Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 2333

  • Tổng 3.128.170

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thị xã Ba Đồn sau Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII

Post date: 06/11/2018

Font size : A- A A+
 

 Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thị xã Ba Đồn sau Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

 

1. Cử tri Phạm Ngọc Long, xã Quảng Tân có ý kiến: Tại sao nhân dân xã Quảng Tân không nằm trong diện đền bù sự cố ô nhiễm môi trường biển đối với lao động đơn giản, trong khi đó một số xã của huyện Quảng Trạch có điều kiện giống như xã Quảng Tân vẫn được đền bù, bồi thường chi trả. Đề nghị tỉnh kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý tránh thiệt thòi cho người dân.


Trả lời:


Theo Quyết định số 2656/QĐ-UBND ngày 27/7/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách các xã, phường, thị trấn ven biển, cửa sông thuộc các huyện, thành phố, thị xã bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển (MTB) thì Quảng Tân là xã cửa sông. Việc xác định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố MTB căn cứ vào thực tế bị thiệt hại và được thôn/xóm tổ chức họp cộng đồng dân cư xem xét, thống nhất; Hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại cấp xã, huyện thẩm định trên cơ sở quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Quyết định số 309/QĐ-TTg, Công văn số 1826/TTg-NN của Thủ tướng Chính phủ và các Văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh. Theo quy định, người lao động sống ven biển làm nghề khai thác thủy sản có tính chất đơn giản và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông như: câu, lặn, te/xiệp, nghề cào, nơm, chụp, lưới rùng, mò, nò, sáo, bẫy, đăng, đáy và các phương thức khai thác khác bị thiệt hại do sự cố MTB thì được bồi thường thiệt hại. Đối với xã Quảng Tân, các lao động đơn giản không thuộc trường hợp được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố MTB, lý do: Tại Văn bản số 140/UBND ngày 01/3/2018 của UBND thị xã Ba Đồn về việc trả lời kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố MTB, xác định người dân các thôn dọc bờ sông của các xã Quảng Hải, Quảng Tân, Quảng Tiên, Quảng Lộc, Quảng Trung, Quảng Phong, Quảng Minh,…chủ yếu làm nghề nông là công việc chính mang lại thu nhập cho gia đình. Trong quá trình rà soát, xác định thiệt hại, UBND xã và Hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại xã Quảng Tân có sự tham gia của đại diện Hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại sự cố MTB thị xã Ba Đồn đã xác định các lao động đơn giản tại xã Quảng Tân không có trường hợp nào được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố MTB.


Về việc một số xã của huyện Quảng Trạch có điều kiện giống như xã Quảng Tân vẫn được đền bù, bồi thường chi trả: UBND tỉnh đã chỉ đạo tại Văn bản số 510/VPUBND-KT ngày 08/02/2018, trong đó giao UBND huyện Quảng Trạch kiểm tra, rà soát, xác minh thông tin, chấn chỉnh sai phạm (nếu có). Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Quảng Trạch đã có báo cáo tại Văn bản số 143/UBND-NN&PTNT ngày 26/02/2018 trong đó khẳng định UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, Hội đồng thẩm định của huyện thực hiện quy trình xét duyệt, thẩm định theo đúng trình tự quy định, UBND huyện phê duyệt, chi trả tiền bồi thường kịp thời cho các đối tượng bị thiệt hại; Sau khi chi trả xong, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, rà soát hồ sơ chi trả tiền bồi thường đúng quy định, thu hồi tiền bồi thường đối với những trường hợp đã kê khai, nhận tiền không đúng đối tượng.


Đề nghị UBND thị xã Ba Đồn và xã Quảng Tân tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ các quy định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố MTB, tạo sự đồng thuận, ổn định trong nhân dân.


