Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 14

  • Hôm nay 770

  • Tổng 2.996.240

“Cần có các quy định đặc thù, thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân”

Post date: 11/09/2022

Font size : A- A A+

 

Ngày 08/9/2022, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, góp ý kiến về các dự án Luật và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã tham gia thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đây là phần lược ghi ý kiến phát biểu của đại biểu.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu góp ý Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

 

Theo đại biểu, để xác định được hành vi bạo lực gia đình, cần phải có định nghĩa rõ ràng và bao quát hết được tất cả các hành vi. Do đó, tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật giải thích về Bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bỏ từ “cố ý” do có thể bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ hành vi vô ý cũng có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế do quá tự tin hoặc do chủ quan theo quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự 2015.


Vậy nên, định nghĩa hành vi bạo lực gia đình là hành vi “cố ý” sẽ là kẽ hở khi định khung hình phạt đối với người gây bạo lực gia đình.


Đại biểu cũng đề nghị cần có các quy định đặc thù, thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân,… đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra bạo lực là trẻ em, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.


Đề nghị cân nhắc xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 3 quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi. Bởi vì, quy định về hành vi bạo lực gia đình nêu tại khoản 1 Điều này chỉ xác định là hành vi bạo lực gia đình khi xảy ra trong phạm vi giữa các thành viên trong gia đình với nhau; còn các hành vi xảy ra ngoài phạm vi gia đình thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, mà các trường hợp này tùy theo tính chất mức độ để xử lý theo quy định của các pháp luật chuyên ngành như pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hôn nhân và gia đình,… Theo đó, đề nghị xem xét quy định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con chứ không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ. Vì theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”, theo đó, mọi quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. 


Về giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc quy định tại Điều 27, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định nhằm phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín tại cộng đồng tham gia giám sát để nâng cao hiệu quả công tác giám sát./.


Phòng CTQH
 

More