Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 160

  • Hôm nay 5461

  • Tổng 4.010.675

Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024, giải pháp tháo gở khó khăn trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư

Post date: 10/07/2024

Font size : A- A A+

 

Chúng tôi vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc tập trung, khẩn trương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp điều hành của Chính Phủ, của HĐND, UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và điều hành dự toán ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đã ưu tiên, thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá, thu ngân sách trên địa bàn đạt và vượt tiến độ dự toán giao; đăc biệt có khoản thu thuế xuất nhập khẩu đạt 780 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch cả năm. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn hơn 14.255 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước; đáng chú ý là vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước ước đạt hơn 11.224 tỷ đồng[1] (chiếm 78,7%) tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định; quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, sự kiện Kỹ niệm 420 năm hình thành tỉnh; 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày Tái lập tỉnh cùng Chương trình nghệ thuật “Quảng Bình - Hành trình khát vọng và phát triển”  đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được đông đảo cử tri và nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao.

 

Tuy nhiên, theo các báo cáo đánh giá về kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện dự toán ngân sách, kết quả giám sát và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cho thấy: Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn, nền kinh tế hồi phục chậm; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; nhiều vướng mắc về đầu tư, đất đai, môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để; số vốn chuyển nguồn và kéo dài sang năm 2024 nhiều. Công tác thu hồi nợ đọng thuế tuy đã được triển khai quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp tích cực như cưỡng chế, trích tài khoản; tạm hoãn xuất nhập cảnh…, nhưng nợ thuế vẫn gia tăng và nợ đọng đang ở mức cao, tổng số nợ thuế toàn tỉnh đến nay là 2.750,6 tỷ đồng, tăng 145,8% so với thời điểm 31/12/2023; Còn 5/17 khoản thu ngân sách chưa đảm bảo tiến độ dự toán giao; công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, việc tạo quỹ đất, giao mặt bằng sạch cho các dự án gặp nhiều khó khăn… v.v. Do đó, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2024 tỉnh cần có các biện pháp căn cơ, đủ mạnh để khơi thông điểm nghẽn, tạo cơ chế chính sách và điều kiện thúc đẩy hồi phục nền kinh tế, tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn để phát triển.

 

Tôi cơ bản thống nhất cao với các nhiệm vụ, giải pháp và công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch 6 tháng còn lại của năm 2024 như đã nêu; các ý kiến thảo luận của đại biểu; đề nghị các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư. Chỉ đạo xây dựng dự toán, kế hoạch đầu tư công năm 2025; chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 đảm bảo quy định, sát với tình hình thực tế; hạn chế việc chuyển nguồn, kéo dài thời gian giải ngân; gây ra lãng phí nguồn lực và chi phí cơ hội, nhất là các nhiệm vụ chi, các dự án lẽ ra được bố trí nguồn lực nhưng phải nhường ngân sách cho các ưu tiên không được giải ngân kịp thời; ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội của người dân.

 

Tại kỳ họp này tôi xin thảo luận làm rõ thêm một số nội dung góp phần tháo gở khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư như sau:

 

- Trong các báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện đầu tư công từ năm 2021 đến nay, năm nào giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm, chưa đạt yêu cầu; số vốn kéo dài giải ngân sang năm sau lớn; các báo cáo cũng đã phân tích rõ các nguyên nhân, tập trung chủ yếu là do công tác bồi thường GPMB, do dịch bệnh covid, do thủ tục thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rườm rà, do phê duyệt/điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian, do năng lực đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, đơn vị thi công, do thời tiết bất lợi…v.v. Tuy nhiên, qua theo dõi, giám sát chúng tôi thấy rằng: Những năm qua, việc ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án, phân bổ, điều chỉnh vốn, thông qua kế hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng rừng rất kịp thời…thậm chí có những dự án trình ngay trước kỳ họp vài ngày nhưng các Ban HĐND tỉnh đã tạo điều kiện tối đa, khẩn trương thẩm tra để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Theo các Báo cáo và Tờ trình của UBND tỉnh, còn nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm; việc thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của các dự án chậm, tỷ lệ đạt thấp so với chỉ tiêu đã được phê duyệt. Điều này cần phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc đề xuất danh mục, dự án. Cần thiết phải rà soát, cân nhắc kỹ trước khi trình để phù hợp với tiến độ chuẩn bị của từng dự án cụ thể; nếu không làm tốt việc này sẽ gây ra lãng phí trong đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất do hạn chế về quyền sử dụng đối với các diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đã được HĐND tỉnh thông qua.

