyết, Đề án phát triển Kinh tế tập thể, HTX chưa lồng ghép với các tiêu chí về chuyển đổi số.

 

Thứ hai, Về nhận thức:  Công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của khu vực Kinh tế tập thể chưa được quan tâm thực hiện, chưa ứng dụng CNTT vào công tác báo cáo hoạt động SXKD, xây dựng báo cáo tài chính nên số liệu báo cáo liên quan đến Khu vực Kinh tế tập thể thường không đầy đủ; tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương còn ít.

 

Thứ ba, Về nguồn nhân lực: Một số ít HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, tuy nhiên con số này chiếm tỷ lệ thấp và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính. Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay Quảng Bình có 1425 cán bộ quản lý HTX, trong đó  trình độ sơ cấp, trung cấp 787 người, chiếm 55,2 %; trình độ cao đẳng, đại học 313 người, chiếm 22 %; còn 325 cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo qua các trường lớp giáo dục nghề nghiệp, chiếm 22,8%.

 

Thứ tư, Về Công nghệ, hạ tầng số: Trên thực tế một số ít  HTX đã quan tâm đầu tư công nghệ, hạ tầng số, chú trọng đến việc xây dựng những bộ  nhận diện số như Chữ ký số để khai báo thuế, xây dựng website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, tuy nhiên, hầu hết các HTX không tự làm chủ những phương tiện này. Hoạt động vận hành, khai thác vẫn chưa được quan tâm sâu sắc và thực hiện qua đơn vị thứ ba dẫn đến hiệu quả không cao. Mặt bằng chung  cho thấy cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX, nhất là các HTX ở lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn lạc hậu.  Nhiều HTX chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet và còn rất xa lạ với các phần mềm như phần mềm: kế toán, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng…

 

Thứ năm, Về năng lực tài chính:  Tỉnh ta có hơn 60%  trong tổng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ( 314 HTX NN/ 475 HTX) , chủ yếu SXKD theo lối truyền thống nên còn hạn chế nguồn vốn và khả năng huy động vốn không cao. Nguồn lực được phân bổ còn hạn chế, việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất chế biến còn thiếu quy hoạch, chưa được giải quyết kịp thời. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn.

 

 

 

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết, được xác định là Chìa khóa tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng nhưng riêng tại khu vực HTX vẫn còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Điều này đòi hỏi các HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số để thích nghi với tình hình.

 

Để thực hiện được điều đó, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

 

1/Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho khu vực Kinh tế tập thể, HTX thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện bổ sung nguồn vốn trung hạn cho các dự án đầu tư công có chuyển đổi số đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX.

 

2/Tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX ở các cấp, các cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.

 

3/ Xây dựng hệ thống thông tin quản lý Nhà nước về HTX. Đặc biệt là xây dựng nền tảng số cho phép từng bước số hóa mọi quy trình, hoạt động quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu quản lý, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin HTX. Ứng dụng Công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm của HTX nông nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với hệ thống quảng bá, thương mại sản phẩm trên sàn thương mại điện tử B2B ( bán sỉ) và B2C ( bán lẻ).

 

4/ Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực kinh tế  tập thể, HTX cần chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, gắn với tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

 

 

Chuyển đổi số góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, qua đó đóng góp vào định hướng xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển.

 

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Hoàng Kim Dung,

Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới ại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

More