Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 1652

  • Tổng 2.966.000

Một số giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội năm 2022 và công tác phòng chống dịch Covid 19 trong tình hình mới

Post date: 13/12/2021

Font size : A- A A+

 

Tỉnh ta triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong điều kiện đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả nặng nề của lũ lụt lịch sử năm 2020, đặc biệt là diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ lĩnh vực KT-XH của tỉnh, cũng như đời sống, sản xuất của Nhân dân. Với những chủ trương đúng đắn, các biện pháp toàn diện và kịp thời được triển khai trong thời gian qua, đã giúp chúng ta đạt được những kết quả quan trọng về kiểm soát dịch bệnh; về duy trì và ổn định sản xuất, về ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh Covid 19 và chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta nhìn nhận rằng: năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các chương trình trọng tâm, khâu đột phá nhiệm kỳ 2021-2025; Qua đánh giá, có 08 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra để hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ và năm 2022 càng nặng nề hơn.

 

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thụ, Tổ đại biều huyện Quảng Ninh

 

Dự báo năm 2022, chúng ta tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt dịch bệnh Covid - 19 dự báo đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu và trong nước, với nhiều biến chủng mới xuất hiện, có thể bùng phát các đợt dịch mới bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu; điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh phải tiếp tục phát huy tinh thần cảnh giác, bình tĩnh, chủ động trong mọi tình huống, kiểm soát linh hoạt, an toàn dịch bệnh đi đôi với nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

1. Trong thời điểm này, xác định việc tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu, quyết định cho thành quả phát triển KT-XH năm 2022. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Chúng ta chuyển hướng phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải gắn với phương châm “an toàn vẫn là trên hết”, triển khai từng bước chặt chẽ, chắc chắn. Nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành trọng điểm của tỉnh, như: du lịch, dịch vụ, nông nghiệp,…; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc quản lý người về/đến từ các địa phương khác cần phải có giải pháp chặt chẽ hơn, một bộ phận người dân khi đã được tiểm đủ 2 mũi vacxin có tâm lý chủ quan, khai báo y tế không đầy đủ; một số nơi phát sinh dịch do việc theo dõi y tế tại nhà chưa chặt chẽ, Tổ Covid cộng đồng làm việc kiêm nhiệm, chế độ hỗ trợ thấp nên một số nơi phát huy hiệu quả chưa cao.

 

 Hiện nay ở cấp huyện, mô hình tổ chức phòng Y tế huyện so với chức năng nhiệm vụ đang còn bất cập. Biên chế công chức ở Phòng Yế cấp huyện đa số các huyện, TX, TP là thiếu hụt, quy mô nhỏ, đây lại là lĩnh vực chuyên môn đặc thù, khó sáp nhập với các cơ quan chuyên môn khác; trong khi đó, Trung tâm Y tế và các Trạm y tế hiện nay thuộc quản lý của Sở Y tế, qua đợt bùng phát dịch đã cho thấy một số khó khăn cho cấp huyện trong chỉ đạo điều hành. Đề nghị UBND tỉnh chú trọng đầu tư chuyên môn, tăng cường năng lực cho y tế tuyến huyện, xã, phường nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới; kiến nghị với Chính phủ sắp xếp lại tổ chức ngành y tế phù hợp. Bên cạnh đó, cần rà soát, có xuất chính sách hỗ trợ, động viên cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc COVID-19… Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp phát hiện có sai phạm.

 

2. Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển KTXH phù hợp, có tính khả thi, để vừa giữ vững ổn định kinh tế vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư, tiếp tục các nhiệm vụ phục hồi, phát triển KTXH trên địa bàn. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn hiệu quả đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là có các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính liên vùng, liên khu vực, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Đường Ven biển, Đường cao tốc Bắc Nam….

 

3. Đối với sản xuất nông nghiệp:

 

Tỉnh ta đã xây dựng nhiều chương trình, đề án trọng tâm như: Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; Đề án Mỗi xã một sản phẩm - OCOP… Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030… cùng với đó là 03 chương trình mục tiêu Quốc gia. Mặc dù ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực để từng bước tiệm cận các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên có thể thấy rằng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tính liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn trên địa bàn vẫn còn hạn chế; việc kết nối cung cầu, thu thập thông tin thị trường nông sản vẫn còn ở phạm vi hẹp, đặc biệt trước tác động của đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ.

 

Trong thời gian tới, đề nghị các ngành chuyên môn bám sát các Đề án, chương trình, kết hợp lồng ghép ứng dụng các đề tài khoa học được nghiệm thu để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, đẩy mạnh các chuỗi sản xuất hàng hóa, chương trình OCOP; để áp dụng các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp về kết nối cung cầu, chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn nữa; tăng cường kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất theo cánh đồng lớn; vừa hỗ trợ người nông dân cũng như người tiêu dùng trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Triển khai lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, kế hoạch đang triển khai trên lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ tại Quảng Bình.

 

4. Trong công tác quản lý đất đai:

 

Tôi đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Báo cáo KTXH, tuy nhiên, tôi đề nghị quan tâm hơn trong công tác quản lý và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn ra. Thực trạng hiện nay ở nhiều địa phương, tình trạng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh, công trình phụ trợ … xây dựng trái phép, không đúng mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp xảy ra ở nhiều nơi; việc xử lý buộc khắc phục hậu quả vi phạm phần lớn thực hiện chậm và chưa triệt để. Đề nghị tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác; phát hiện, xử lý sớm ngay khi xuất hiện dấu hiệu vi phạm. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép; xử lý trách nhiệm đối với UBND cấp xã, nhất là người đứng đầu buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích, khai thác đất mặt trái phép.

