Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 3448

  • Tổng 3.005.494

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Post date: 20/04/2023

Font size : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

 

1. Cử tri phản ánh, hiện nay, việc tuyển thanh niên đi nghĩa vụ quân sự gặp nhiều khó khăn, lực lượng thanh niên sẵn sàng nhập ngũ và tự nguyện nhập ngũ không nhiều vì các lý do như đi xuất khẩu lao động, sức khỏe không đảm bảo, nhập học, v.v... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng tuyển quân hàng năm. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự để phù hợp với thực tiễn, theo đó cần mở rộng đối tượng nhập ngũ, như học sinh sau khi học xong THPT không tham gia học các trường đại học, cao đẳng hoặc sau khi học xong chương trình đại học, cao đẳng cần phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, cần sửa đổi tiêu chuẩn về khám tuyển nhập ngũ để phù hợp với tình hình thực tiễn; nâng phụ cấp đối với tân binh nhập ngũ sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ có khoản kinh phí để tháo gỡ khó khăn và có chế tài xử lý những đối tượng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự (Cử tri Hà Văn Khiêm, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh).

 

Trả lời:

 

Sau khi nghiên cứu, Bộ Quốc phòng trả lời như sau: Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015, được QH khóa XIII, kỳ họp thứ 9, thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành, điều chỉnh một số nội dung cơ bản như: Quy định về đăng ký về nghĩa vụ quân sự (NVQS), đối tượng tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; tiêu chuẩn tuyển chọn về độ tuổi gọi nhập ngũ, sức khỏe, văn hóa, chính trị, đạo đức; chế độ chính sách đối với hạ sỹ quan, binh sỹ và thân nhân; chế tài xử phạt…đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về NVQS. Sau hơn 7 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị. Thực hiện Luật NVQS năm 2015, hàng năm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ để bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo vệ vững chức tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

 

Qua sơ kết, nghiên cứu, rà soát 6 năm thực hiện Luật NVQS năm 2015 giai đoạn 2016-2021 của các địa phương, đơn vị và Bộ Quốc phòng; thực tiễn quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điều 42 có nội dung chưa được cụ thể, thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ ở địa phương; chế độ, chính sách đối với hạ sỹ quan, binh sỹ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân quy định tại Điều 49, Điều 50 đã được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, so với thu nhập chung của người lao động và mặt bằng so với các đối tượng tương đương, nhất là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người lao động tại các khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài; mức trợ cấp xuất ngũ thấp trong khi công dân nhập ngũ phải gác việc học tập, lao động sản xuất, hôn nhân gia đình trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi nhập ngũ.

 

Bộ Quốc phòng tiếp thu, nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, báo cáo UBTVQH, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 theo Chương trình soạn thảo Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực NVQS bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

 

(Công văn số 877/BQP-TM ngày 21/3/2023 của Bộ Quốc phòng trả lời KNCT sau kỳ họp 4, QH khóa XV)

 

 2. Cử tri phản ánh, trong thời gian qua, xuất hiện việc thiếu xăng, dầu và một số mặt hàng khác ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng liên quan có các giải pháp phù hợp để bình ổn xăng dầu trong giai đoạn hiện nay (Cử tri Nguyễn Thanh Tùng, thôn 11 xã Lộc Ninh, Đồng Hới).

 

Trả lời:

 

 Sau khi nghiên cứu Bộ Công thương xin trả lời như sau: Để bình ổn giá xăng, đảm bảo nguồn cung cấp xăng dầu phục vụ nhu cầu cần thiết của người dân, thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục triển khai một số giải pháp sau:

 

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới;

 

- Sử dụng công cụ quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu;

 

- Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, chia sẻ thù lao với các đại lý, khách hàng để ổn định chuỗi cung ứng, duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu nhập khẩu tối thiểu hàng năm được Bộ Công thương phân giao; chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng cho thị trường, khách hàng;

 

- Kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường; Kiến nghị Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.

 

Với việc triển khai các giải pháp trên, nguồn cung xăng dầu thị trường trong nước sẽ cơ bản được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ, đứt gãy chuỗi cung ứng.

 

(Công văn số 1290/BCT-KHTC ngày 13/3/2023 của Bộ Công thương trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

3. Cử tri phản ánh, tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân có bổ sung thêm Khoản 14 Điều 50, trong đó quy định các đối tượng này “được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội” là đúng nhưng chưa thực sự công bằng đối với các đối tượng trước khi tham gia quân đội, công an đã từng làm việc trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng cho phép cộng nối thời gian công tác cho các đối tượng là quân nhân, công an nhân dân trước khi nhập ngũ đang tham gia công tác tại các cơ quan Nhà nước (nhất là trong đợt tổng động viên năm 1979, số người tham gia cơ quan nhà nước trước khi nhập ngũ ít nhất là 01 năm trở lên khá đông) để họ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi và sự công bằng trong xã hội (Cử tri Đinh Bá Sâm, TDP 4, thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa).