(Theo Công văn số 2126/SNN-KHTC ngày 14/9/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


2. Cử tri Nguyễn Văn Hệ, phường Quảng Phong có ý kiến: Ông đã xây dựng hồ sơ về chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến 02 nhưng chưa được giải quyết. Việc trả lời của Ban CHQS Ba Đồn thiếu trách nhiệm với cử tri (trả lời do cử tri nộp chậm), Bộ CHQS trả lời hồ sơ bị tẩy xóa, tuy nhiên, bản thân ông không tẩy xóa. Đề nghị Ban CHQS thị xã sớm giải quyết hồ sơ đảm bảo quyền lợi cho bản thân ông.


Trả lời:


Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS thị xã Ba Đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và ông Nguyễn Văn Hệ kiểm tra xác minh, hướng dẫn cho ông Hệ bổ sung hoàn thiện hồ sơ nộp lên hội đồng chính sách phường Quảng Phong, Hội đồng chính sách phường Quảng Phong tiếp nhận hồ sơ đề nghị Ban CHQS thị xã Ba Đồn thẩm định, xét duyệt và báo cáo Bộ CHQS tỉnh ngày 20/12/2017.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tiếp nhận và thẩm định xét duyệt báo cáo Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 4 đợt 13 ngày 05/4/2018. Hiện nay hồ sơ ông Nguyễn Văn Hệ đang được Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 4 thẩm định xét duyệt và chờ trên ra Quyết định chi trả trợ cấp cho ông theo đúng quy trình.


Như vậy, nguyên nhân chậm trể là do quá trình thiết lập hồ sơ hưởng chế độ ông Nguyễn Văn Hệ kê khai chưa đầy đủ, thiếu cơ sở pháp lý, đồng thời việc hướng dẫn của Hội đồng chính sách phường; Ban Chỉ đạo thị xã và cán bộ trực tiếp làm công tác chính sách hướng dẫn cho đối tượng chưa chặt chẽ nên hồ sơ phải trả lại nhiều lần làm phiền hà cho đối tượng.


(Theo Công văn số 3087/BCH-CT ngày 28/8/2018 của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình về việc phúc đáp Công văn số 1415/UBND –TH)


3. Cử tri Phan Hoàng Yên, xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn có ý kiến: Năm 2014, các đối tượng hưởng chế độ chất độc da cam được điều chỉnh từ 1.850.000 đồng xuống còn 1.450.000 đồng (với lý do không có kết quả giám định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh), điều này có đúng với quy định của pháp luật hay không. Đề nghị tỉnh xem xét chỉ đạo trả lời cho cử tri biết.

Trả lời:

Theo Điểm c, Khoản 6, Điều 42, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính Phủ quy định:


Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng chế độ trước ngày 01 tháng 9 năm 2012 thì thực hiện như sau:


Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% và chưa được xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì tạm thời được bảo lưu mức trợ cấp đang hưởng. Trong thời gian bảo lưu, những trường hợp có nguyện vọng được giám định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền và ra quyết định điều chỉnh trợ cấp theo các mức quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.


Sau ngày 31 tháng 12 năm 2013, những trường hợp không giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%;


Vì vậy, từ ngày 01/01/2014 các đối tượng hưởng chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không có nguyện vọng giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định chuyển hưởng trợ cấp như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%, mức trợ cấp được điều chỉnh từ 1.840.000 đồng xuống còn 1.549.000 đồng (không phải từ 1.850.000 đồng xuống còn 1.450.000 đồng như ý kiến của cử tri phản ánh).


(Theo Công văn số 1324/SLĐTBXH-NCC ngày 25/9/2018 của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, HĐND khóa XVII)


4. Cử tri xã Quảng Tân có ý kiến: Việc đặt giới hạn giao thông trên tuyến đường 559 tại xã Quảng Tân của Sở GTVT tỉnh không hợp lý, làm ảnh hưởng quá trình lưu thông của người dân các xã từ Quảng Tiên đến Quảng Tân, đề nghị Sở GTVT cho chuyển mốc giới hạn giao thông này lên gần nhà máy xi măng Văn Hóa để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở GTVT xem xét trả lời cho cử tri rõ.

