Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 596

  • Tổng 3.059.204

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Post date: 30/05/2023

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý đối với một số nội dung sau:

 

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)


Tại các Điều 18, 19, 32 dự thảo Luật có sử dụng các cụm từ “khu vực sơ tán” và “khu vực tập kết”. Đề nghị bổ sung các khoản giải thích 02 cụm từ này; vì đây là những khu vực quan trọng, cần thiết, cần phải hiểu rõ để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ ngay từ đầu khi chưa xảy ra các sự cố, thảm hoạ, phục vụ sơ tán, phân tán, tập kết lực lượng, phương tiện và nhân dân bảo đảm an toàn.


2. Thông tin về sự cố, thảm họa và việc tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa của cá nhân


Khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “1. Thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa và diễn biến của sự cố, thảm họa phải kịp thời, chính xác,…”. 


Điểm a khoản 1 Điều 37 dự thảo quy định: Cá nhân có quyền “Tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành;


Có thể nói, việc thông tin về sự cố, thảm họa được cập nhật kịp thời, chính xác và thường xuyên đến với nhân dân cũng như việc người dân được tiếp cận những thông tin chính thống về sự cố, thảm hoạ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi khi nắm bắt được thông tin kịp thời, chính xác thì người dân có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời có các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả khi sự cố, thảm hoạ xảy ra, tránh được những hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt, những “tin xấu”, “tin độc” do một số đối tượng có động cơ không tốt tung ra. 


Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung vào Chương II một mục quy định riêng về “Chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự”; trong đó bao gồm các điều khoản quy định về hình thức thông tin, tần suất thông tin về sự cố, thảm hoạ; các nội dung của thông tin; trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;… Như vậy mới tạo ra cơ chế ràng buộc để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời.


3. Về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 41)


Nhất trí với Phương án 1, việc thành lập Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, xem xét thêm; bởi vì hiện nay, hầu hết các lĩnh vực các Luật đều có quy định việc thành lập quỹ (Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch; Quỹ Bảo vệ môi trường….), nhưng mô hình, nguyên tắc hoạt động, mục đích hoạt động, nguồn tài chính và phương thức huy động tài chính không thống nhất. Vì vậy, đề nghị ở trong Luật chỉ quy định việc thành lập Quỹ, còn các nội dung khác ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.


4. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 31 “c) Tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra”. Bởi trong tình trạng thiên tai, thảm họa, Ủy ban nhân dân có thể không hoạt động được ổn định và phải xử lý khá nhiều công việc liên quan đến sự cố, thảm hoạ xảy ra nên có thể dẫn đến chậm trễ trong việc phối hợp thực hiện hoạt động cứu trợ, hỗ trợ. Do vậy nên chăng có thể đưa đầu mối để các tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện phối hợp về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi được hỗ trợ để đảm bảo hoạt động này được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời bổ sung một khoản vào Điều 54 quy định về trách nhiệm phối hợp này cũng như trách nhiệm trong việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện và tiếp nhận, phân bổ các nguồn lực đóng góp để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


5. Để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có nguy cơ gây xảy ra sự cố, thảm họa, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào khoản 2 Điều 38 nghĩa vụ “chủ động khắc phục hậu quả và bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động, sản xuất”. Ngoài ra, cần phải nghiêm cấm hành vi che giấu khi chính các tổ chức kinh tế đó gây ra sự cố, thảm họa.


Phòng CTQH
 

More