Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 6022

  • Tổng 2.932.182

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Post date: 06/06/2022

Font size : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Cảnh sát cơ động sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:

 

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

 

Tại Chương IV của dự thảo Luật quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát cơ động. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung “quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động” vào Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của luật. Cụ thể: “Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

 

2. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

 

- Đề nghị bổ sung khoản 2 nội dung “các biện pháp công tác khác” và giải thích rõ các biện pháp công tác khác là biện pháp gì. Bởi trong dự thảo có nhiều điều luật sử dụng thuật ngữ này, nhưng lại chưa được giải thích rõ, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động của lực lượng vũ trang.

 

- Chuyển khoản 2 thành khoản 3 và thay từ “Cán bộ, chiến sĩ” bằng “Lực lượng Cảnh sát cơ động”, để đảm bảo thống nhất với Luật Cán bộ, Công chức. Theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức, “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội…”. Do đó, dự thảo Luật sử dụng từ cán bộ là không phù hợp. Cụ thể: “Lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Cảnh sát cơ động”. Tương tự ở các điều luật khác có sử dụng từ “cán bộ, chiến sĩ” cần sửa lại thành “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ…”.

 

3. Về xây dựng cảnh sát cơ động (Điều 5)

 

Tại khoản 1, đề nghị bỏ hai chữ “cách mạng”, sửa lại là: “Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động”. Vì dễ gây hiểu nhầm: Cách mạng là một quá trình của Nhân dân hoặc một tổ chức mà trong đó các hoạt động đấu tranh diễn ra liên tục nhằm xoá bỏ một chính quyền, thay đổi trong các thể chế chính trị - xã hội hoặc thay đổi lớn trong một nền kinh tế hay văn hóa. Đồng thời không phù hợp với Khoản 1 Điều 9 “…xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...”.

 

4. Về hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 7)

 

Đề nghị bỏ cụm từ “và thỏa thuận quốc tế có liên quan”. Vì theo khoản 1 Điều 2 Luật điều ước quốc tế quy định “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết.... không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”.

 

5. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)

 

Đề nghị bỏ từ “đặc biệt” tại khoản 4. Sửa lại thành: “Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác của Cảnh sát cơ động”.

 

6. Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9)

 

Đề nghị bỏ cụm từ “với Bộ trưởng Bộ Công an” tại khoản 1. Vì cảnh sát cơ động là lực lượng lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, cho nên theo quy định tại Điều 15 Luật Công an nhân dân, thì “Công an nhân dân có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Cho nên, Cảnh sát cơ động ngoài việc tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an, còn phải tham mưu cho các cơ quan của Đảng, Chính quyền từ trung ương đến địa phương.

 

7. Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10)

 

Đề nghị bổ sung cụm từ “và các phương tiện khác” sau từ “tàu bay” tại điểm c khoản 2, nhằm đảm bảo huy động được các phương tiện, kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trong từng không gian khác nhau.

 

8. Về bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt (Điều 11)

 

Khoản 1 Điều 11 dự thảo quy định:

 

1. Hoạt động của Cảnh sát cơ động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: 

 

a) Canh gác, tuần tra;...

 

Việc quy định hoạt động bảo vệ gồm những nội dung trên là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ mục tiêu. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu qua trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đã nêu lực lượng Cảnh sát nhân dân, mà cụ thể ở đây là lực lượng cảnh sát cơ động có trách nhiệm vũ trang canh gác, tuần tra bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại vào mục tiêu. Nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư số 01/2011/TT-BCA ngày 18/01/2011 về hoạt động vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng cảnh sát bảo vệ. Có thể thấy, hoạt động vũ trang canh gác bảo vệ gồm rất nhiều hoạt động khác như: Bắt người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã giao cho cơ quan Công an sở tại; Bảo vệ hiện trường khi vụ việc xảy ra có dấu hiệu phạm tội, tai nạn xảy ra tại khu vực mục tiêu đang được bảo vệ; Chủ động phát hiện các hiện tượng tụ tập đông người ở khu vực mục tiêu đang được bảo vệ, nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, trực tiếp giải thích và yêu cầu mọi người giải tán,…

 

Vì vậy, cần sửa điểm a khoản 1 Điều 11 dự thảo thành:

 

“1. Hoạt động của Cảnh sát cơ động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: 

 

a) Vũ trang canh gác, tuần tra kiểm soát;”

 

9. Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 30)

 

Đề nghị bổ sung khoản 5 quy định nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể: “Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về hoạt động của Cảnh sát cơ động”.

 

10. Một số nội dung khác

 

- Tại khoản 2 Điều 19, đề nghị sửa từ “thuộc quyền” thành “thuộc thẩm quyền quản lý”, đảm bảo rõ ý, tránh gây hiểu lầm với các quyền khác. 

 

- Khoản 2 Điều 21 quy định về nội dung phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, đề nghị không nên liệt kê lại các nội dung mà nên quy định “Theo quy định tại Điều 9 nhiệm vụ của Cảnh sát Cơ động”, vừa ngắn gọn và đầy đủ nội dung phối hợp.

 

- Tại Điều 22, kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát cơ động, đề nghị bỏ cụm từ “đất đai, trụ sở, công trình”; vì cơ sở vật chất đã bao gồm đất đai, trụ sở, công trình.

 

- Tại khoản 3 Điều 28 và khoản 3 Điều 30, đề nghị bỏ từ “tuyên truyền”, để phù hợp với Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật./.

 

Phòng CTQH
 

More