Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1459

  • Tổng 3.018.967

Một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Post date: 07/08/2022

Font size : A- A A+

 

Qua xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của UBND tỉnh, Tổ đại biểu số 1 đồng tình cao với nội dung của báo cáo.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo kịp thời của cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục được duy trì và có bước phát triển đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm sóc sức khỏe, lao động việc làm, giảm nghèo được quan tâm. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục có b­ước chuyển biến, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao, đã tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển rộng khắp. An sinh xã hội đư­ợc quan tâm, chế độ chính sách đối với các gia đình th­ương binh, liệt sỹ, các đối tượng h­ưởng chế độ bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thực hiện kịp thời, đầy đủ.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt cao so với kế hoạch, quy mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp còn nhỏ; hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế. Các tiêu chí nông thôn mới đạt được chất lượng chưa cao, còn thiếu vững chắc; tỷ lệ hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, đặc biệt ở đồng bào dân tộc thiểu số… Tổ đại biểu HĐND tỉnh ở đơn vị số 1 nhất trí với các nội dung đánh giá về khuyết điểm, hạn chế trong báo cáo, đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm đánh giá sâu hơn những khó khăn, hạn chế bắt nguồn từ chủ quan, vì đây luôn là nguyên nhân cơ bản. Chỉ rõ những nguyên nhân này sẽ tạo cơ sở để đề ra các giải pháp thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022.

 

Về nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, Tổ đại biểu số 1 nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Báo cáo. Để thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, chúng tôi xin đề xuất và kiến nghị một số giải pháp như sau:

 

Thứ nhất, cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chóng dịch Covid-19, nhất là công tác tiêm phòng vaccine.

 

Tính đến nay, Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển đạt kết quả tương đối toàn diện trên các mặt. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhất là trong việc tiêm vaccine, thậm chí né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân tại một số nơi do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vaccine; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả.

 

Vừa qua, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại nước ta. Dự báo, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

 

Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Thực tiễn cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tuyên truyền nhấn mạnh, việc tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên là những người gương mẫu trong việc tiêm chủng vắc xin Covid-19.

 

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch; chăm lo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê điều, hồ đập, hệ thống tiêu, thoát lũ để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể để sắp xếp, di dời, bố trí các hộ dân đang cư trú ở những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

 

Thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp hoạt động ổn định. Đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm 2022. Thực hiện tốt công tác định hướng thị trường, đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch, gắn với nâng cao chất lượng các tua tuyến, các sản phẩm du lịch và dịch vụ.

 

Thứ ba, tập trung giải quyết hiệu quả những hạn chế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục - đào tạo; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ nhà giáo để khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Làm tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho Nhân dân; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội và các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội.

 

Thứ tư, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để chủ động phòng ngừa dịch Covid-19. Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

 

 

Để phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở huyện Minh Hóa, Tổ đại biểu số 1 đề nghị tỉnh quan tâm một số vấn đề sau đây:

 

1. Về phát triển kinh tế: Đề nghị tỉnh có giải pháp cụ thể đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp; lựa chọn giống cây, con có chất lượng, phù hợp với thực tiễn địa phương; có kế hoạch lâu dài trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa góp phần chống biến đổi khí hậu, hạn chế lũ lụt lớn xảy ra trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

 

2. Về phát triển du lịch: Hỗ trợ huyện trong công tác quy hoạch phát triển du lịch; Quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch của địa phương; đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng; các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư; hỗ trợ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đồng thời xúc tiến, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và quốc tế đầu tư khai thác du lịch trên địa bàn huyện.

 

3. Về giảm nghèo bền vững: ngày 14/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện tốt và sớm đưa nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đề nghị Tỉnh huy động, lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp để tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên về tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm trên địa bàn huyện, ở xã nghèo, hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nhằm giúp cho địa phương, người dân yên tâm sản xuất. Quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, huy động các dự án hỗ trợ đào tạo cho con em hộ nghèo, bảo đảm y tế cho hộ nghèo, tổ chức tăng thêm sinh kế, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân để giảm nghèo bền vững. Quan tâm đến bộ phận những người yếu thế trong xã hội nhằm thể hiện tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

4. Về công tác dân tộc: Dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa hiện tại chiếm 21,56% dân số toàn huyện, đời sống của Nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Ngày 10/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đây là cơ sở quan trọng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong tỉnh nói chung và huyện Minh Hóa nói riêng. Để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, đề nghị tỉnh quan tâm huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đầu tư cho công tác giảm nghèo, giải quyết khó khăn đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình. Tạo việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm chế độ đãi ngộ đối với già làng, trưởng bản nhằm nâng cao hiệu quả vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

5. Về xây dựng Nông thôn mới: Đề nghị tăng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; có chính sách phù hợp để các xã giữ vững chuẩn nông thôn mới; ưu tiên hỗ trợ kinh phí nhiều hơn cho các xã khó khăn, miền núi để sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; có chính sách, giải pháp xây dựng các công trình chống lũ, vượt lũ.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Bùi Anh Tuấn,

Tổ đại biều huyện Minh Hóa tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

More