Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 3592

  • Tổng 2.947.958

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - cần cân nhắc, chưa bãi bỏ quy định chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại

Post date: 25/10/2021

Font size : A- A A+

 

Trong buổi thảo luận trực tuyến sáng nay 25/10 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) đã có bài phát biểu góp ý dự thảo Bộ Luật. Đại biểu nêu quan điểm về việc bãi bỏ quy định chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại.

 

Chưa đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về không khởi tố vụ án hình sự đối với tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý”, đại biểu cho rằng Pháp luật hiện hành quy định như vậy trước hết là để bảo vệ lợi ích của người bị hại. Họ có quyền lựa chọn hoặc thỏa thuận, thương lượng, yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Nếu bãi bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại. Mặt khác, Hiệp định CPTPP không yêu cầu Việt Nam phải bãi bỏ quy định này vì thế “nên trao quyền cho bị hại lựa chọn giải pháp xử lý”.

Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý có tính chất rất đặc thù vì quyền này thuộc sở hữu Nhà nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phân tích, Nhà nước trao cho UBND cấp tỉnh và một số tổ chức  quyền quản lý, cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất quyền sử dụng. Khi có hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý thì những chủ thể này đều có quyền yêu cầu khởi tố vụ án. Đặc biệt, UBND cấp tỉnh hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng để yêu cầu khởi tố vụ án. Do đó, việc yêu cầu khởi tố là hoàn toàn khả thi và thuận lợi. 


Ngoài ra, việc điều tra, chứng minh hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý  là vấn đề khó, phức tạp nếu không có yêu cầu, sự cộng tác của chủ sở hữu, người bị hại trong việc cung cấp các thông tin như chỉ dẫn địa lý đã đăng ký chưa, phạm vi đăng ký đến đâu, giá trị bị thiệt hại.v.v.. nhất là chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Như vậy, sẽ dẫn đến trường hợp có quy định phải khởi tố nhưng không chứng minh được và như vậy là bỏ lọt tội phạm.

 

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu từ Hội trường Diên Hồng

 

Cho rằng lý do quan trọng nhất là việc sửa đổi là phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu lên đây không phải là vấn đề cấp bách, không thuộc trường hợp phải sửa đổi để thực hiện điều ước quốc tế hay phục vụ trường hợp khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh nên không thuộc trường hợp phải sửa đổi theo thủ tục rút gọn mà cần tuân thủ trình tự, thủ tục chung trong xây dựng pháp luật. Đại biểu cũng lưu ý nội dung này cần phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động (nhất là lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố; các tổ chức, hiệp hội DN; các, doanh nghiệp và có thể kể cả người tiêu dùng).  Nêu lên thực tế, hiện nay, Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương.. đều băn khoăn, đề nghị cân nhắc, đại biểu đặt ra khả năng nếu không thận trọng thì dễ hình sự hóa quan hệ dân sự, thương mại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chưa sửa đổi ngay nội dung nêu trên tại kỳ họp này theo thủ tục rút gọn. 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng thể hiện quan điểm tán thành đối với việc bổ sung trách nhiệm của CA xã; bổ sung các căn cứ  tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh như dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong Thông tư hướng dẫn thi hành cần phải quy định chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh; cách xác định thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các điều kiện cụ thể khác để tránh việc lạm dụng; và làm rõ trường hợp: Nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra và kết thúc trong thời hạn điều tra, nhưng với thời hạn điều tra còn lại thì CQĐT cũng không đủ thời gian để kết thúc hoạt động điều tra thì cơ quan điều tra có được ra quyết định tạm đình chỉ điều tra không và nếu có thì tạm đình chỉ đến khi nào. 

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

More