Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 173

  • Hôm nay 5809

  • Tổng 4.011.030

Vấn đề giải quyết chế độ chính sách đối với người làm công tác khuyến nông, thú y viên cơ sở đã nghĩ việc nhưng không được hưởng chế độ thôi việc sau khi thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 và kiến nghị, đề xuất.

Post date: 10/07/2024

Font size : A- A A+

 

Trong những năm qua, HĐND tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều văn bản, nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trong toàn tỉnh, phải kể đến một số chính sách như: Chính sách quy định không thu học phí cho học sinh năm học 2022-2023; chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao; chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã do dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy … những chính sách này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT TQVN tỉnh, các cấp các ngành đối với đời sống và quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

Qua tiếp xúc cử tri tại địa bàn huyện Quảng Trạch, cử tri nhiều lần phản ánh là sau khi các đối tượng khuyến nông, thú y viên cơ sở nghĩ việc theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì Trạm khuyến nông huyện và UBND các xã là hai đơn vị ký hợp đồng lao động, không thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ thông báo cho các đối tượng này nghĩ việc và sau hơn 20 năm cống hiến cho ngành khuyến nông, thú y của tỉnh nhưng khi nghĩ việc không được hưởng một chế độ chính sách nào. Mặc dù đã có ý kiến qua nhiều lần với các kỳ tiếp xúc cử tri của đạị biểu Quốc hội, HĐND các cấp, các buổi tiếp dân của cấp tỉnh, cấp huyện suố 4 năm nhưng việc trả lời chưa thỏa đáng, chưa được giải quyết. Cử tri tiếp tục kiến nghị Trạm khuyến nông huyện và UBND các xã thanh lý hợp đồng lao động  và các cấp có thẩm quyền có chế độ trợ cấp thôi việc.

 

 

Qua trao đổi, tìm hiểu với Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ và các huyện, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới được biết khuyến nông viên, thú y viên ở cơ sở được bố trí Theo các quy định của HĐND và UBND tỉnh: Quyết định số 23/1998/QĐ-UBND ngày 11/5/1998 về việc thành lập Trạm khuyến nông huyện, thị xã; Quyết định số 3412/QĐ-UBND ngày 18/12/2006 về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thú y; Quyết định số 324/QĐ/UB ngày 23/3/1999 ban hành Quy chế tạm thời về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Trạm khuyến nông huyện, thị xã, bộ phận khuyến nông xã, phường thị trấn; Quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 09/6/2008 về việc ban hành Quy định tạm thời nhiệm vụ, quyền hạn và quản lý cán bộ thú y xã, phường thị trấn; Nghị quyết số 74/2007/NQ-HĐND thông qua mức phụ cấp cho cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ dân phố và điều chỉnh mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách, giáo viên mầm non ngoài biên chế ở các xã, phường, thị trấn. ...; theo đó khuyến nông cấp xã, phường thị trấn có một cán bộ chuyên trách được Trạm Khuyến nông huyện, thị xã hợp đồng và trả lương, phụ cấp; chịu sự chỉ đạo và quản lý của UBND xã, phường và thị trấn; chịu chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của trạm khuyến nông huyện, thị xã. Đối với ngành thú y mỗi xã, phường, thị trấn được hợp đồng một cán bộ thú y cấp xã. Cán bộ thú y cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hợp đồng làm việc sau khi đã thống nhất với Trưởng Trạm Thú y cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng cán bộ thú y. Trạm Thú y huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian sau này  sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trực thuộc sở Nông nghiệp & PTNT và Trạm Khuyến nông thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố. 

 

Trong những năm qua đội ngũ khuyến nông, thú y viên cơ sở luôn được coi là “cánh tay nối dài” của ngành khuyến nông, thú y và đã có những đóng góp phát triển kinh tế của địa phương, vào thành công chung của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phòng, chống và khống chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đây là đội ngũ lao động phải có chuyên môn, trình độ từ trung cấp trở lên mới tuyển dụng. Quá trình công tác hoàn thành nhiệm vụ, có đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương, chấp hành tốt pháp luật, quy định của đơn vị và cấp cơ sở. Không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tuy nhiên đội ngũ khuyến nông, thú y viên cơ sở vẫn trong diện giải quyết theo sắp xếp đôi dư, cụ thể: cán bộ khuyến nông và thú y viên cấp xã toàn tỉnh có 109 người, hiện thị xã Ba Đồn giữ lại 16 thú y viên cấp xã tiếp tục công tác, số khuyến nông, thú y còn lại là 93 người được các địa phương cho nghĩ việc, chưa có chế độ, chính sách gì để hỗ trợ cho đối tượng này. Đây là một thiệt thòi cho đội ngũ khuyến nông, thú y viên cơ sở. Các địa phương đều đề nghị có chính sách trợ cấp thôi việc (riêng huyện Quảng Trạch đã bố trí kinh phí hỗ trợ nhưng không thuộc thẩm quyền nên dừng lại). Tại một số tỉnh như Bắc Giang, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định chính sách hổ trợ cho cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở khi thôi việc, có tỉnh như Quảng Trị, Nghệ An, Đắc Nông còn đảm bảo phụ cấp và chế độ bảo hiểm cho đối tượng này.

 

Từ tình hình thực tế trên. Tôi xin kiến nghị, đề xuất như sau:

 

1. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt HĐLĐ cho khuyến nông, thú y viên cơ sở sau khi nghĩ việc trên địa bàn  (theo Điều 45 Bộ Luật lao động năm 2019), sắp xếp gặp mặt để ổn định tình hình.

 

2. Đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách hỗ trợ cho đội ngũ khuyến nông, thú y viên cơ sở sau khi thôi việc, đây là một chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ cho những cống hiến, giải quyết khó khăn, khuyến khích, động viên đội ngũ khuyến nông, thú y viên cơ sở còn làm việc.

 

3. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu  phát triển nông nghiệp, nông thôn của và công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đề nghị HDND tỉnh, đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh có kiến nghị các cấp có thẩm quyền rà soát hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành, có chế độ chính sách phù hợp  trong lĩnh vực khuyến nông, thú y.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trịnh Thanh Bình

Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

More