Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 590

  • Tổng 3.022.621

Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh

Post date: 13/10/2023

Font size : A- A A+

 

Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu ở kỳ trước, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể đó là:

 

- Về tổ chức và điều kiện bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức: Nhìn chung lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa quyết liệt, thiếu chủ động trong triển khai thực hiện pháp luật và thực hiện chỉ đạo của cấp trên; có tâm lý ngại việc khó, đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan (nhất là trong việc xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông - ATGT). Quan hệ phối hợp của một số các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được chặt chẽ, nhất là giữa chính quyền cơ sở và một số đơn vị quản lý đường bộ. Việc bố trí lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tại một số huyện chưa tương ứng với diện tích và quy mô dân số và tình hình TTATGT nên chưa đáp ứng nhu cầu tuần tra, kiểm soát (TTKS) khép kín địa bàn; vẫn còn một số sĩ quan, chiến sĩ không được đào tạo chuyên ngành CSGT (chỉ mới qua tập huấn và cấp chứng chỉ). Các cơ quan chuyên môn chưa quan tâm tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác bảo đảm TTATGT đối với các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã (trong 5 năm, từ 2018 - 2022 không tổ chức cuộc thanh tra nào). Việc trang bị công cụ, phương triện cho các lực lượng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, TTKS giao thông còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; công cụ phương tiện vừa thiếu, vừa cũ, hư hỏng nhiều không sử dụng được. Công an một số địa phương cấp huyện chưa được đầu tư xây dựng kho, bãi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính và vật chứng trong các vụ án hình sự nên việc niêm phong, bảo quản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm các quy định của pháp luật có thể bị khiếu nại, khởi kiện của chủ phương tiện.

 

- Về công tác ban hành văn bản triển khai thực hiện; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Một số cơ quan chuyên môn chưa kịp thời rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật khi các luật, nghị định, thông tư làm căn cứ ban hành văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc nội dung không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội (đơn cử như Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý đường đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình). Nhìn chung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa thực sự tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, tính phong trào mà chưa thiết thực, chưa tiếp cận được với các thành phần, nhóm đối tượng vi phạm pháp luật phổ biến. Một số mô hình bảo đảm TTATGT được các cấp, các ngành đánh giá đem lại hiệu quả cao nhưng chưa được nhân rộng.

 

- Về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB: Thời gian qua mặc dù đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh, UBND cấp huyện quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và giao thông nông thôn, tuy nhiên hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và hoạt động vận tải của người dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng GTĐB chưa tương ứng với sự gia tăng của phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Quốc lộ 1A đã được đầu tư mở rộng nhiều năm nhưng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên tuyến này vẫn chưa được đầu tư mở rộng nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Một số tuyến đường đèo dốc quanh co nhưng mặt đường hẹp trong khi phương tiện giao thông lưu thông với mật độ cao nhưng chưa được đầu tư mở rộng nên thường xuyên gây ra tai nạn giao thông (như tuyến Quốc lộ 12A đoạn qua các xã Trọng Hóa, Dân Hóa - huyện Minh Hóa; Đường Hồ Chí Minh đoạn Bắc đèo Đá Đẻo); một số tuyến đường xuống cấp gây ra nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời hoặc được đầu tư sửa chữa “chắp vá” dẫn đến tình trạng tiếp tục xuống cấp trong thời gian ngắn (như tuyền Quốc lộ 12A đoạn qua xã Mai Hóa, xã Tiến Hóa và xã Cảnh Hóa). Chất lượng xây dựng của một số công trình hạ tầng giao thông chưa cao nên nhanh chóng xuống cấp sau khi đưa vào sử dụng. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua khu đông dân cư nhưng chưa được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng làm hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông vào ban đêm là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông; một số tuyến đường còn bị ngập lụt về mùa mưa lũ nhưng chưa được đầu tư khắc phục. Mặc dù việc bố trí quỹ đất dành cho giao thông đô thị theo tỷ lệ theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP; Nghị định số 64/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2018/NĐ-CP) nhưng nhìn chung các tuyến đường đô thị hiện nay phần lớn vẫn còn nhỏ, hẹp (kể cả các khu đô thị mới xây dựng) nên chưa đáp ứng nhu cầu khi phương tiện giao thông tại đô thị gia tăng nhanh. Việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị trên một số tuyến đường chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các chủ dự án, các nguồn vốn; nhiều dự án chậm tiến độ, chất lượng thấp vừa gây lãng phí nguồn lực vừa gây cản trở giao thông. Chưa thực sự quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng các bãi, điểm dừng đỗ xe ô tô gây khó khăn cho người dân sở tại và khách du lịch khi tham gia giao thông tại các đô thị (hiện nay các bãi đỗ xe khu vực đô thị không đáp ứng đủ nhu cầu). Các tuyến đường đô thị hiện nay (kể cả các tuyến đường trong các khu đô thị mới xây dựng) hầu hết chưa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông cho người khuyết tật theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Việc quản lý hành lang ATGT tại một số địa bàn còn lỏng lẻo; tình trạng xây dựng trái phép trong hành lang ATGT vẫn còn xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm; việc lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT để hàng hóa, vật liệu, kinh doanh buôn bán, phơi nông sản gây cản trở giao thông xảy ra còn khá phổ biến trên các tuyến đường.

