Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 173

  • Hôm nay 5818

  • Tổng 4.011.040

Một số giải pháp nhằm thu hồi, xử lý các khoản nợ ngân sách trên địa bàn tỉnh

Post date: 10/07/2024

Font size : A- A A+

 

Qua công tác giám sát, theo dõi và báo cáo của UBND tỉnh và các sở, ngành thì hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đang có những khoản nợ ngân sách, tồn đọng lại nhiều năm có, phát sinh mới có, đó là: Nợ chính quyền địa phương gồm các khoản vay lại Chính phủ từ các dự án ODA nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh; Nợ đọng thuế, phát sinh do thực tiễn trong quá trình sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; Nợ Quỹ đầu tư địa phương phát sinh từ những năm trước khi thành lập Quỹ đầu tư địa phương; Nợ tạm ứng XDCB tại Kho bạc Nhà nước do các đơn vị tạm ứng nhưng chưa thu hồi được;...Cụ thể như sau:

 

Đối với khoản nợ do chính quyền địa phương vay lại: đến thời điểm 31/12/2023 mức nợ vay của tỉnh là 640,061 tỷ đồng; nằm trong hạn mức nợ vay cho phép theo Luật Ngân sách nhà nước và đang thực hiện lộ trình trả nợ theo các phương án vay và trả nợ vốn vay của Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đây là khoản vay lại để phục vụ phát triển KTXH của tỉnh theo quy định của Chính phủ và Luật quản lý nợ công năm 2017.

 

- Đối với khoản nợ đọng thuế: Thời gian qua, mặc dù cơ quan Thuế đã quyết liệt đôn đốc và cưỡng chế thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và chính quyền địa phương để xử lý nợ đọng thuế. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế còn hạn chế, nợ đọng thuế vẫn ở mức cao. Đến thời điểm 30/6/2024 tỏng nợ thuế toàn tỉnh là 2.750,6 tỷ đồng, tăng 1.631,7 tỷ đồng (tăng 145,8%) so với với thời điểm 31/12/2023, chiếm 18,7 % so với tổng thu ngân sách, cao hơn nhiều so với tỷ lệ cho phép của Bộ Tài chính (dưới 5%), trong đó nợ khó thu là 75,9 tỷ đồng. Điển hình các đơn vị có số nợ thuế cao như:

 

+ Nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn trong SXKD, thu hồi công nợ, khả năng thanh toán thấp dẫn đến nợ thuế như: Công ty CP sản xuất VLXD Cosevco I nợ 81,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình 38,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình 18,2 tỷ đồng; Công ty CP khoáng sản Đá Việt 16,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Việt Hà 9,2 tỷ đồng … 

 

+ Nhóm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản, khu nghỉ dưỡng chậm triển khai dự án làm phát sinh nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp lớn như: Công ty CP khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành 146,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần COSEVCO 6: 17,7 tỷ đồng; Công ty CP Du lịch Sài Gòn Quảng Bình 14,1 tỷ;…

 

+ Nhóm doanh nghiệp phát sinh tiền thuê mặt đất thu một lần cho cả thời gian thuê trong năm 2022 làm tăng đột biến tiền nợ thuế: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC: 294,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Sơn Hải Riverside: 60,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Việt Group Central: 24,5 tỷ đồng.

 

+ Một số đơn vị Cục Thuế tỉnh đưa vào Hệ thống quản lý thuế tập trung theo dõi nợ tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn làm tăng nợ tiền sử dụng đất theo kiến nghị của KTNN khu vực II như: Công Ty TNHH Sơn Hải Riverside: 1.027,4 tỷ đồng; Công Ty Cổ Phần Việt Group Central: 62,9 tỷ đồng; Công Ty TNHH Đầu Tư Xây Dựng Thanh Thiên: 47,2 tỷ đồng; Công Ty TNHH Xây Dựng Việt Tiến: 50,4 tỷ đồng và Công Ty TNHH XâyDựng Minh Tiến: 204,7 tỷ đồng. 

 

Đối với khoản nợ Quỹ đầu tư địa phương: khoản nợ này do Quỹ phát triển đất tiếp nhận từ Ngân hàng phát triển chuyển qua từ ngày 01/6/2012 với số dư nợ là 66,012 tỷ đồng (gốc: 55,346 tỷ; lãi: 10,576 tỷ), phát sinh tăng trong kỳ: 75,013 tỷ (gốc: 12 tỷ; lãi: 63 tỷ), đã trả 55,584 tỷ (gốc: 45,848 tỷ; lãi: 9,736 tỷ). Còn dư nợ đến ngày 30/6/2024: 84,401 tỷ (gốc: 21,586 tỷ; lãi: 62,815 tỷ (lãi suất trong hạn: 39,645 tỷ; lãi phạt do quá hạn thanh toán: 23,169 tỷ)).

