Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1907

  • Tổng 4.102.439

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Post date: 27/09/2021

Font size : A- A A+

 

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiếp pháp và pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện. Việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo không chỉ nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

 

Trong những năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo (KN,TC) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, nội dung KN,TC chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển, việc thực hiện các chính sách xã hội...

 

Qua giám sát của Ban Pháp chế thấy rằng, thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, hằng năm UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai phổ biến pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành đề cao trách nhiệm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết KN,TC. UBND các cấp, các sở, ngành đã củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác tham mưu giải quyết KN,TC. Nhìn chung, công tác giải quyết KN,TC đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; quá trình giải quyết KN,TC cơ bản đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Các vụ việc KN,TC phát sinh phần lớn đã được giải quyết kịp thời; chú trọng giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, vượt cấp và các vụ việc mới phát sinh.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết KN,TC vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đạt được chưa cao. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chủ yếu là phổ biến các văn bản pháp luật mà chưa đi sâu tập huấn các kỹ năng xử lý tình huống, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác nên một số vụ việc nhận thức pháp luật chưa thống nhất, áp dụng chưa đúng quy định pháp luật. Một số sở, ngành, UBND cấp huyện bố trí công chức có chuyên môn đào tạo không phù hợp phụ trách công tác tham mưu giải quyết KN,TC nên chất lượng công tác chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết KN,TC chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có hệ thống dữ liệu liên thông trên toàn tỉnh để các cấp, các ngành có thể tiếp cận, khai thác, phục vụ công tác xử lý đơn và giải quyết KN,TC.

 

Việc phân loại đơn ở nhiều cơ quan còn lúng túng, còn nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại với đơn kiến nghị, giữa đơn tố cáo với đơn phản ánh nên chưa phản ánh chính xác về tình hình KN,TC. Việc xử lý, giải quyết đơn KN,TC ở một số nơi chưa đảm bảo quy trình, thủ tục, còn nhiều thiếu sót, như: không có phiếu đề xuất thụ lý đơn; không ban hành thông báo thụ lý đơn. Vẫn có vụ việc không tổ chức đối thoại với người khiếu nại hoặc người tổ chức đối thoại không đúng thẩm quyền; không lập giấy biên nhận về việc tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng. Một số vụ việc KN,TC giải quyết chưa kịp thời, còn xảy ra tình trạng để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc thông báo công khai kết quả giải quyết KN,TC trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải công khai lên trang thông tin điện tử mới chỉ được thực hiện ở cấp tỉnh.

 

Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo vẫn còn một số trường hợp thực hiện chưa kịp thời, thiếu kiên quyết và chưa dứt điểm. Công tác lập sổ thụ lý, theo dõi, lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giải quyết KN,TC ở một số cơ quan chưa thống nhất và không đúng quy định.

 

Chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác tham mưu giải quyết KN,TC của công dân chưa được thực hiện đầy đủ thống nhất. Ở cấp huyện chưa thực hiện được chế độ bồi dưỡng đối với người tham mưu xử lý đơn. Ở cấp xã, chế độ bồi dưỡng đối với người làm công tác xử lý đơn hầu hết chưa được thực hiện. Vì vậy chưa động viên được cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ giải quyết KN,TC của công dân.

 

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế: Một số quy định của pháp luật còn bất cập, chưa cụ thể, thiếu rõ ràng hoặc có sự chồng chéo, mâu thuẫn và thường xuyên thay đổi gây khó khăn trong việc thực hiện và áp dụng khi giải quyết KN,TC. Đơn cử như, Luật khiếu nại năm 2011 quy định duy nhất trường hợp đình chỉ giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có đơn xin rút khiếu nại, chưa quy định về những trường hợp tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại trong trường hợp vì lý do khách quan. Quy định về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND các cấp trong Luật đất đai gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Cụ thể, tại Điểm a Khoản 3 Điều 203 quy định: “Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”. Với quy định này, có hai cách hiểu: một là, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ thụ lý giải quyết khiếu nại đối với Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp huyện; hai là, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai lần hai. Tại khoản 4 Điều 203 lại quy định: “Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai”. Thực tế, qua nghiên cứu hồ sơ tại Thanh tra tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường (02 cơ quan được giao chủ trì tham mưu giải quyết 02 vụ việc về tranh chấp đất đai) đã có 02 hướng tham mưu giải quyết khác nhau; trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 02 quyết định khác nhau.

