Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 2856

  • Tổng 2.885.672

Ban Pháp chế: “Một số ý kiến nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh”

Post date: 07/12/2023

Font size : A- A A+

 

Phiên họp chiều ngày 06/12/2023, kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có một số ý kiến cần lưu ý đối với một dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp

 

 

Toàn cảnh kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII

 

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh; Tại kỳ họp thứ này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra 07 dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.

 

 

Ông Nguyễn Lương Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo tại kỳ họp

 

Theo đó, qua thẩm tra các dự thảo Nghị quyết, Ban Pháp chế đã thống nhất trình HĐND tỉnh thông qua các Nghị quyết như đề nghị của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Pháp chế có một số ý kiến cần lưu ý đối với một số Nghị quyết trình tại kỳ họp lần này:

 

(1).“Đối với dự thảo Nghị quyết về việc quyết định biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024 của tỉnh Quảng Bình”, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết định giao biên chế công chức năm 2024 là 1.697 biên chế (giảm 23 biên chế so với năm 2023) và phê duyệt 19.681 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2024 (giảm 350 người so với năm 2023) là phù hợp với quyết định của Bộ Chính trị về biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh hiện nay. Ban Pháp chế thống nhất đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết.

Riêng đối với số lượng người làm việc trong các Hội cấp tỉnh, cấp huyện có tính chất đặc thù: hiện nay chưa có quy định giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh nhưng để tiếp tục tạo điều kiện ổn định người làm việc trong các Hội cấp tỉnh, cấp huyện có tính chất đặc thù đã giao từ các năm trước trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề nghị HĐND tỉnh xem xét, cân nhắc, quyết định giao số lượng người làm việc trong các Hội cấp tỉnh, cấp huyện có tính chất đặc thù trong năm tới. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương có văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sớm ban hành hướng dẫn thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí cho các Hội đặc thù để thống nhất thực hiện.

 

(2).“Đối với dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, Ban Pháp chế nhất trí đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh một số nội dung sau:

- Hàng năm, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết để kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai (nếu có) để trình HĐND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi Nghị quyết đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 10/12/2011 của HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp đối với Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận thuộc xã, phường, thị trấn và Bí thư chi bộ xóm trực thuộc Đảng uỷ cơ sở xã trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiển, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Đảng ở cơ sở phát huy trách nhiệm, yên tâm công tác.

 

(3).“Đối với dự thảo Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2024”, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm 2024 là 1.144 chỉ tiêu, thời gian hợp đồng không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Quyền lợi của người lao động được áp dụng tiền lương theo bảng lương viên chức theo quy định của pháp luật.

Ban Pháp chế thống nhất đề nghị HĐND tỉnh thông qua dự thảo Nghị quyết. Sau khi Nghị quyết được thông qua, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời bổ sung biên chế cho các cơ sở giáo dục còn thiếu, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng ngành giáo dục của tỉnh; rà soát tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập khác để xem xét điều chỉnh biên chế tự chủ, tăng số lượng viên chức cho lĩnh vực giáo dục đáp ứng thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo điều kiện cho người làm việc trong lĩnh vực giáo dục ổn định công việc, yên tâm công tác, nâng cao chất lượng giảng dạy.

 

(4).“Đối với dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024”, Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh quan tâm một số vấn đề sau:

- Trong công tác xây dựng chính quyền: Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai rà soát, sắp xếp kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ để giảm áp lực chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp qua đó nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

- Trong công tác tư pháp, công tác thanh tra: Cần có chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức và chức danh bổ trợ tư pháp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, công chứng, thừa phát lại, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, đấu giá tài sản, quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm quy trình theo quy định pháp luật. Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

- Trong công tác quốc phòng- an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội: Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, an ninh. Tăng cường trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức,... Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ trong tình hình mới và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân và DN; tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH./.

HB

More