Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 179

  • Hôm nay 5884

  • Tổng 4.011.107

Thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng từ năm 2022 đến nay và giải pháp thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh

Post date: 10/07/2024

Font size : A- A A+

 

I. Kết quả thực hiện Chương trình trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh

 

  1. Những kết quả đạt được sau khi triển khai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ:

 

Triển khai Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 Ban hành Quy định nội dung, phương thức và mức hỗ trợ để thực hiện Chương trình Bố trí dân cư theo quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

 

Trên cơ sở đó các ngành và địa phương đã bám sát các qui định để xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình để thực hiện bảo đảm bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đã đề ra, qua đó đã góp phần đạt được kết quả trên nhiều mặt. Việc đầu tư xây dựng các khu di dân tập trung đã hình thành điểm dân cư mới, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, các hộ dân di dời đến khu tái định cư đã ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong sắp xếp bố trí lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phát triển và xây dựng nông thôn mới.

 

         

Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình tính đến tháng 06/2024:

 

- Thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2024: Đã hoàn thành 07 dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai (bao gồm: khu tái định cư Bản Cha Lo xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá; khu tái định cư Thôn Thuận Tiến xã Thuận Hoá, huyện Tuyên Hóa; khu tái định cư thôn Đạm Thuỷ xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá; khu tái định cư Bản Sắt xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa; Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; Dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở núi thôn Thanh Xuân, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch); với tổng mức đầu tư là 84.624 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 61.184 triệu đồng, ngân sách địa phương: 6.500, nguồn vốn khác: 16.940 triệu đồng.

 

- Kết quả thực hiện bố trí dân cư giai đoạn 2021 - 2024: Đã thực hiện bố trí ổn định dân cư ở vùng thiên tai cho 129/311hộ dân đạt 41,47%, trong đó: Di dân tập trung cho 103 hộ, di dân xen ghép 15 hộ và ổn định tại chổ 11 hộ.

 

Kết quả này khẳng định Chương trình bố trí dân cư là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, phù hợp với lòng dân, nhân dân và các cấp chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

2. Một số hạn chế, nguyên nhân trong quá trình triển khai

 

(1) Nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình di dân vào các khu tái định cư, di dân xen ghép và ổn định tại chỗ trong các năm gần đây chưa được bố trí; (2) Qua điều tra, khảo sát chi phí làm nhà ở tại một số địa phương cho thấy chi phí thực tế làm một căn nhà cấp 4, diện tích 40m2  dao động khoảng 120-180 triệu đồng tùy từng địa phương, trong khi mức hỗ trợ để di chuyển người, tài sản, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu tại nơi tái định cư) chỉ 30 triệu đồng/hộ... nên rất khó khăn trong thực hiện; (3) ngân sách của tỉnh còn khó khăn, trong khi kinh phí hỗ trợ của Trung ương còn hạn chế, vì vậy một số dự án bố trí dân cư tập trung  quá trình đầu tư xây dựng kéo dài nhiều năm (Dự án Minh Hoá trên 10 năm), vốn đầu tư ít nên việc đầu tư thiếu đồng bộ về hạ tầng dân cư tập trung. Vì vậy, Chương trình chưa đáp ứng nhu cầu di dân thực tế tại địa phương.

 

Qua rà soát quy hoạch, nhu cầu bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng gần 599 hộ cần được bố trí, sắp xếp ổn định đến nơi ở mới. Từ thực trạng nêu trên và theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 7 Mục VI Điều 1 Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân tỉnh “Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện Chương trình” và “Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện các nội dung, giải pháp của Chương trình tại địa phương”.

 

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 13, thông tư số 24/2023, ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc Hướng dẫn thực hiện 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, Biên giới, Hải đảo, Di cư tự do, Khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023; trong đó, giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân tỉnh “Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện các nội dung, giải pháp của Chương trình bố trí dân cư”.

 

Ngoài ra, căn cứ Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ- CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước và khoản 3, Điều 27 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì việc ban hành Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh. Do đó, việc xây dựng Nghị quyết quy định“Chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư vùng thiên tai thuộc Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đoạn 2023- 2025” là cần thiết và đảm bảo cơ sở pháp lý.

 

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách này còn bất cập với Luật đất đai, cụ thể: Tại điểm e khoản 1 điều 65 Luật Đất đai năm 2013 (Nay quy định tại Điểm 3 Điều 82 Luật Đất đai năm 2024) trường hợp này khi thu hồi đất sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản nếu đáp ứng quy định khoản 1 Điều 88 Luật đất đai 2013 (Nay quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật đất đai 2024). Tuy nhiên thực tế thì Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh tỉnh chưa đề cập đến chính sách này. Do vậy khi thực hiện hiện còn nhiều vướng mắc ở cơ sở.

 

Với mức hỗ trợ thấp, thiếu chính sách về bồi thường tài sản khi thu hồi đất nêu trên chưa giải quyết hết những khó khăn cơ bản của người dân đến nơi tái định cư mới. Trong khi đó, đối tượng của Chương trình phần lớn là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, kinh tế còn khó khăn, thu nhập chưa ổn định với mức hỗ trợ như đã đề cập trên thì không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở và di chuyển đến khu tái định cư, do đó làm ảnh hưởng đến tiến độ di dân ở các dự án bố trí dân cư.

 

II. Kiến nghị, đề xuất giải pháp thời gian tới:

 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến bất thường, ngày càng phức tạp, nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên phạm vi tỉnh là vấn đề hết sức quan trọng. Trước những thực trạng đã được đề cập trên, để nâng cao hiệu quả quá trình thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tôi xin kiến nghị và đề xuất một số giải pháp như sau:

 

- Về cơ chế chính sách:

 

Đề nghị UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết quy định Chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư vùng thiên tai thuộc Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030 để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Trong đó, đề nghị xem xét để gắn kết chặt chẽ thực hiện chính sách Chương trình bố trí dân cư với các quy định của Luật đất đai nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các ngành, các cấp, cũng như đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

 

- Về quy hoạch, kế hoạch

 

+ Rà soát nội dung bố trí ổn định dân cư bảo đảm phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật.  Có kế hoạch cụ thể để thực hiện hoàn thành dứt điểm các dự án, sớm đưa dân đến sinh sống, ổn định lâu dài theo thứ tự ưu tiên.

 

+ Đảm bảo kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình.

 

- Phát triển sản xuất:

 

+ Hướng dẫn, xem xét để nhân dân được tiếp tục sử dụng đất vườn liền kề đất ở bị thu hồi vùng có nguy cơ sạt lỡ để tiếp tục sản xuất.  

 

+ Hỗ trợ vùng dự án bố trí ổn định dân cư phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

 

+ Hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế khác cho người dân phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân, cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

 

- Về tuyên truyền vận động

 

Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch.

 

- Nâng cao năng lực quản lý, thực hiện Chương trình Xây dựng nội dung, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình cho cán bộ, công chức, người làm công tác bố trí dân cư.

 

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu  Phan Thị Lệ Hằng,

Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

More