Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 628

  • Tổng 3.022.659

Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử

Post date: 10/08/2023

Font size : A- A A+

 

Ngày 22/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số tất cả các ngành, lĩnh vực. Luật gồm 8 Chương, 53 Điều, có một số điểm mới so với luật hiện hành. 

 

Toàn cảnh Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử


Về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dụng, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.


Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử: Luật Giao dịch điện tử quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. 


Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.


Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dung, điều kiện, phương thức của giao dịch. Để thống nhất với phạm vi điều chỉnh, các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử tại các Điều 9, 13 và 19 của Luật chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật. 


Về chữ ký điện tử, theo khoản 11 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.


Thời gian qua, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS)... không được coi là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan... và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.


Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại để phù hợp với thực tiễn hoạt động, nghiệp vụ của ngành ngân hàng, hải quan. Cụ thể Điều 12 quy định:


Thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy; thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi; trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 12 và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.


Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu; có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu; có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi; trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 12 và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.


Giá trị pháp lý của văn bản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật có liên quan. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.


Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V): Từ Điều 39 đến Điều 44, Luật quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử. Luật cũng quy định các Bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực của mình. Để đảm bảo tính linh hoạt, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về dữ liệu mở và điều kiện bảo đảm thực hiện.


Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI): Luật quy định chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử. 


Ngoài ra, Luật còn chỉnh lý quy định về trách nhiệm có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.


Xem chi tiết Luật Giao dịch điện tử tại đây./.


Phòng CTQH
 

More