Trả lời: 


Đường tỉnh 559 là trục đường nối các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn với xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, do đây là tuyến đường giao thông chính phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến khá lớn. Tuyến đường có hiện trạng mặt đường BTXM rộng 3,5m, nền đường rộng 5,5m, trên tuyến tại Km4+900 thuộc địa phận xã Quảng Tân có cống thủy lợi kết hợp làm cầu đường bộ với bề rộng 4,5m, tải trọng yếu (chỉ xe có tải trọng dưới 13T mới được qua cầu). Năm 2014, trên cơ sở kiến nghị của các cử tri (với nội dung: xe vận chuyển đất sét, cát, đá phục vụ sản xuất cho các nhà máy xi măng Sông Gianh và Văn Hóa đã phá hoại nền, mặt đường, gây ô nhiễm môi trường, làm mất an toàn giao thông và tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn vùng Nam thị xã Ba Đồn), để hạn chế những hậu quả do xe quá tải gây ra, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tiến hành việc lắp đặt khung giới hạn tĩnh không (tại Km6+600 thuộc địa phận xã Quảng Tân) để cấm các xe có tải trọng nặng hoạt động trên tuyến (với khổ giới hạn cao 3,2m, rộng 4,5m bằng bề rộng khổ cầu Quảng Tân trên tuyến). Trước khi lắp dựng, đơn vị quản lý đường bộ là Công ty Cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp II Quảng Bình đã có Công văn số 355/BC-GĐ ngày 16/9/2014 gửi Công an thị xã Ba Đồn, Phòng Quản lý đô thị thị xã Ba Đồn, UBND các xã dọc tuyến Đường tỉnh 559: Quảng Lộc, Quảng Tân, Quảng Trung, Quảng Tiên và Văn Hóa để thông báo và phối hợp; vị trí cắm khung giới hạn cũng đã được thống nhất với UBND xã Quảng Tân.


Kích thước của khung giới hạn đã được tính toán trên cơ sở đo, đếm các loại xe qua lại trên tuyến. Đối với loại xe tải ben nhãn hiệu HOWO thường hay chở hàng quá tải hoạt động trên tuyến có chiều cao từ 3,3-3,5m sẽ không qua được, còn đối với xe khách (trên tuyến có 02 tuyến cố định là Văn Hóa - Đồng Hới và Văn Hóa - Đà Nẵng với xe khách 30 chỗ có chiều cao 3,08m) và các loại phương tiện vận tải khác phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân đều có chiều cao nhỏ hơn khung giới hạn nên vẫn hoạt động bình thường. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng xe quá tải hoạt động trên tuyến nhằm hạn chế sự xuống cấp của tuyến đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, Sở GTVT đề nghị giữ nguyên khung giới hạn tĩnh không tại vị trí hiện tại.


(Theo Công văn số 2259/SGTVT-KHTH ngày 12/9/2018 của Sở Giao thông và Vận tải về việc Giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII)

5. Cử tri phường Quảng Thọ phản ánh: Trên tuyến đường từ Quảng Thọ ra quảng trường biển tình trạng khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng đến tuyến rừng phòng hộ tại đây. Đề nghị các ngành chức năng kiểm tra, xử lý.


Trả lời:


Trước thực trạng một số tổ chức, cá nhân khai thác cát tự phát triển trên địa bàn thị xã nói chung và phường Quảng Thọ nói riêng, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường tham mưu ban hành các Kế hoạch và văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng nêu trên. Đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, tập kết và kinh doanh cát trái phép trên địa bàn thị xã Ba Đồn.


Ngày 01/8/2018, UBND phường Quảng Thọ ban hành Quyết định số 58/QĐ-UBND thành lập Đội liên ngành trực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn phường Quảng Thọ nhằm bảo vệ, tuần tra 24/24h trong ngày, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn. Đội liên ngành bảo vệ tài nguyên và môi trường của các phường Quảng Thọ đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra trên các trục đường của 3 tổ dân phố: Nhân Thọ, Thọ Đơn và Ngoại Hải, giảm thiểu đáng kể và không để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép dọc tuyến đường từ Ngã tư Quảng Thọ ra quảng trường biển như ý kiến cử tri đã phản ánh.