 

Việc chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay cũng đang phát sinh những bất cập nhất là về giá đất. Tại huyện Quảng Ninh, hiện nay giá đất ở phổ biến trên thị trường có mức chênh lệch rất cao so với Bảng giá đất ở quy định tại Quyết định 40/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đặc biệt tại khu vực thuộc Quy hoạch Khu đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận, vùng quy hoạch mở rộng phía Nam thành phố Đồng Hới. Bảng giá đất ở địa phương chủ yếu sử dụng vào mục đích tính tiền sử dụng đất, tính thuế sử dụng đất, trong khi đó hiện nay nhu cầu chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở tại địa phương là rất nhiều, chủ yếu là trong hạn mức đất ở. Vì vậy, nếu bảng giá đất ở thấp hơn nhiều so với giá thị trường, thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính giữa người chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở so với người đấu giá đất, nhận chuyển nhượng quyền SDĐ có sự chênh lệch rất lớn, không đảm bảo sự công bằng, gây thất thu nhiều cho ngân sách nhà nước. Từ sự chênh lệch này cũng dẫn đến việc thẩm định tài sản thế chấp, định giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án,…sẽ khó khăn. Do đó, đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh hệ số giá đất ở tại Bảng giá đất hiện nay theo từng khu vực, vị trí, tuyến đường.

 

5. Về phát triển du lịch dịch vụ

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trinh hành động về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025; Năm đầu tiên thực hiện Chương trình vô cùng khó khăn, tổng lượng khách du lịch năm 2021 giảm 70% so năm 2020 và chỉ đạt 11% KH; có thể nói du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ của năm tới tôi cho rằng phải tập trung giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới, tăng cường các hoạt động kích cầu du lịch bằng các giải pháp cụ thể về tuyên truyền quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm (vừa qua Sở Du lịch đã có đề xuất UBND tỉnh về chủ trương xây dựng “Đề án phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp”, đó cũng là một hướng đi thích hợp) … Đồng thời, tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phát triển du lịch. Nhưng quan trọng hơn hết là phải đảm bảo an toàn, chỉ khi kiềm soát tốt dịch bệnh, giữ được “vùng xanh”, thích ứng an toàn thì chúng ta mới có thể đạt được chỉ tiêu có 2 triệu lượt khách đến Quảng Bình trong năm 2022.

 

6. Về lao động và việc làm:

 

Khi đợt dịch thứ 3 bùng phát mạnh, tỉnh ta đã có chủ trương đón công dân QB ở TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê theo nguyện vọng. Bên cạnh đó, một lượng lớn công dân tỉnh ta ở khắp các tỉnh thành trở về quê bằng phương tiện cá nhân; rất nhiều trong số đó là lực lượng lao động. Đề nghị các ngành chuyên môn chỉ đạo thống kê cụ thể số lao động trở về quê trong đó có bao nhiêu lao động sẽ ở lại tìm việc làm để có tính toán hợp lý về chỉ tiêu giải quyết việc làm trong năm tới. Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân để duy trì “nguồn cung” lao động an toàn cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm tại địa phương; kết nối thông tin cung cầu lao động trên thị trường; có các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng để tạo việc làm cho người lao động, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tập trung khôi phục - thúc đẩy sản xuất kinh doanh, triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp người lao động yên tâm làm việc.

 

7. Về giáo dục & đào tạo: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, việc chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến ở một số thời điểm, một số nội dung là cần thiết. Tuy nhiên giải pháp này có hạn chế đối với khu vực vùng sâu, vùng xa và con em các gia đình nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế; bản thân giáo viên cũng lúng túng trong phương pháp giảng dạy trực tuyến. Do đó, để khắc phục các hạn chế trên, đề nghị Sở Giáo dục và ĐT cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; đổi mới phương pháp dậy học phù hợp với tình hình mới; xây dựng hệ thống học liệu điện tử, bài giảng điện tử; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá phù hợp bảo đảm chất lượng.

 

Qua TXCT trước kỳ họp HĐND tỉnh, địa bàn huyện Quảng Ninh có 07 ý kiến, kiến nghị, trong đó hầu hết các ý kiến đều đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình đường giao thông phục vụ dân sinh, kênh mương thủy lợi, công trình cấp nước sạch sinh hoạt và các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực xã Trường Xuân do hoạt động khai thác đá, nấu nhựa đường của doanh nghiệp. Trong điều kiện ngân sách Tỉnh, huyện hạn chế, tôi cũng rất mong HĐND tỉnh, các ngành quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư một số công trình, hạng mục cấp bách thiết yếu.

 

Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều nhất đó là  vấn đề ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng , sản xuất xi măng tại khu vực xã Trường Xuân, xã Vạn Ninh. Thời gian qua, cử tri đã có kiến nghị nhiều lần, cũng như có thời điểm đã có những hành động gây mất trật tự trên địa bàn, gây áp lực lên chính quyền, doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, thõa đáng các nội dung phản ánh, đề đạt của cử tri. Chính vì vậy, chính quyền cơ sở cũng như bà con nhân dân dề nghị Tỉnh, các Sở ngành chuyên môn, các doanh nghiệp sản xuất, khai thác đá, xi măng trên địa bàn huyện có chính sách hỗ trợ, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với với địa phương thực hiện phương án di dời các hộ dân có nguyện vọng  đến nơi ở mới. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của các Nhà máy, kịp thời phát hiện các vi phạm (nếu có) trong công tác bảo vệ môi trưòng của hai Nhà máy để xử lý theo thẩm quyền. Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan để có phương án tu sửa, nâng câp tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh vào nhà máy, nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Nguyễn Ngọc Thụ,

Tổ đại biều huyện Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

More