Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 16

  • Hôm nay 2642

  • Tổng 3.207.277

PHÁT HUY TỐT VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BAN HĐND TRONG HOẠT ĐỘNG THẨM TRA, GIÁM SÁT

Post date: 10/07/2014

Font size : A- A A+
 Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (năm 2003) thì các Ban của HĐND có nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp thẩm tra các báo cáo, đề án do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công; giám sát hoạt động của Uỷ ban nhân dân (UBND), các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, hoạt động `của Toà án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp; giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật và nghị quyết của HĐND. Với việc thực hiện hai nhiệm vụ thẩm tra và giám sát nên có thể khẳng định rằng các Ban của HĐND có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND.

 Thẩm tra báo cáo là hình thức giám sát nhằm kiểm chứng những nội dung các báo cáo của UBND, TAND, VKSND. Báo cáo thẩm tra thể hiện quan điểm chính kiến độc lập của Ban trên cơ sở các nguồn thông tin đa chiều. Hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án là việc xem xét nội dung dự thảo nghị quyết, đề án có đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay không. Như vậy, báo cáo thẩm tra của các Ban thực chất là kiểm định nội dung và chất lượng các dự thảo nghị quyết, đề án trước khi trình HĐND thông qua; là nguồn thông tin cần thiết, chính thống có tính chất định hướng để các đại biểu xem xét, thảo luận và biểu quyết quyết định các Nghị quyết do HĐND ban hành.

 

Kết quả hoạt động giám sát của các Ban được thể hiện bằng văn bản báo cáo với HĐND. Chính vì vậy, quá trình tổ chức các Đoàn giám sát, các cuộc giám sát phải chặt chẽ, khoa học từ việc xác định nội dung, đối tượng chịu sự giám sát và phương pháp tiến hành giám sát. Có thể xem hoạt động giám sát của các Ban giống như người bác sỹ khám bệnh vậy. Việc giám sát tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị không ngoài mục đích đánh giá, kết luận quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật của tổ chức, cơ quan, đơn vị đó có vận hành một cách hiệu quả - “khỏe mạnh”, hay còn hạn chế, vướng mắc -“lâm bệnh”. Nếu hoạt động không hiệu quả thì chắc chắn là mắc các “chứng bệnh”, phải tìm ra được bệnh gì, nguyên nhân gây ra “bệnh” để từ đó tìm ra “đơn thuốc” đúng loại, đủ liều lượng để điều trị, giúp cho những “cơ thể” đó phát triển lành mạnh.
  

Kiến nghị qua giám sát của các Ban phải là những liều thuốc đặc trị; thực hiện các kiến nghị đó sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm cho các quan hệ xã hội vận hành đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Để có những kiến nghị trúng và đúng, có tính khả thi thì việc nhận định, đánh giá từ việc giám sát phải đúng. Sự thực thì việc “khám bệnh” đối với pháp nhân khó hơn nhiều so với khám bệnh cho thể nhân, bởi lẽ đối với người bệnh thì luôn mong muốn tìm ra bệnh để điều trị nên khai đúng các triệu chứng, còn đối với pháp nhân thì thường có tâm lý che dấu những tồn tại, hạn chế của mình. Do đó, để mỗi thành viên của Ban là những “bác sỹ” biết việc, thạo việc và giỏi việc thì cần phải có trình độ chuyên môn, có kiến thức và am hiểu về lĩnh vực thuộc thẩm quyền giám sát; phải nắm luật, hiểu đúng quy định của pháp luật; phải thường xuyên theo dõi, cập nhật để có đầy đủ, chính xác các thông tin về tình hình xã hội, về hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực giám sát của ban. Báo cáo giám sát phải nhận định, đánh giá sát đúng với thực tế, các kiến nghị phải phù hợp và có tính khả thi.
  

Để đạt được mục đích của hoạt động giám sát, khi làm việc với các cơ quan, tổ chức các thành viên của Đoàn giám sát không nên tuyên truyền, chỉ đạo cần phải làm việc này, việc nọ hay góp ý câu, chữ trong báo cáo mà cần có phương pháp và nghệ thuật để khai thác, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của cơ quan, tổ chức đó trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, nhất là những nguyên nhân chủ yếu gây ra những tồn tại, hạn chế; phải nắm bắt được thông tin về tình hình thực tế về lĩnh vực giám sát. Cần thận trọng trong việc dùng các thuật ngữ chuyên môn thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức đến giám sát.
  

Kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 đã bầu ra thanh viên các Ban của HĐND hai cấp và đi vào hoạt động. Với các gương mặt mới ở độ tuổi trẻ và sung sức hơn, trình độ học vấn cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Điều đó đủ để cử tri tin tưởng tiếp bước sự thành công trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, do hầu hết thành viên của các Ban hoạt động kiêm nhiệm, phải dành nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ lãnh đạo nơi cơ quan công tác. Mặt khác, các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giám sát lại quá rộng nên khó để tiếp cận sâu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đòi hỏi thành viên các Ban cần phải dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, học hỏi. Trước hết từng cá nhân phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, của các Ban HĐND và đại biểu HĐND; phân biệt rõ ràng giữa các hoạt động giám sát, khảo sát với thanh tra, kiểm tra. Tiếp đến là cần tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát. Ngoài sự nổ lực học hỏi của các thành viên, các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức tập huấn chuyên sâu cho thành viên các Ban để từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi đặt ra cho các Ban của HĐND.

Phạm Thái

More