(Theo Báo cáo số 2224/BC-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thị xã Ba Đồn về kết quả Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII)


6. Cử tri phường Quảng Phong có ý kiến: Quy hoạch đất khu vực Đồng Hoang tại TDP 6, TDP 7 phường Quảng Phong để xây dựng Bệnh viện Hữu nghị chất lượng cao đã lâu nhưng đến nay chưa được thi công xây dựng. Vậy từ khi quy hoạch đến nay đã hết thời gian xây dựng hay chưa? Nếu không xây dựng thì cần trả lại quy hoạch để thực hiện xây dựng công trình khác.


Trả lời:


Theo Quy hoạch chung thị xã Ba Đồn được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018 tại Quyết định số 2557/QĐ-UBND ngày 3/8/2018 thì khu vực Đồng Hoang tại TDP 6, TDP 7 phường Quảng Phong được quy hoạch đất Bệnh viện, cơ sở y tế. Khu vực này nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện đa khoa chất lượng cao của tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư nào đề xuất thực hiện dự án, UBND thị xã đang tích cực kêu gọi đầu tư nhằm nâng cao việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn thị xã nói chung và phường Quảng Phong nói riêng.


Theo Quy định, quy hoạch chung thị xã có thời hạn từ 20 đến 25 năm và định kỳ sau 05 năm sẽ được tổng kết, rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của quy hoạch không phù hợp với yêu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội thì sẽ được điều chỉnh sang chức năng khác. Trong thời gian tới thị xã tích cực mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đến dự án để sớm tổ chức, triển khai thực hiện.


(Theo Báo cáo số 2224/BC-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thị xã Ba Đồn về kết quả Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII)


7. Cử tri Lê Vĩnh Tuy – phường Quảng Thọ phản ánh: Việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ một số địa phương làm ồ ạt. Đề nghị tỉnh kiểm tra, xử lý.


Trả lời:


UBND thị xã chỉ đạo phòng Tài nguyên – Môi trường làm việc với cử tri Lê Vĩnh Tuy, phường Quảng Thọ để làm rõ nội dung phản ánh. Qua kết quả làm việc, cử tri Lê Vĩnh Tuy phản ánh các nội dung sau:


- Nội dung liên quan đến chuyển đổi đất rừng phòng hộ tại phường Quảng Thọ đối với Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort tại phường Quảng Thọ.


- Nội dung liên quan đến chuyển đổi đất rừng phòng hộ tại phường Quảng Thọ đối với công trình Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra Quảng trường biển thị xã Ba Đồn.


Đối với 02 ý kiến phản ánh của cử tri Lê Vĩnh Tuy, phường Quảng Thọ nêu trên, UBND thị xã trả lời như sau:


2.1. Nội dung liên quan đến chuyển đổi đất rừng phòng hộ tại phường Quảng Thọ đối với Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort tại phường Quảng Thọ
Thời gian vừa qua, trên địa bàn thị xã Ba Đồn, có 01 công trình được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang các mục đích khác tại phường Quảng Thọ (Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn theo Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình).


Căn cứ Luật đất đai 2013, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất phòng hộ sang các mục đích khác do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tùy vào diện tích. Vì vậy, việc chuyển mục đích khác theo Quyết định của UBND tỉnh hoàn toàn đúng theo quy định của Pháp luật.


2.2. Nội dung liên quan đến chuyển đổi đất rừng phòng hộ tại phường Quảng Tho đối với công trình Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra Quảng trường biểm thị xã Ba Đồn.


Thực hiện Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 02/02/2016 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra Quảng trường biển, thị xã Ba Đồn.


