Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 162

  • Hôm nay 6320

  • Tổng 4.011.544

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Post date: 10/07/2024

Font size : A- A A+

 

Trước hết, tôi nhất trí cao với các báo cáo, tờ trình được trình bày tại kỳ họp, trong đó, đồng tình và đánh giá cao những kết quả, cũng như những tồn tại trên lĩnh vực Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn mà Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh đã đề cập. Đặc biệt, phần lớn người nông dân đều phấn khởi vì giá một số nông sản tăng mạnh và có tín hiệu tích cực của chu kỳ biến động giá (cao su, hồ tiêu). Sau đây, đại diện tổ Đại biểu huyện Bố Trạch, từ ý kiến phản ánh, trò chuyện của nhiều cử tri nông dân, tôi xin trao đổi thêm và kiến nghị một số vấn đề với các cấp, các ngành, các địa phương để có sự quan tâm hơn trong thời gian tới:

 

 Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong gian đoạn này. CĐS là hoạt động khó, trong nông nghiệp, nông dân lại càng khó hơn vì nó tác động đến nhiều khía cạnh, mức độ khác nhau của sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân.

 

Về cơ hội, CĐS giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chất lượng nông sản; giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất; tối ưu hoá đầu vào; giảm thiểu lãng phí và tổn thất trong sản xuất và thu hoạch; giúp người nông dân dễ hơn trong việc tiếp cận, kết nối thị trường…; tăng tính minh bạch thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo niềm tin tiêu dùng và gia tăng giá trị nông sản. Nông dân quản lý rủi ro tốt hơn, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu; đặc biệt CĐS sẽ giúp người nông dân nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng…. Những cơ hội và lợi ích này sẽ tác động, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng sống trong cộng đồng nông thôn hiện nay.

 

Tuy nhiên, CĐS trong nông nghiệp cũng đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho nông dân và các cơ quan lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền và động như: sự hạn chế về kiến thức, kỹ năng công nghệ của người nông dân là một rào cản lớn; sự hạn chế về hạ tầng công nghệ ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; chi phí đầu cao; việc thay đổi tư duy, thói quen, tập tục sản xuất là việc khó và cần nhiều thời gian; việc cung cấp, xác minh thông tin minh bạch và tin cậy cho nông sản chưa được chú trọng; việc tuân thủ các quy định pháp lý và các tiêu chuẩn sản phẩm chưa được triển khai sâu rộng để hỗ trợ nông dân…..

 

Để khai thác tối đa những cơ hội, giải quyết tốt các khó khăn, thách thức của CĐS trong nông nghiệp, nông dân của tỉnh ta cần rất nhiều giải pháp kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Sau đây tôi xin có mấy đề nghị để các cấp, các ngành quan tâm, xem xét:

 

(1) Đầu tư kinh phí xác đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho người nông dân về sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số. Tiên phong là các nông dân ưu tú, tích cực trong sản xuất, kinh doanh; những địa bàn có sản xuất chuyên canh tập trung (Lúa Lệ Thuỷ, Quảng Ninh; Cây gò đồi Bố Trạch, các vung Nuôi trồng thuỷ sản); vùng đô thị và ven đô thị của TP Đồng Hới, TX Ba Đồn và các thị trấn trên địa bàn tỉnh dễ đáp ứng yêu cầu của CĐS. Cùng với đó, hỗ trợ nông dân tiếp cận tốt các hoạt động về chuyển đổi số, hình thành các tổ chức, các liên kết để hỗ trợ nông dân. Nhất là vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuổi. Quan tâm phát triển kinh tế tập thể - hợp tác xã vì đây là mô hình phù hợp đối với nông dân trong CĐS và liên kết chuổi trong sản xuất, kinh doanh.

 

(2) Hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn và sự minh bạch của các mặt hàng nông sản, nên việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tin nguồn gốc xuất xứ nông sản minh bạch là yêu cầu, quyết định rất lớn trong khâu tiêu thụ. Do vậy, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo,  xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) của tỉnh cho nông sản, trước mắt là các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ sản phẩm OCOP và nông dân kết nối với Công thông tin TXNG nông sản; xã hội hoá việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp ứng dụng TXNG.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Tiến Sỹ,

Tổ đại biểu huyện Bố Trạch  tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

More