 

Trả lời:

 

 Sau khi nghiên cứu, Bộ Quốc phòng trả lời như sau: Theo quy định tại điểm b, khoản 3, điều 24 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thì Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

 

Hiện nay việc tính thời gian công tác đối với đối tượng theo kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình được thực hiện theo quy định tại khoản 6, Điều 123 Luật BHXH năm 2014, đó là: “Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân”.

 

Tại Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước thì việc tính thời gian công tác đối với đối tượng là quân nhân, công an nhân dân trước khi nhập ngũ đang tham gia công tác tại các cơ quan Nhà nước được thực hiện như sau: Công nhân, viên chức đang công tác được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự, sau đó lại trở về cơ quan, xí nghiệp thì xem như vẫn liên tục công tác. Việc quy định thời gian công tác liên tục là để có cơ sở đãi ngộ người công nhân, viên chức trong các chế độ BHXH.

 

(Công văn số 483/BQP-CT ngày 21/02/2023 của Bộ Quốc phòng trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

4. Các quy định về chế độ người có công, Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg của TTCP về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh VN và Nghị định số 112/2017/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở Miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 quy định về chế độ hỗ trợ cho các đối tượng này tương đối thấp, không đảm bảo nhu cầu tối thiểu cuộc sống, trong khi đó đến thời điểm hiện tại các đối tượng này tuổi đã cao, lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Từ thực tế trên, cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xem xét đề nghị Chính phủ sửa đổi các nghị định liên quan nâng mức hỗ trợ chế độ chính sách cho người có công và các đối tượng khác như nạn nhân chất độc màu da cam, thanh niên xung phong để đảm bảo cuộc sống.

 

Trả lời:

 

1. Về việc nâng mức hỗ trợ chế độ chính sách cho ngường có công

 

Chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của từng diện đối tượng và cân đối mặt bằng chính sách nói chung.

 

Để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, ngày 11/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 01/7/2023sex thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đảm bảo không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

 

2. Về kiến nghị sửa đổi các nghị định liên quan nâng mức hỗ trợ chế độ chính sách cho các đối tượng nạn nhân chất độc màu da cam

 

Đối với nạn nhân chất độc màu da cam dẫn đến khuyết tật nặng và đặc biệt nặng thì được hưởng chính sách trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trự xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng đã tăng từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng. Việc nâng mức trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Tại điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đã quy định tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này. Do vậy, theo quy định hiện hành, việc nâng mức trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội được bảo đảm từ nguồn ngân sách địa phương, thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng bố trí ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

 

(Công văn số 691/LĐTBXH-VP ngày 01/3/2023 của Bộ LĐTBXH trả lời KNCT sau kỳ họp 4)

 

5. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo khảo sát và có kế hoạch nâng cấp đoạn Quốc lộ 12 qua thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (nhất là đoạn qua Cống hói Zun, gần chợ Quy Đạt). Hiện nay, đoạn đường này xuống cấp rất nghiêm trọng, gây nguy cơ tai nạn giao thông cao.

 

Trả lời:

 

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 12A đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài 106 km, quy mô cấp III, 2-4 làn xe. Hiện trạng quốc lộ 12A đoạn qua thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa đã được đầu tư co quy mô cấp III miền núi, cơ bản phù hợp theo quy hoạch được duyệt.

 

Hiện nay, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị định số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí vốn để đầu tư Quốc lộ 12A đoạn qua thị trấn Quy Đạt như kiến nghị của cử tri. Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã cân đối đến 16.113 tỷ đồng để thực hiện các dự án có ý nghĩa động lực, trọng điểm qua địa bàn Quảng Bình. Cong số này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với tỉnh Quảng Bình nói riêng và ngành GTVT nói chung.

 

Bộ GTVT ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Bình về việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 12A đoạn qua thị trấn Quy Đạt và sẽ ưu tiên đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn. Rất mong cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cảm thông và chí sẻ với khó khăn chung của đất nước. Trước mắt Bộ GTVT Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.