UBND thị xã Ba Đồn đã ban hành các Quyết định số 3739/QĐ-UBND ngày 09/12/2016, Quyết định số 4032/QĐ-UBND ngày 29/12/2016, Quyết định số 1769/QĐ-UBND ngày 12/6/2017, Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 về việc thu hồi đất GPMB xây dựng công trình: Đường từ ngã tư Quảng Thọ ra Quảng trường biển thị xã Ba Đồn. Theo đó các loại đất thu hồi để xây dựng công trình bao gồm: Đất trồng cây hàng năm khác (BHK), đất chuyên trồng lúa nước (LUC), đất nuôi trồng thủy sản (NTS) chứ không có loại đất rừng phòng hộ giống như ý kiến cử tri phản ánh.


( Theo Báo cáo số 2224/BC-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thị xã Ba Đồn về kết quả Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII)


8. Cử tri Nguyễn Văn Tuy, phường Quảng Thọ phản ánh: Toàn thị xã hiện nay còn có 8 TDP chưa có nhà văn hóa, đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cho những địa phương còn gặp khó khăn.


Trả lời:


Căn cứ Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/03/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn.
Việc xây dựng nhà văn hóa thôn, TDP là cần thiết, đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ và kế hoạch, chỉ đạo của các cấp, các ngành địa phương. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn thị xã còn có 8 thôn, TDP chưa có nhà văn hóa do điều kiện kinh phí địa phương còn gặp khó khăn, một số địa phương còn có đề án sáp nhập thôn, TDP. Thời gian tới thị xã sẽ quan tâm hỗ trợ cho các địa phương trên cơ sở phù hợp với tình hình ngân sách thị xã và phù hợp với việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn.


(Theo Báo cáo số 2224/BC-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thị xã Ba Đồn về kết quả Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII)

9. Cử tri Nguyễn Thừa Vũ – phường Quảng Thuận phản ánh: Một số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, muốn chuyển việc lên điều trị tuyến trên còn gặp nhiều khó khăn.


Trả lời:


Theo quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 và Thông tư 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế, việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện đúng phân tuyến chuyên môn và danh mục kỹ thuật đã Sở Y tế duyệt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo quy định trên, các trường hợp nếu bệnh nhân nặng vượt qua khả năng chuyên môn hoặc trong quá trình điều trị cần phải thực hiện các kỹ thuật mà bệnh viện không được phê duyệt thì bắt buộc bệnh viện phải kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn để đáp ứng yêu cầu của người bệnh.


Về thủ tục chuyển tuyến, căn cứ Luật sủa đổi bổ sung Luật BHYT năm 2014 và các quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 và Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có Hướng dẫn liên ngành Số 2544/HDLN-SYT-BHXH ngày 19/12/2016 và Hướng dẫn liên ngành Số 2024/HDLN-SYT-BHXH ngày 24/11/2017 về hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó quy định cụ thể các thủ tục và tuyến chuyên môn phù hợp với địa bàn sinh sống của người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi khám bệnh, chữa bệnh.


Qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và khảo sát chuyên môn 6 tháng vừa qua cho thấy: chưa phát hiện có cơ sở khám chữa bệnh nào vi phạm chuyên môn trong vấn đề chuyển tuyến khám chữa bệnh hoặc gây khó khăn khi bệnh nhân cần phải chuyển viện, gây ảnh hưởng đến việc điều trị của bệnh nhân.


Ý kiến phản ánh của cử tri không nêu rõ trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn nhưng bệnh viện vẫn không chuyển tuyến hay do người bệnh, người nhà người bệnh xin chuyển tuyến khi tình trạng bệnh thuộc khả năng chuyên môn mà bệnh viện có thể điều trị. Do đó Sở Y tế không có cơ sở để trả lời cụ thể. Tuy nhiên, Sở Y tế xin tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo rà soát các hoạt động chuyên môn, quy trình chuyển tuyến tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và các cơ sở khám chữa bệnh khác, đồng thời sẽ duy trì hoạt động của điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở khám chữa bệnh để người dân kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc trong việc khám chữa bệnh và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và tăng sự hài lòng người bệnh.