 

- Về công tác quản lý phương tiện; đào tạo, sát hạch lái xe; quản lý hoạt động vận tải: Hiện nay ở một số địa phương vẫn tồn tại một số xe công nông, xe tự chế theo quy định không được phép tham gia giao thông mà chưa có biện pháp giải quyết triệt để (như ở huyện Tuyên Hóa hiệncó 64 xe công nông, 114 xe máy cày tự chế; huyện Minh Hóa có xe 20 xe công nông, 48 xe máy cày tự chế). Chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe vẫn còn có một số hạn chế; một số giáo viên, học viên vẫn còn nặng tâm lý, phương pháp dạy và học để vượt qua kỳ sát hạch mà chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, văn hóa giao thông, nhất là kỹ năng, kinh nghiệm điều khiển phương tiện cho học viên. Do đó, nguyên nhân vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ngoài ý thức chấp hành pháp luật vẫn còn có yếu tố nhận thức pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn hạn chế. Công tác quản lý vận tải hàng hóa vẫn còn một số bất cập, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định về vận tải; tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường vẫn còn xảy ra. Tình trạng một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và kinh doanh vận tải hành khách du lịch gom khách, đặt chỗ, bán vé thu tiền đối với từng hành khách (vi phạm quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), lập điểm dừng đỗ xe đón khách trái quy định xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để.

 

- Về công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật: Tình hình vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn còn phức tạp; tai nạn giao thông tuy có giảm qua hằng năm nhưng chưa bền vững và vẫn còn ở mức cao. Trong công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS) chủ yếu thực hiện thông báo công khai kế hoạch TTKS giao thông theo hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an (hình thức này người dân khó có điều kiện tiếp cận) mà chưa thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật. Công tác tuần tra, kiểm soát phần lớn theo hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường nên việc phát hiện vi phạm liên quan đến điều kiện về phương tiện và điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chiếm tỷ lệ lớn (như không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe, không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm,..). Việc sử dụng hình thức TTKS cơ động chưa nhiều, chưa kiểm soát hết địa bàn nên việc phát hiện hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (hành vi nguy hiểm trực tiếp gây tai nạn giao thông) chưa nhiều so với thực tế xảy ra trên các tuyến đường. Việc sử dụng phương tiện kỹ thuật như camera trong kiểm soát, phát hiện vi phạm còn hạn chế; việc thông báo cho người vi phạm phát hiện thông qua camera giám sát đôi lúc thiếu kịp thời, tỷ lệ xử lý còn thấp (chỉ đạt khoảng 25%). Hiệu quả TTKS phát hiện vi phạm chưa cao, trong 5 năm đã tổ chức 68.532 ca tuần tra, kiểm soát với 306.085 lượt sĩ quan, chiến sĩ tham gia nhưng chỉ phát hiện được 89.633 trường hợp vi phạm, như vậy với 3 lượt sĩ quan, chiến sĩ tham gia thì mới phát hiện chưa được 01 trường hợp vi phạm; số vụ vi phạm phát hiện còn ít so với tình hình vi phạm xảy ra trong thực tế. Tình trạng xe ô tô dừng, đỗ trái quy định gây cản trở, ùn tắc giao thông, làm che khuất tầm nhìn tại các điểm giao nhau trên các tuyến đường đô thị, nhất là ở địa bàn thành phố Đồng Hới (như dừng đỗ ngay tại các địa điểm có biến báo cấm dừng đỗ xe xảy ra công khai hằng đêm ở đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ ngã tư Bưu Điện tỉnh đến Khách sạn Lương Thực; tại các tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ như tuyến đường Hai Bà Trưng, đường Nguyễn Trãi, đường Dương Văn An; đỗ xe trong phạm vi 05m tính từ điểm đường giao nhau trên các tuyến đường khác;…) xảy ra khá phổ biến nhưng chưa được xử lý triệt để. Trong khi lực lượng Công an cấp huyện giảm do thực hiện Đề án bố trí Công an xã chính quy thì vai trò, trách nhiệm của Công an cấp xã chưa được phát huy trong việc kiểm soát địa bàn, phát hiện tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB ở các tuyến đường liên xã, đường giao thông nông thôn, đường nhánh ở các tổ dân phố (Tại Báo cáo của UBND cấp huyện không có số liệu xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực ATGT đường bộ). Việc bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ, phương tiện là vật chứng trong các vụ án hình sự còn bất cập, điều kiện chưa đảm bảo làm xuống cấp, giảm giá trị, rách nát niêm phong do không có nhà, kho, bãi có mái che để bảo quản nên phương tiệm tạm giữ thường để ngoài trời. Vẫn còn nhiều trường hợp chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành; chưa hướng dẫn thủ tục xem xét thực hiện miễn, giảm tiền phạt cho những người có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, hiệu lực các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa phát huy hết tác dụng răn đe và giáo dục phòng ngừa.

 

- Về xét xử các vụ án xâm phạm TTATGT: Chất lượng xét xử còn có phần hạn chế, số vụ án bị cấp phúc thẩm xét xử sửa và hủy bản án còn nhiều (trong 18 vụ đưa ra xét xử phúc thẩm có 13 vụ sửa và 01 vụ hủy án sơ thẩm). Còn nhiều vụ án Tòa án áp dụng loại và mức hình phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe và giáo dục trong điều kiện tai nạn giao thông xẩy ra còn nhiều, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp. Số bị cáo áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và phạt tù cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ còn cao (chiếm 79%). Việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong các vụ án vừa có người thiệt hại về tính mạng vừa có người bị thiệt hại về sức khỏe (nhưng thương tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc từ chối giám định thương tích) chưa thống nhất; ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng./.

 

                                                                         ■ Phạm Thái Quý

More