 

 (Công văn số 2478/BGTVT-KHĐT ngày 14/3/2023 của Bộ GTVT trả lời KNCT sau kỳ họp 4, QH khóa XV)

 

 6. Cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hơn nữa đến vấn đề trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc; có chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, có giá trị kinh tế vừa đảm bảo giữ đất, giữ nước, chống xói mòn đất, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số về vùng nông thôn, miền núi để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

 

Trả lời:

 

Trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển rừng trồng gỗ lớn là nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng, phát huy vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tạo nguồn nguyên liệu bề vững cho chế biến và xuất khẩu. Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, như: hỗ trợ 5 đấn 10 triệu đồng/ha cho trồng rừng sản xuất quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 và hỗ trợ 8 triệu đồng/ha quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016.

 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó tại Điều 14 và Điều 15 của dự thảo Nghị định đã quy định đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư phát triển rừng gỗ lớn để thực hiện và đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn trong các giai đoạn tiếp theo.

 

(Công văn số 1131/BNN-TCLN ngày 01/3/2023 của Bộ NN và PTNN trả lời KNCT sau kỳ họp 4)

 

7.  Cử tri phản ánh, thời gian qua, công tác khen thưởng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện khá tốt; trong đó có việc truy thưởng các Huân chương, Huy chương trong kháng chiến. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều Huân, Huy chương thời kỳ kháng chiến chưa có chính sách truy thưởng như Huân chương quân công, Huy hiệu chiến sỹ vẻ vang... Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm rà soát để nắm bắt số lượng, đồng thời tham mưu Chính phủ có chính sách truy thưởng đối với những đối tượng có các loại Huân, Huy chương này (Cử tri Lê Minh Châu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh).

 

Trả lời:

 

Khoản 2, Điều 11 Luật thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định: “Quỹ thi đua, khen thưởng được dùng để chi tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chi in, làm hiện vật khen thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình”. Theo quy định trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 không điều chỉnh chế độ tiền thưởng đối với các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước tặng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong các cuộc kháng chiến.

 

Đối với cá nhân được khen thưởng “Huân chương Chiến công”, “Huy chương chiến sĩ vẻ vang”… thành tích trong các cuộc kháng chiến (tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định trước khi có Luật Thi đua, khen thưởng) là hình thức khen thưởng của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa động viên tinh thần, không có quy định về tiền thưởng kèm theo. Người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được hưởng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và than nhân người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

 

(Công văn số 305/BNV-BTĐKT ngày 01/02/2023 của Bộ Nội vụ về việc trả lời KNCT tỉnh Quảng Bình)

 

8. Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ được nhanh chóng nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, góp phần đảm bảo dự trữ xăng dầu, ổn định an ninh năng lượng quốc gia, không bị đứt gãy nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công thương

 

Trả lời:

 

Tháng 3 năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu của Bộ Công thương giao.

 

Qua theo dõi và nắm bắt tình hình cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng xăng dầu khan hiếm là do diễn biến thị trường xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng tới xăng dầu trong nước, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên thu hẹp hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu… (vướng mắc này hiện đang được Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổii tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP) chứ không phải nguyên nhân do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung cấp ngoại tệ của các NHTM.

 

(Công văn số 1300/NHNN-VP  ngày 28/02/2023 của NHNN việt Nam về việc trả lời KNCT tỉnh Quảng Bình sau kỳ họp 4, QH XV)

 

  9. Cử tri phản ánh, qua quá trình thực tế cho thấy khi có chủ trương giảm lãi suất tiền gửi thì ngay sau đó đồng loạt các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi, kể cả những người đã gửi trước và người gửi sau. Tuy nhiên khi có chủ trương giảm lãi suất tiền vay thì các ngân hàng (như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội…) lại kéo dài thời gian rất lâu mới thực hiện giảm cho đối tượng vay trong thời điểm đó, còn đối tượng vay trước thì không được giảm. Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước giải thích và chỉ đạo giải quyết bất cập nói trên nhằm đảm bảo công bằng cho khách hàng của hệ thống ngân hàng (Đinh Bá Sâm, TDP 4, thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa)

 

Trả lời:

 

Về lãi suất tền gửi: Theo quy định hiện hành, NHNN quy định lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn dưới 6 tháng bằng VND và việc áp dụng lãi suất tiền gửi cụ thể là do TCTD xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, tình hình hoạt động của TCTD; Lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Trường hợp lãi suất có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết về lãi suất cho đến ngày đến hạn khoản tiền gửi.

 

Về lãi suất cho vay: Theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Tương tự như lãi suất tiền gửi, trường hợp  TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng.

 

(Công văn số 1300/NHNN-VP  ngày 28/02/2023 của NHNN việt Nam về việc trả lời KNCT tỉnh Quảng Bình sau kỳ họp 4, QH XV)

More