Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 565

  • Tổng 2.895.160

Tình hình kinh tế hợp tác xã ở tỉnh ta và các giải pháp phát triển

Post date: 13/12/2021

Font size : A- A A+

 

Thời gian qua chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, lụt bão, do dịch bệnh covid-19 gây ra, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, các Nghị quyết đúng đắn của HĐND, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, vận động kêu gọi của UBMTTQVN, sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, các địa phương và toàn thể nhân dân trong tỉnh, chúng ta đã vượt qua được khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ đề ra: Vừa đẩy mạnh SXKD vừa phòng chống dịch có hiệu quả.

 

 

Đại biểu Trần Hoàng Kim Dung,Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới

 

Sau khi thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà, cùng tiến lên CNXH, năm 1986,  Đảng ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN thì các HTX cũ trước đây tỏ ra lúng túng, chưa được chuẩn bị kỹ về sức và lực để đi trên con đường mới. QHSX không phù hợp với LLSX đó là nguyên nhân làm cho các HTX kiểu cũ lần lượt tan rã, làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Đến cuối năm 1996 toàn tỉnh chỉ còn hơn 100 HTX nhưng hoạt động chỉ là hình thức.

 

Sau nhiều năm thăng trầm, nhờ các Chỉ thị, Nghị quyết của TW Đảng, của tỉnh và Luật HTX 1996 ra đời đã kịp thời ngăn chặn sự tan rã hàng loạt của các HTX. Cho đến nay các HTX ở tỉnh ta đã được khôi phục và phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 393 HTX, 1 Liên hiệp HTX và trên 600 THT. Tuy số lượng HTX ít nhưng tính xã hội của nó rất cao, các HTX rất tự hào sánh vai cùng các thành phần kinh tế khác để xây dựng tỉnh ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhất là vùng nông thôn.

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về năng lực kinh tế, về mô hình HTX kiểu mới, về cơ chế chính sách nhưng các HTX tỉnh ta đã góp phần đắc lực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở nông thôn, làm tốt công tác an sinh xã hội, khơi dậy tình làng nghĩa xóm. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Bên cạnh những thuận lợi, các HTX cũng còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc như: Sản xuất còn manh mún. Tính liên kết hợp tác thực hiện các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa được chặt chẽ, luôn bị ảnh hưởng bởi thời vụ và thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là khi có biến động của thị trường, các HTX chưa am hiểu nhiều về luật chơi của kinh tế thị trường nên hay bị thua thiệt, bị tổn thương do yếu về kinh tế và tầm nhìn vĩ mô, thiếu vốn để SXKD. Vay vốn ngân hàng thì thiếu điều kiện thế chấp, trong cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác thiếu bình đẳng. Năng suất lao động thấp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa được đào tạo bài bản, lại không ổn định. Phần lớn các HTX trong tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu và tạo ra mặt hàng chủ đạo mang nét đặc trưng của quê hương. Số lượng HTX còn ít, số HTX khá giỏi chưa nhiều, chiếm khoảng 52 % trong tổng số HTX. Những khó khăn, yếu kém trên ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và hiệu quả hoạt động của các HTX.

 

Trước thực trạng của các HTX và tình hình nông thôn hiện nay, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã chỉ rõ:

 

+ Đối với Nông nghiệp nông thôn: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

 

+ Đối với kinh tế HTX: Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà trọng tâm là các HTX, phát triển thêm nhiều HTX kiểu mới, làm ăn có hiệu quả, phát triển các THT, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ và phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp.

 

Để thực hiện có kết qủa chủ trương của Đảng, các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh trong đó có Liên minh HTX cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy chính quyền các cấp. Phấn đấu hàng năm phát triển mới từ 20-25 HTX kiểu mới và hàng chục THT ở các loại hình trên mọi lĩnh vực kinh tế. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX hiện có lên 60-65% HTX khá giỏi.

 

Để đạt được mục tiêu trên, cần có một số giải pháp sau:

 

1. Đề xuất Lãnh đạo tỉnh tổ chức quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về kinh tế nông thôn và kinh tế HTX đến tận xã phường để mọi người phấn đấu thực hiện.   Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã  hội ở địa phương cần gắn với kế hoạch phát triển kinh tế tập thể mà trọng tâm là HTX với các chỉ tiêu, biện pháp thực hiện cụ thể.

 

2. Tạo cơ chế bình đẳng trong kinh doanh giữa HTX với các thành phần kinh tế khác. Cái gì doanh nghiệp làm được thì để cho DN, còn cái gì HTX làm được thì giao cho HTX, đặc biệt là các công trình, dự án phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

 

3. Hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ và thành viên HTX về quản trị kinh doanh, kế toán, tài vụ, kiểm soát, chuyển đổi số theo cuộc cách mạng 4.0, phương pháp xây dựng và điều hành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp; phát triển ngành nghề mới trong HTX; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan đến kinh tế tập thể.

 

4. Nhà nước hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho HTX có vốn để mở rộng SXKD thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và Ngân hàng chính sách xã hội.

 

5. Liên minh HTX là 1 tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, cần được củng cố và tạo cho họ có vị trí xứng đáng trong xã hội để họ phấn đấu trở thành mái nhà chung, là chỗ dựa cho các HTX, kinh tế hộ phát triển và là người đại diện, hỗ trợ, tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho các HTX.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Hoàng Kim Dung,

Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

More