Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; số địa bàn cấp xã và số người liên quan đến ma túy, người nghiện ma túy gia tăng qua các năm. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến tháng 6/2021 trên địa bàn tỉnh có 121/151 xã, phường, thị trấn với 2.797 người có liên quan đến ma túy, trong đó có 855 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Về tội phạm ma túy, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện 126 vụ với 204 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 08 vụ so với cúng kỳ năm 2020. Tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”, dạng viên và “cỏ Mỹ” tăng mạnh. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu là những người không có việc làm và lao động tự do. Độ tuổi giảm dần, ảnh hưởng mạnh trong lứa tuổi từ 16 đến 20 tuổi. Hiện nay, tình trạng sử dụng chất ma túy tẩm vào các loại thảo mộc “cỏ Mỹ” trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một bộ phận giới trẻ.
Từ kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh thấy rằng, triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma túy và các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy của Chính phủ, UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn đã kịp thời ban hành các kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Nhìn chung, trong thời gian qua các cấp, các ngành đã tổ chức triển khai công tác phòng, chống ma túy cơ bản theo đúng quy định pháp luật và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ. Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống ma túy được quan tâm hơn. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm hành chính về ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực; đã phát hiện, xử lý được nhiều vụ án lớn về ma túy với số lượng lớn. Công tác dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện từng bước được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì công tác phòng, chống ma túy vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ma túy và kỹ năng phòng, tránh ma túy chưa có chiều sâu, chưa có trọng điểm nên số thanh, thiếu niên bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy gia tăng. Công tác tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy chưa sâu rộng; tâm lý, thái độ kỳ thị với người nghiện ma túy vẫn còn phổ biến.
Một số cán bộ, công chức còn thiếu chủ động cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật nên chưa nắm được nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống ma túy để tham mưu triển khai thực hiện. Công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công chức làm công tác phòng, chống ma túy chưa được quan tâm đúng mức, do đó hiệu quả tham mưu trong phòng, chống ma túy tại cơ sở còn hạn chế. Còn nhiều bác sĩ Trạm y tế cấp xã chưa được đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ về xác định tình trạng nghiện và điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy theo quy định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, UBND cấp huyện đối với UBND cấp xã và các cán bộ, công chức liên quan đến công tác phòng, chống ma túy thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Nhiều nơi chưa quan tâm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, khắc phục. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa người nghiện tại gia đình và cộng động đạt hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy chưa chặt chẽ, thiếu chủ động.
Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy; chế độ chính sách cho các lực lượng tham gia phòng, chống ma túy ở cơ sở còn hạn chế, các thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy ở cấp xã chưa được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy chưa được quan tâm đầu tư. Hiện nay ở các xã, phường, thị trấn đều sử dụng trụ sở Trạm y tế cấp xã làm nơi thực hiện việc cắt cơn nghiện cho người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Trong khi đó, các Trạm y tế đều không có phòng đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của liên bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an nên các bác sĩ Trạm y tế cấp xã chưa yên tâm thực hiện công đoạn cắt cơn nghiện cho người cai nghiện. Việc đầu tư kinh phí, nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy ở địa phương chủ yếu từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy do Trung ương hỗ trợ, ngân sách của các địa phương chi cho công tác phòng, chống ma túy còn rất hạn chế.
Việc rà soát, phát hiện người nghiện, vận động và áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy thiếu kịp thời, phần lớn khi đối tượng lâm vào tình trạng nghiện nặng mới phát hiện và áp dụng biện pháp cai nghiện nên hiệu quả công tác cai nghiện không cao. Số đối tượng liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh là 2.797 người, trong đó chỉ có 855 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghi nghiện chưa được quản lý còn nhiều. Công tác dự phòng nghiện ma túy chỉ thiên về truyền thông tư vấn mà chưa có chiều sâu về hoạt động can thiệp như giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, biện pháp can thiệp tại nhà trường và gia đình, nơi làm việc và hệ thống dịch vụ dự phòng.