(Theo Công văn số 1700/SYT-KHTC ngày 04/9/2018 của Sở Y tế về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


10. Cử tri Nguyễn Anh Thêm, xã Quảng Lộc có ý kiến: Một số đối tượng có tàu đánh bắt xa bờ lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để hưởng chế độ tiền dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí cho các tàu đánh bắt xa bờ.

 

Trả lời:


Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa được ban hành ở chế độ mật và được tổ chức thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ. Trong đó, tàu cá phải đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật, có công suất từ 90CV trở lên, có nghề đánh bắt phù hợp, có đơn đăng ký và được UBND tỉnh xem xét phê duyệt danh sách tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, có lắp đặt Đài tàu để thường xuyên báo cáo vị trí tàu cá hoạt động trên biển về Trạm bờ thuộc Chi cục Thủy sản, có thời gian chuyến biển không dưới 15 ngày và chịu sự giám sát, xác nhận thời gian xuất bến, về bến của các Đồn Biên phòng tuyến biển và xác nhận của Chi cục Thủy sản về thời gian, vị trí tọa độ hoạt động khai thác trên các vùng biển xa. Sau khi kết thúc chuyến biển, chủ tàu hoàn thiện hồ sơ gửi Chi cục Thủy sản để tổ chức thẩm định. Tổ Thẩm định do UBND tỉnh thành lập gồm thành phần là đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản. Kết quả Thẩm định được UBND các xã, phường niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhằm phát huy vai trò của chính quyền địa phương và nhân dân trong việc giám sát, phát hiện gian lận trong thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48.


Đối với tỉnh ta, do khoảng cách di chuyển ra đến ngư trường vùng biển xa trên 250 hải lý, nên chi phí mỗi chuyến biển cao, nhưng tiền dầu được hỗ trợ từ mức 22-100 triệu đồng/chuyến biển (tùy thuộc vào công suất tàu cá). Vì vậy, một số chủ tàu cá đã cố tình gian lận, gửi đài tàu trên các tàu cá khác để gửi báo cáo vị trí hoạt động trên các vùng biển xa về Trạm bờ Chi cục Thủy sản. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Đồn Biên phòng, các địa phương thực hiện giám sát, phát hiện gian lận và đã tham mưu UBND tỉnh xóa tên 06 tàu cá (2014: 04 tàu cá; 2016: 02 tàu cá) ra khỏi danh sách phê duyệt tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên các vùng biển xa.


Để chủ động ngăn ngừa gian lận trong việc sử dụng đài tàu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương thực hiện niêm phong Đài tàu lắp đặt trên tàu cá cho tất cả các tàu được UBND tỉnh phê duyệt danh sách tham gia khai thác trên các vùng biển xa, đồng thời Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, giám sát niêm phong đài tàu (tối thiểu 2 lần/tàu cá/năm) nhằm đảm bảo việc duy trì niêm phong đài tàu theo đúng quy định. Sau khi thực hiện niêm phong và tăng cường giám sát niêm phong đài tàu, vì vậy từ năm 2017 đến nay chưa xảy ra trường hợp gian lận nào để được hưởng chế độ tiền dầu.


Xã Quảng Lộc hiện nay có 50/1.301 tàu cá của tỉnh đăng ký tham gia khai thác trên các vùng biển xa, trong quá trình giám sát, hỗ trợ các chính sách theo Quyết định số 48 chưa phát hiện có trường hợp gian lận nào. Nếu có thông tin, phát hiện dấu hiệu gian lận để trục lợi, hưởng hỗ trợ tiền dầu, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị cử tri phản ánh cụ thể về Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình hoặc lực lượng Biên phòng, cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời kiểm tra, xử lý, ngăn chặn hành vi gian lận, trục lợi chính sách.


(Theo Công văn số 2126/SNN-KHTC ngày 14/9/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII)


 

More