 

Do điều kiện lịch sử để lại trong những năm trước đây hồ sơ, giấy tờ của những người tham gia cách mạng, người có công không được quản lý, lưu trữ đầy đủ nên khi giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công rất khó khăn. Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo, hồ sơ, bản đồ địa chính không đầy đủ, thiếu chính xác, quản lý, lưu trữ hồ sơ chưa chặt chẽ gây nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác giải quyết KN,TC về đất đai.

 

Trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao đã gây không ít khó khăn trong việc đối thoại, giải thích, hướng dẫn khi giải quyết các vụ việc KN,TC.

 

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và kinh nghiệm công tác của một số công chức được giao nhiệm vụ làm công tác tham mưu giải quyết KN,TC còn hạn chế; tinh thần, trách nhiệm chưa cao; chưa chịu khó tìm tòi, cập nhật, nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, ít quan tâm trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác. Một số công chức có trình độ chuyên môn đào tạo không phù hợp nên quá trình tham mưu gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau đây:

 

- Thứ nhất, đối với cấp Trung ương cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về giải quyết KN,TC; pháp luật về đất đai, bồi thường khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng xây dựng công trình; các quy định pháp luật liên quan đến các chế độ, chính sách cho người có công, chính sách xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.

 

- Thứ hai, cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết KN,TC. Các bộ, ngành như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,…cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ đối với Thanh tra các tỉnh, Thanh tra các sở, ngành đối với những vụ việc phức tạp, nhận thức pháp luật chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc áp dụng pháp luật để đảm bảo sự thống nhất. Thanh tra tỉnh cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác tiếp nhận, phân loại đơn, giải quyết KN,TC cho đội ngũ công chức tham mưu về các lĩnh vực này trong phạm vi toàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả pháp luật về giải quyết KN,TC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giải quyết KN,TC và thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của cấp trên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các sai sót. Gắn kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra với việc hướng dẫn nghiệp vụ. Tập hợp những bất cập, vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật để trực tiếp hướng dẫn hoặc đề nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất và đúng pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

- Thứ ba, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành tăng cường và đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về giải quyết KN,TC, đặc biệt là các chủ trương, chính sách mới được ban hành, hoặc mới được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng KN,TC phát sinh.

 

- Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức, sắp xếp bố trí những người có kinh nghiệm, có chuyên môn đào tạo phù hợp để phụ trách công tác tham mưu giải quyết KN,TC. Tăng cường tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác giải quyết KN,TC; tập trung hướng dẫn về những kỹ năng, phương pháp trong việc phân loại đơn, thực hiện quy trình, thủ tục giải quyết KN,TC. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật; kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật. Khen thưởng kịp thời đối với những người có thành tích; xử lý nghiêm đối với những người thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật, những người không chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên trong công tác giải quyết KN,TC.

 

- Thứ năm, UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh tham mưu triển khai sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ để thống nhất về quản lý, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin về KN,TC, hạn chế sự trùng lặp trong quá trình xử lý, giải quyết đơn KN,TC, góp phần xử lý, giải quyết đơn KN,TC kịp thời, chính xác. Chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện cập nhật công khai các kết luận nội dung quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo lên trang thông tin điện tử của cơ quan để người dân theo dõi, giám sát.

 

- Thứ sáu, bố trí đủ kinh phí để thực hiện chế độ bồi dưỡng tiếp công dân, xử lý đơn KN,TC, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của HĐND tỉnh. UBND cấp huyện bố trí kinh phí để in ấn và cấp phát các loại sổ theo dõi TCD, giải quyết KN,TC cho UBND cấp xã đảm bảo sử dụng đúng mẫu theo quy định của Thanh tra Chính phủ./.

 

                                                             Thái Quý

More