Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 25

  • Hôm nay 12932

  • Tổng 2.977.837

Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Post date: 18/07/2023

Font size : A- A A+

 

Tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trường Sơn về vấn đề "lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài".

 

Do mức chênh lệch về thu nhập quá lớn

 

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: Do mức chênh lệch về thu nhập quá lớn giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động ở nước ngoài, giữa lao động làm việc theo hợp đồng và lao động làm việc ngoài hợp đồng (bất hợp pháp); nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động còn hạn chế.  

 

Đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn Giám đốc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội.

 

Đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, quy định về quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn một số kẽ hở dẫn đến những bất cập, thiếu chặt chẽ, đồng bộ trong công tác quản lý giữa các cấp, ngành (đặc biệt là quy định về xử phạt hành chính đối với người lao động bỏ trốn, tuy nhiên đối tượng bỏ trốn lại đang ở nước ngoài nên rất khó xử lý). Mặt khác, do chế tài xử lý của một số nước sở tại đối với lao động bất hợp pháp và người sử dụng lao động bất hợp pháp chưa nghiêm. Việc hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước còn nhiều bất cập, khó khăn…

 

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Trần Nam chất vấn thêm: Thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã cố tình vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp, gây ra rất nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến uy tín hợp tác quốc tế của tỉnh, làm mất cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của nhiều lao động khác. Qua thực tế tìm hiểu có thể thấy mức giá dịch vụ xuất khẩu lao động thường cao hơn rất nhiều so với mức trần quy định (phí không chính thức), buộc người lao động phải vay ở nhiều nguồn tín dụng khác nhau dẫn đến tình trạng khi ra được nước ngoài là muốn bỏ trốn ra ngoài làm việc để có thu nhập cao hơn, trả nợ nhanh hơn. Vậy đồng chí Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

 

Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa lao động bỏ trốn

 

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trường Sơn đã thẳng thắn thừa nhận: “Việc để xảy ra tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân khách, chủ quan khác nhau, nhưng với chức năng quản lý nhà nước của ngành, tôi tự nhận thấy có trách nhiệm chung của ngành và cá nhân tôi trong đó”. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, về mức phí dịch vụ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài đã được quy định cụ thể tại Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp ngoài việc thực hiện theo luật vẫn lách luật để thu thêm 1 số kinh phí không chính thức, dẫn đến đẩy chi phí của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài cao hơn quy định.  

 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội trả lời chất vấn của các đại biểu.

 

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trường Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường triển khai thực hiện một số giải pháp, cụ thể là tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách pháp luật, thông tin thị trường lao động đến với người lao động, đặc biệt là lao động tại khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Đồng thời, xây dựng cơ chế để ràng buộc trách nhiệm của người lao động khi thực hiện hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài như ký quỹ, thế chấp tài sản; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cung cấp các thông tin liên quan về người lao động để thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm.

 

Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thẩm định chặt chẽ hồ sơ pháp lý của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và giới thiệu, kết nối những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực pháp lý, có kinh nghiệm, uy tín đến với các địa phương để tuyển chọn, tạo nguồn lao động.

 

Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tăng cường đề xuất và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia thị trường lao động ngoài nước. Mở rộng thị trường lao động thông qua hình thức thực hiện thỏa thuận về hợp tác lao động với một số nước để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mức chi phí thấp, an toàn. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng, tư vấn chính sách pháp luật cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.  

Đại biểu Phan Trần Nam tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội về vấn đề giá dịch vụ xuất khẩu lao động.

 

Đại biểu Phan Trần Nam tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về vấn đề giá dịch vụ xuất khẩu lao động.

 

Đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quản lý cả chiều đi, chiều về và tình trạng thực hiện hợp đồng lao động của người lao động để thuận tiện trong việc thông tin, liên lạc, vận động người lao động chấp hành hợp đồng và kết nối, hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động khi về nước. Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội trong phối hợp quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành hợp đồng, về nước đúng thời hạn. 

 

UBND tỉnh: Quyết không để xảy ra tình trạng “quýt làm, cam chịu”

 

Tại phiên chất vấn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong cũng đã phát biểu làm rõ thêm về vấn đề này. Đồng chí khẳng định: Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương rất đúng đắn, đây là phương thức giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo có hiệu quả, đặc biệt là đối với vùng nông thôn. Tuy vậy, hiện nay tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài rất phổ biến, nhất là chương trình của tỉnh ta với tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) đã có 41/46 lao động bỏ trốn, buộc chương trình phải ngừng lại, gây hậu quả nghiêm trọng.  

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong phát biểu tại phiên chất vấn về vấn đề lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong phát biểu tại phiên chất vấn về vấn đề lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, có thể lý giải nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do mức chênh lệch thu nhập giữa lao động có hợp đồng và lao động bất hợp pháp khá cao; ý thức trách nhiệm của người lao động quá kém; chế tài xử lý chưa đủ mạnh… UBND tỉnh đã kiểm tra việc thực thi công vụ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các ngành, đơn vị liên quan hoàn toàn theo đúng pháp luật… Tuy nhiên, đây là tình trạng chung trong cả nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã buộc phải tạm dừng việc xuất khẩu lao động đối với một số địa phương có số lượng lao động bỏ trốn cao, Quảng Bình chưa nằm trong số đó, nhưng cũng đã đến mức báo động. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh cam kết trước HĐND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, quyết không để xảy ra tình trạng “quýt làm, cam chịu”.

 

Sau khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu về thực trạng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cố tình vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật cho người lao động. Xây dựng cơ chế để ràng buộc trách nhiệm của người lao động khi thực hiện hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài như ký quỹ, thế chấp tài sản…

 

Đồng thời, mở rộng thị trường lao động thông qua thỏa thuận hợp tác với các nước để hỗ trợ người lao động với mức chi phí thấp, an toàn. Tại buổi làm việc với Đoàn Hội đồng nghị sỹ tỉnh Yamanashi, Nhật Bản có đặt vấn đề thúc đẩy hợp tác về xuất khẩu lao động giữa 2 tỉnh, không qua khâu trung gian nhằm giảm chi phí cho người lao động, do vậy, cần nghiên cứu để liên kết đào tạo nghề, hợp tác xuất khẩu lao động.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong: Quảng Bình hiện có khoảng 10-12 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài, với mức thu nhập từ 20-45 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm số ngoại tệ mang về cho tỉnh nhà tương đương 3 nghìn tỷ đồng. Mỗi người xuất cảnh, đồng nghĩa với một hộ thoát nghèo. Nhờ đó bộ mặt nông thôn tỉnh ta đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, hộ nghèo giảm rõ rệt.

More