 

- Công tác đền bù, tạo mặt bằng sạch cho các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm xử lý liên quan đến việc xác định giá đất, quy chủ sử dụng đất, áp giá đền bù… Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cần có giải pháp chỉ đạo tích cực hơn nữa trong việc khảo sát lập dự án, lập tổng mức đầu tư; công khai quy hoạch chi tiết các dự án; tuyên truyền cơ chế, chính sách về bồi thường GPMB cho người dân rõ. Bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác khảo sát, tham vấn cộng đồng, kiểm đếm, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải nắm chắc và hiểu rõ cơ chế chính sách của từng dự án, có kinh nghiệm thực tiễn để vận động, giải thích cặn kẻ cho dân; hiểu thấu tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế, chính sách thấu tình, đạt lý và phù hợp điều kiện thực tế theo từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Để làm tốt việc này, chủ đầu tư dự án cần phải xây dựng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư từ sớm, trong đó, quy định chi tiết, cụ thể các tiêu chí áp dụng, giá bồi thường để đảm bảo tính công bằng trong cùng một dự án và các dự án trên cùng một địa bàn; hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân so sánh, không đồng tình trong đền bù, dẫn đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo… Cần tăng cường hơn nữa việc quản lý công dân, đăng ký thường trú, tạm trú, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy chủ, thông báo cho các đối tượng liên quan về thực hiện bồi thường GPMB đối với các dự án trên địa bàn.

 

 

Khi triển khai 01 dự án (bất kể là dự án đầu tư công hay dự án của nhà đầu tư) đều phải tuân theo một quy trình hết sức chặt chẽ, từ thu xếp vốn, đề xuất dự án, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến giải ngân thanh quyết toán dự án. Phải qua rất nhiều khâu, nhiều thủ tục khá phức tạp liên quan đến nhiều sở, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và người dân trên địa bàn. Chủ đầu tư phải đủ năng lực để kết nối và làm việc với tất cả các đối tượng trên. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình về hoạt động đầu tư thấy rằng: Nhiều chủ đầu tư còn lúng túng; một số sở, ngành, đơn vị chưa làm hết vai trò trách nhiệm, chưa xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư; chưa chủ động tham mưu, đề xuất các phương án khả thi, hiệu quả để xử lý những khó khăn, vướng mắc khi có yêu cầu, đôi lúc còn đùn đẩy, né tránh... Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những “điểm nghẽn” cần khơi thông để phát triển, chúng ta không nên đá “quả bóng trách nhiệm” chạy quanh, dẫn đến mất nhiều thời gian, mất đi cơ hội, làm chậm tiến độ dự án, chậm giải ngân. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đặc biệt là người đứng đầu trong mỗi cơ quan, ban, ngành, các địa phương, chủ đầu tư, doanh nghiệp phải đổi mới trong nhận thức và hành động, điều chỉnh thái độ phục vụ, nhìn nhận và thực hiện đúng đắn, đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ được giao. Tập trung nghiên cứu giải quyết khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư.

 

 

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giải ngân trong thời gian qua là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chúng ta đang rất kỳ vọng vào đầu tư công, dùng đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân. Vì vậy, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 tỉnh đã rất quan tâm, tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, các dự án tạo động lực cho phát triển; xem đây là giải pháp quan trọng, có tính đột phá để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Điều đó hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, một thực tế là, muốn nâng cao hiệu quả đầu tư công, thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư cần phải có thời gian nhất định; phải đảm bảo các yếu tố nội lực và ngoại lực (về vốn, lao động, đất đai, vật liệu; cơ chế, chính sách, công nghệ…v.v). Trong bối cảnh chúng ta vừa thoát ra khỏi đại dịch covid, các chuổi cung ứng, sản xuất, lưu thông bị đứt gãy nên kinh tế hồi phục chậm. Do đó, khả năng hấp thụ vốn đầu tư công trong nền kinh tế của tỉnh chưa cao; năng lực, khả năng tiếp nhận của con người cũng như cơ sở vật chất chưa đáp ứng được dẫn đến quá tải… nếu tiếp tục chạy theo tiến độ và áp lực giải ngân như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

 

Vấn đề này, tôi đề nghị HĐND tỉnh cần xem xét, cân nhắc thêm trong việc phân bổ nguồn lực trong thời gian tới, định hướng rõ việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 phù hợp với điều kiện và khả năng đáp ứng, hấp thụ vốn của từng ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần có giải pháp căn cơ trong việc quy định về thời gian thực hiện dự án, thời gian bố trí và giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo hiệu quả.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Ngô Nữ Quỳnh Trang,

Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

 

More