Công tác triển khai các biện pháp cai nghiện ma túy chậm, số người nghiện nhưng chưa thực hiện cai nghiện chiếm tỷ lệ còn cao; hiệu quả công tác cai nghiện ma túy còn rất hạn chế. Cụ thể đó là, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Nhiều xã chưa thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy, một số nơi tuy đã thành lập Tổ công tác cai nghiện nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, các thành viên hoạt động chưa tích cực; nhiều nơi không lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo quy định hoặc lập nhưng còn sơ sài; chưa thực hiện đầy đủ quy trình và trách nhiệm trong quá trình cai nghiện. Công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh hiệu quả chưa cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 04 cơ sở thực hiện chương trình điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, trong khi đó số lượng người nghiện lớn, ở nhiều vùng rải rác, cách xa các địa điểm cấp thuốc nên việc đi lại khó khăn, không thu hút được người nghiện tham gia điều trị bằng methadone. Các huyện chưa thành lập Điểm tư vấn công tác cai nghiện theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quản lý sau cai hiệu quả thấp, các hoạt động hỗ trợ học nghề, cho vay vốn còn hạn chế; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện.
Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn ít nên ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp cai nghiện. Các hành vi phạm tội về ma túy bị xử lý chỉ gồm ba tội danh là: buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trên thực tế hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra nhiều, đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa xử lý vụ án nào về tội danh lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Từ những hạn chế trên dẫn đến nhiều mục tiêu, chỉ tiêu trong các kế hoạch về phòng, chống ma túy chưa đạt được; tệ nạn và tội phạm về ma túy không những chưa được kiềm chế mà còn có chiều hướng gia tăng nhanh.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện đầy đủ, đúng lộ trình thời gian những nhiệm vụ đã đề ra trong các kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống ma túy đã ban hành; đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng chống ma túy theo từng năm và từng giai đoạn đã đề ra. Sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025 và các kế hoạch cụ thể hằng năm. Tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và kiến thức, kỹ năng về phòng, tránh ma túy, chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân đối với công tác phòng, chống ma túy. Chỉ đạo các cấp, các ngành lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy làm một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm theo tinh thần Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Thứ hai, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể có liên quan cần thường xuyên phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác về phòng, chống ma túy, nhất là cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã, cấp huyện. Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát lại đội ngũ y, bác sỹ thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA chưa được cấp chứng chỉ về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy, nhất là Trạm trưởng trạm y tế cấp xã để tổ chức đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ theo đúng quy định.
Thứ ba, các sở, ngành, UBND cấp huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã trong công tác phòng, chống ma túy; nhất là việc theo dõi, rà soát, xác định người nghiện ma túy để kịp thời vận động tham gia cai nghiện; triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Nơi nào chưa thành lập Tổ công tác cai nghiện thì hướng dẫn thành lập theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình hoặc cai nghiện tại cộng đồng. Mục đích của cai nghiện ngoài việc giúp người nghiện từ bỏ ma túy còn góp phần quản lý người nghiện, ngăn chặn việc rủ rê lôi kéo người khác sử dụng ma túy, kiềm chế sự gia tăng tệ nạn này.
Thứ tư, các cơ quan chức năng như: Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức điều tra, rà soát, triệt phá các điểm, tụ điểm, địa bàn phức tạp về ma túy. Tăng cường rà soát, kiểm tra người và phương tiện, hàng hóa qua biên giới tại các cửa khẩu, đảm bảo an ninh biên giới, chống buôn bán, vận chuyển thẩm lậu ma túy qua biên giới vào địa bàn tỉnh. Tăng cường lực lượng chuyên trách cho công tác phòng, chống ma túy. Chỉ đạo Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện trong quá trình điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy cần quan tâm đấu tranh mở rộng điều tra xử lý đối với những người thực hiện hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhằm trừng trị, răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Thứ năm, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp huyện đầu tư xây dựng Cơ sở cắt cơn nghiện đạt tiêu chuẩn (theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA) tại mỗi huyện từ 2 - 3 cơ sở theo cụm xã để đảm bảo tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Phân bổ kinh phí cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ trong công tác cai nghiện ma túy theo kế hoạch đã đề ra. Triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử về xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện phân bổ, sử dụng kinh phí chi cho công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm thực hiện chế độ hỗ trợ cho Tổ công tác cai nghiện ma túy ở cấp xã theo quy định tại Thông tư số 117/2017/TT-BTC ngày 06/11/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tích cực vận động các nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp nguồn lực cho các hoạt động về phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng./.
Thái Quý
- Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (27/09/2021)
- Tham luận tại Hội nghị Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố năm 2020 (05/10/2020)
- Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức từ 2020 (05/10/2020)
- Những điểm mới của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư (05/10/2020)
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng HĐND tỉnh (26/08/2020)
- MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ MÔ HÌNH VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) (29/05/2020)
- Tham luận tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 6 tại tỉnh Quảng Bình (27/03/2020)
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh (18/04/2019)
- Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân (18/04/2019)
- Một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát đầu tư công của Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh (22/02/2019)