Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 21

  • Hôm nay 1125

  • Tổng 2.883.940

Tình hình KT-XH tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVIII

Post date: 12/12/2023

Font size : A- A A+

 

 

Năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều so với dự báo. Nhiều nên kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Nợ công toàn cầu tăng mạnh. Trong nước, hoạt động xuất, nhập khẩu bị tác động do suy giảm nhu cầu của thị trường quốc tế, nhất là các đối tác lớn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn; thị trường bất động sản trầm lắng… đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của Nhân dân.

 

Mặc dù vậy, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, đồng thuận, chung tay đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 đã đạt những kết quả quan trọng. 17/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21% - đây là mức tăng trưởng khá cao trong điều kiện khó khăn của năm 2023. Cơ cấu kính tế chuyển dịch đúng hướng. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách đến Quảng Bính ước đạt 4,5 triệu, gấn 2,1 lần so với cùng kỳ, kéo theo các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch tăng trưởng mạnh và đóng góp lớn nhất (3,56%) vào tăng trưởng kinh tế chung của năm 2023. Tiếp đến là khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

 

 Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức công bố - đây là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, tổ chức quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, cũng như tổ chức xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch, đường ven biển... được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác khám chữa bênh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đời sống văn hóa, tinh thần; công tác an sinh xã hội được quan tâm. Lĩnh vực giáo dục, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng – an ninh được giữ vững. Đã tổ chức đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và 04 khâu đột phá của nhiệm kỳ để tiếp tục đề ra những giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

 

Qua các tiếp xúc cử tri và nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, chúng tôi thấy rằng Nhân dân, cử tri trong tỉnh rất vui mừng, phấn khởi với những kết quả đã đạt được của tỉnh ta trong năm 2023; đồng thời, cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến các tầng lớp Nhân dân và cử tri băn khoăn, lo lắng. Tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi... vẫn ở mức cao. Tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Trong lĩnh vực công nghiệp, một số ngành như: may mặc, dăm gỗ, ván ép từ gỗ, clinker... gặp nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí vật liệu tăng, nhiều cơ sở phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động trong tỉnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, kéo dài làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các quyền lợi chính đáng của người lao động. Nợ đọng thuế giảm mạnh so với thời điểm 31/12/2022 (giảm 23,3%) nhưng vẫn ở mức cao trong điều kiện hụt thu ngân sách năm 2023, số thuế còn nợ là 776 tỷ đồng. Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, tỷ lệ giải ngân vốn tăng khá so với cùng kỳ nhưng vẫn chậm so với kế hoạch; có dự án còn vướng mắc về thủ tục, một số chủ đầu tư chưa nâng cao trách nhiệm, năng lực đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài. Số lượng doanh nghiệp đăng ký, cũng như tổng số vốn đăng ký giảm mạnh so với cùng kỳ. Về du lịch, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao, nhưng cơ sở hạ tầng du lịch chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn gặp nhiều khó khăn.

 

Nhân dân mong muốn HĐNĐ tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các quyết sách, giải pháp phù hợp, đồng bộ, có hiệu quả để khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội.

 

 

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Tuyên Hóa đã tiếp xúc cử tri và có buổi làm việc với UBND huyện, các cơ quan, phòng, ban, ngành của huyện liên quan đến các vấn đề còn vướng mắc của địa phương và những vấn đề cử tri của huyện Tuyên Hóa quan tâm. Trong đó, có một số vấn đề đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết cụ thể như sau:

 

1. Tuyên Hoá có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 94.268,4 ha, chiếm 83,5% với độ che phủ rừng trên 77,4%. Trên địa bàn huyện có hơn 6.500 hộ được giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, nhiều hộ phản ảnh, nhiều năm nay, các hộ không được cấp kinh phí nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Để đảm bảo quyền lợi, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng, nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng, đề nghị Tỉnh rà soát các đối tượng và sớm bố trí nguồn kinh phí từ nguồn quỹ các bon để hỗ trợ cho người dân và các tổ chức được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.

 

2. Tuyên Hóa là một huyện miền núi bị chia các bởi nhiều đồi núi, sông suối nên thường xuyên bị lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lỡ, các khu tái định cư, đàm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trước thời tiết cực đoan, trên địa bàn huyện phát sinh 5 điểm sạt lở bờ sông, 02 điểm sạt lở núi cần có các giải pháp để đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá hiện trạng và xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ.

        

3. Tuyến đường Quốc lộ 12A đoạn từ xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch) đến xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Cử tri huyện Tuyên Hóa đã có kiến nghị và Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, việc sửa chữa còn chắp vá và chưa khắc phục hết các điểm hư hỏng trên tuyến. Cử tri huyện Tuyên Hóa tiếp tục đề nghị Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu để có phương án đầu tư một cách tổng thể nhằm đảm bảo an toàn đi lại cho bà con nhân dân.

 

4. Trên địa bàn huyện, một số đơn vị kinh doanh, khai thác khoáng sản có nợ đọng thuế khá lớn, ảnh hưởng cân đối thu chi của huyện và một số xã. Mặc dù cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa có hiệu quả, nợ thuế của các đơn vị này ngày càng tăng. Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa – Minh Hóa đã có văn bản đề nghị tỉnh thu hồi Giấy phép khai thác khoảng sản của Công ty cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thanh và Công ty TNHH xây dựng Đại Phúc sông Gianh. Đề nghị Tỉnh thực hiện các thủ tục thu hồi Giấy phép khai thác khoảng sản của 02 Công ty trên như đề nghị của cơ quan thuế.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Nguyễn Hoài Nam,

Tổ đại biểu huyện Tuyên Hóa tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

More