Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 6896

  • Tổng 4.093.990

Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Post date: 26/10/2021

Font size : A- A A+

 

Từ khi thành lập nước đến nay việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ và tổ chức chính quyền địa phương có nhiều thay đổi qua các thời kỳ, tuy nhiên ở bất kỳ giai đoạn nào cũng tồn tại đơn vị hành chính cấp tỉnh với tổ chức chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và UBND (có thời kỳ gọi là Ủy ban hành chính). Như vậy, HĐND cấp tỉnh có một vị trí rất quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước. Trong bộ máy nhà nước thì cấp trung ương là cấp quản lý ở tầm vĩ mô, chiến lược, tập trung vào những vấn đề như quốc phòng, ngoại giao, ban hành pháp luật, hoạch định chính sách điều tiết, quản lý nền kinh tế; chính quyền địa phương chủ yếu thực hiện chức năng, nhiệm vụ đáp ứng các nhu cầu nội bộ của cộng đồng dân cư về giáo dục, y tế, văn hóa, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở, bảo đảm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

 

Trước hết có thể thấy rằng, chính quyền cấp tỉnh là cầu nối quan trọng trong chuỗi mắt xích của bộ máy nhà nước nối liền chính quyền trung ương với chính quyền cấp huyện, cấp xã. Là khâu đầu tiên tiếp nhận, chuyển tải chính sách, pháp luật của cấp trung ương để triển khai thực hiện tại địa phương. Cấp tỉnh cũng là nơi tổng hợp, chọn lọc những ý kiến kiến nghị, đề xuất của nhân dân và chính quyền cấp dưới đề đạt đối với chính quyền trung ương về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cấp tỉnh là cấp có đầy đủ các yếu tố về nhân lực và vật lực để quyết định và thực hiện được những vấn đề quan trọng của địa phương như: xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ ngân sách, xây dựng bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội,…

 

 

HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thứ 14, khóa XVII

 

HĐND tỉnh là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân trong tỉnh bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Như vậy, cùng với chịu trách nhiệm trước nhân dân thì HĐND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ, bộ, ngành trung ương về việc bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cấp trên; điều này sẽ bảo đảm cho sự tập trung thống nhất trong hoạt động của bộ máy nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Mặt khác, HĐND cấp tỉnh là cấp bảo đảm các điều kiện để quyết định và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, bảo đảm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xét ở cấp độ địa phương, HĐND cấp tỉnh là cơ quan hoạch định, quyết định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 

Từ vị trí, vai trò quan trọng của HĐND cấp tỉnh mà hầu hết những vấn đề quan trọng của địa phương đều được phân cấp, phân quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ngoài những vấn đề mà HĐND các cấp đều quyết định chỉ có HĐND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quyết định những vấn đề như: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển y tế, giáo dục; quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương; quyết định việc thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân; phê chuẩn cơ cấu, quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định tổng biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, phê duyệt tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của cấp tỉnh; quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng… Theo các luật chuyên ngành, đối với các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực (như quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển du lịch,…) đều được giao cho HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi trình các bộ, ngành hoặc Chính phủ quyết định. Đối với lĩnh vực lập quy, hầu hết các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành đều giao cho HĐND quy định cụ thể một số vấn đề cho phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế của của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Từ vị trí, vai trò của mình, HĐND cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn đó là:

 

- Trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật: Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh; quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn tỉnh; quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp; quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của HĐND cấp huyện; giải tán HĐND cấp huyện trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn; phê chuẩn nghị quyết của HĐND cấp huyện về việc giải tán HĐND cấp xã.

 

- Về xây dựng chính quyền: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh và chấp nhận việc đại biểu HĐND tỉnh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu; quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh theo chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao; quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của Chính phủ; quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương theo quy định của pháp luật.

 

- Trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường: Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong phạm vi được phân quyền; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án của tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định các nội dung liên quan đến phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; các khoản đóng góp của Nhân dân; quyết định việc vay các nguồn vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật; quyết định chủ trương, biện pháp cụ thể để khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia cung cấp các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định các biện pháp khác để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong phạm vi được phân quyền theo quy định của pháp luật; việc liên kết kinh tế vùng giữa các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân; thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt; quyết định biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác, bảo vệ môi trường trong phạm vi được phân quyền.

 

- Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao: Quyết định biện pháp phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục, đào tạo trong phạm vi được phân quyền; quyết định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục, đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định biện pháp khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh; quyết định biện pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương; biện pháp bảo đảm cho hoạt động văn hóa, thông tin, quảng cáo, báo chí, xuất bản, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh trong phạm vi được phân quyền.

 

 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVII

 

  - Trong lĩnh vực y tế, lao động và thực hiện chính sách xã hội: Quyết định biện pháp phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật; quyết định biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ và chăm sóc người mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người có hoàn cảnh khó khăn khác; quyết định biện pháp phòng, chống dịch bệnh; biện pháp thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh; quyết định biện pháp quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực ở địa phương; biện pháp tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; quyết định chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương và quy định của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định biện pháp thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; biện pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, biện pháp xóa đói, giảm nghèo.

 

- Về công tác dân tộc, tôn giáo: Quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương; quyết định biện pháp thực hiện chính sách tôn giáo trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

 

- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội: Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương, biện pháp nhằm phát huy tiềm năng của địa phương để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc đáp ứng yêu cầu thời bình và thời chiến; quyết định chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an xã ở địa phương; quyết định chủ trương, biện pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, chuyển hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương từ thời bình sang thời chiến; quyết định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

 

- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp, Ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và văn bản của HĐND cấp huyện.

 

Đối với HĐND thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn đã nêu trên còn có các nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù riêng đó là: Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, phường trực thuộc; quyết định quy hoạch về xây dựng và phát triển đô thị trong phạm vi được phân quyền; quyết định các biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước theo quy định của pháp luật; quyết định các biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị; điều chỉnh dân cư theo quy hoạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

 

Như vậy có thể thấy rằng, những nội dung, lĩnh vực quyết định của HĐND cấp tỉnh là rất rộng, bao gồm hầu hết các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, anh ninh, quốc phòng, xây dựng chính quyền. Điều này càng khẳng định thêm vị trí, vai trò của HĐND cấp tỉnh trong tổ chức quyền lực chính trị và trong tổ chức bộ máy nhà nước./.

                                                        

                                                   Phạm Thái Quý

More