 

Theo báo cáo của Quỹ phát triển đất tỉnh thì tình hình nợ của Quỹ ĐTĐP hiện nay chủ yếu là nợ xấu, có nguy cơ mất vốn do các doanh nghiệp vay nợ thực sự khó khăn, một số doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc dừng hoạt động; các hộ vay làm nhà ở không tìm được địa chỉ hoặc đã chết, già cả ốm đau bệnh tật; Khoản nợ Quỹ đường bay không xác định được đối tượng trả nợ; một số khoản nợ phải tái cơ cấu chờ doanh nghiệp vượt qua khó khăn mới có thể thu hồi được; một số doanh nghiệp có khả năng trả nợ thì đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn, giảm một phần lãi vay….Cụ thể:

 

+ Nhóm các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và có khả năng trả nợ với tổng số tiền 28,651 tỷ đồng, gồm Công ty Long Giang Thịnh, Công ty Cosevco 1, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh

 

+ Nhóm nợ không có khả năng thu hồi cần phải khoanh nợ với tổng số tiền 38,985 tỷ đồng,bao gồm các khoản nợ của các công ty đang làm thủ tục phá sản như: Công ty CN Tàu thủy Quảng Bình, Công ty Cosevco 6, nợ lãi của Công ty Đông Dương; các khoản nợ cho CBNV vay làm nhà ở từ những năm chia tỉnh 1990 nay có hoàn cảnh khó khăn, già yếu hoặc không tìm được địa chỉ, đã chết; khoản hỗ trợ 01 tỷ đồng cho Quỹ đường bay không xác định được người trả nợ và khoản nợ cho vay nuôi tôm do qua nhiều đầu mối quản lý nên hồ sơ bị thất lạc.

 

+ Nhóm các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, với tổng số tiền 16,765 tỷ đồng, gồm: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Hòn La, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Vinashin Quảng Bình.

 

Đối với khoản nợ tạm ứng quá hạn tại KBNN: Đến ngày 30/6/2024, tổng số dư tạm ứng quá hạn là 108,105 tỷ đồng, chiếm 4,95% tổng số dư tạm ứng; trong đó các dự án do địa phương quản lý là 107,092 tỷ đồng, dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý (thông qua Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) là hơn 1 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

 

- Các công trình, dự án phát sinh tạm ứng quá hạn từ năm 2020 đến nay là 83,181 tỷ đồng.

 

- Đáng lưu ý là các công trình, dự án phát sinh từ năm 2020 trở về trước có số nợ 24,924 tỷ đồng. Các khoản tạm ứng này đã quá thời hạn, khó thu hồi kéo dài qua nhiều năm. Nguyên nhân: dự án hết thời gian thực hiện dự án, dừng thực hiện dự án, không bố trí đủ kế hoạch vốn, bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn, nhà thầu phá sản, bị truy tố, dự án có khối lượng công việc hoàn thành nhưng nhà thầu không hợp tác để nghiệm thu thanh toán hoàn tạm ứng,…

 

Nhằm hạn chế việc phát sinh các khoản nợ mới và từng bước thu hồi, xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng qua nhiều năm, đề nghị UBND tỉnh quan tâm thêm các giải pháp để chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu triển khai thực hiện:

 

Thứ nhất, đối với khoản nợ đọng thuế:

 

Đề nghị Cục Thuế tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp thu nợ nhằm đảm bảo chỉ tiêu thu nợ và không để phát sinh nợ mới; tăng cường quản lý, đôn đốc nộp nợ thuế; áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định để thu nợ thuế đối với đơn vị chây ỳ, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế hiểu biết về chính sách pháp luật thuế, đặc biệt là chính sách xử lý nợ thuế để người nộp thuế biết được trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế.

 

Tiếp tục tập trung phân tích, xử lý số liệu nhằm nắm các đơn vị có số nợ tăng đột biến, từ đó đề xuất biện pháp thu nợ kịp thời; tăng cường quản lý và đôn đốc nộp nợ thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định để thu nợ thuế đối với những đơn vị chây ỳ, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước; thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để giảm nợ đọng do ngành Thuế quản lý; tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh tiến hành khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu nợ đọng thuế qua cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án của các doanh nghiệp.

 

Tiếp tục phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các ngành, UBND các xã, phường thị trấn và cơ quan Thuế đẩy mạnh công tác quản lý thuế, thu hồi nợ đọng thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản và tiền thuê đất trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức rà soát, xử lý thu hồi đất đối với cá nhân, hộ kinh doanh thuê đất nhưng đã giải thể, ngừng hoạt động...

 

Đối với khoản nợ Quỹ đầu tư địa phương:

 

Để việc thu nợ, xử lý nợ Quỹ đầu tư địa phương đạt kết quả thì cần phải có sự chỉ đạo mạnh mẽ của UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của các sở, ngành. Đặc biệt, cần xem xét thông qua Phương án xử lý nợ Quỹ đầu tư địa phương nhằm phân loại, cơ cấu, miễn, giảm, khoanh, xóa nợ phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng khoản nợ; qua đó, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng kéo dài nhiều năm qua và có thể thu hồi thêm được một phần vốn cho ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp có khả năng trả nợ.

 

Đối với khoản nợ tạm ứng KBNN

         

- Chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quản lý chặt sẽ số vốn đã tạm ứng, kịp thời nghiệm thu, thanh toán hoàn tạm ứng đúng chế độ quy định, không để phát sinh tạm ứng quá hạn, khó thu hồi. Xử lý nghiêm các Chủ đầu tư, Trưởng ban quản lý dự án có phát sinh tạm ứng quá thời hạn.

         

- Đối với các trường hợp rất khó thu hồi vốn tạm ứng của các chủ đầu tư: Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, Trường Đại học Quảng Bình, Sở Du lịch, Ban QLDA - ĐTXD và PTQĐ huyện Tuyên Hóa, Ban QLDA - ĐTXD và PTQĐ huyện Lệ Thủy, UBND xã Dân Hoá, Trung tâm dạy nghề huyện Minh Hóa, Ban QLDA - ĐTXD và PTQĐ huyện Minh Hóa. Đề nghị làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể và có phương án xử lý phù hợp; cần có các biện pháp xử lý quyết liệt hơn để thu hồi vốn tạm ứng, bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra toà theo quy định của pháp luật về dân sự.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Dương Văn Hùng,

Tổ đại biểu huyện Minh Hóa  tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

 

More