Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 2983

  • Tổng 3.057.280

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Post date: 30/05/2023

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý đối với một số nội dung sau:

 

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)


Tại khoản 1 quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. 


Việc sử dụng dấu phẩy (,) để tách giữa hai động từ "mua" và "sử dụng" là chưa phù hợp, gây khó khăn trong việc phân định chủ thể "người tiêu dùng" là "người mua" (với sản phẩm, hàng hóa) và người tiêu dùng là "người sử dụng" (với dịch vụ). Do đó, đề nghị thay dấu phẩy (,) bằng chữ “hoặc”. Cụ thể: “Người tiêu dùng là người mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…”.


2. Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8)


- Tại điểm đ khoản 1, đề nghị xem xét nâng thời gian phụ nữ nuôi con từ 12 tháng lên 36 tháng tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương để tạo điều kiện cho phụ nữ được hưởng các quyền lợi của người tiêu dùng.


- Tại điểm a, khoản 3, đề nghị bỏ từ “bảo đảm”, bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương.


3. Về các hành vi bị cấm (Điều 10)


Tại điểm đ khoản 1 quy định một trong những hành vi bị cấm là: "Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh". Việc quy định hành vi bị cấm này là thực sự cần thiết. Tuy nhiên để hành vi bị cấm được rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính minh bạch trong quy định của văn bản, tính khả thi trên thực tế, đề nghị chỉnh sửa lại như sau: "Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sự nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh không cung cấp đúng sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc gây cho người tiêu dùng nhầm lẫn trong việc mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vì tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ".


4. Về yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng (Điều 11) 


Tại khoản 1 quy định “Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác về quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan khác có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để được xử lý theo quy định của pháp luật.”. Tuy nhiên, để yêu cầu của người tiêu dùng được xử lý đảm bảo kịp thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền sau khi tiếp nhận yêu cầu.


5. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng 


Vấn đề này được quy định khá chung chung. Tại Điều 19 dự thảo Luật nêu ra các yêu cầu như “phải tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công và thực hiện các biện pháp cần thiết…” nhưng không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các điều khoản hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.


Đồng thời, liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi giao dịch trên không gian mạng, hiện nay, các giao dịch mua bán hàng hóa trên không gian mạng thông qua các trang thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Khi giao dịch trên các trang thương mại điện tử, người tiêu dùng muốn mua hàng hóa phải cung cấp thông tin về họ và tên, số điện thoại, email, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng…cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật thông tin cho người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trên không gian mạng hiện nay chưa được các tổ chức thiết lập trang thương mại điện tử (nền tảng số) chú trọng, chưa có phương thức bảo mật đối với các thông tin được người tiêu dùng cung cấp trên không gian mạng. Tại Điều 39 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số cũng không có quy định trách nhiệm phải bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng và xử lý khi thông tin của người tiêu dùng bị đánh cắp, sử dụng trái phép từ trên nền tảng số của mình. Do đó, để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi giao dịch trên không gian mạng trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trong việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. 


6. Về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (Điều 32)


Trước hết, đề nghị xem xét, cân nhắc bổ sung từ “dịch vụ”, thành “sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có khuyết tật”; bởi trên thực tế có những dịch vụ không đúng quy chuẩn nhưng người sử dụng vẫn phải trả phí như dịch vụ đảm bảo quy chuẩn (VD: Đường BOT sau nhiều năm xây dựng đã có những đoạn bị xuống cấp nhưng người điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua những đoạn này không được giảm giá mà vẫn phải chi trả mức giá như khi mới xây dựng).


Tại điểm b, khoản 1 quy định, khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có “khuyết tật”, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: “Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, cần phải bổ sung đầy đủ như sau: "Thực hiện việc bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khuyết tật".


7. Về giao dịch từ xa (Mục 1 Chương III) 


Đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch từ xa, giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch từ xa, giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật nào có liên quan. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.


8. Về trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số


Tại khoản 1 Điều 39 dự thảo quy định tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số là tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Tại khoản 2 Điều này quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 38 của Luật này. Nhưng tại Điều 37, 38 của dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng, nhiều nội dung không thuộc trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số (như việc cung cấp chính xác giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…, chi tiết về tính năng, công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm...). Do đó, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại quy định này; đồng thời, đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ “nền tảng số” để thống nhất, dễ hiểu trong quá trình áp dụng. 


9. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một khoản vào Điều 51 quy định về “quyền được tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng” của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi đây là cơ sở để các tổ chức này thực hiện các hoạt động tham gia bảo về quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Điều 50 dự thảo Luật.

 

Phòng CTQH
 

More