Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2680

  • Tổng 3.128.520

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thị xã Ba Đồn trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII

Post date: 02/04/2018

Font size : A- A A+
Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thị xã Ba Đồn trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri phường Quảng Thọ phản ánh: Việc triển khai các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa thực hiện quy trình lấy ý kiến của Nhân dân trước khi đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường như Khu du lịch sinh thái ở phường Quảng Thọ do đơn vị Kim Tự Tháp thi công. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo làm rõ vấn đề này và trả lời cho cử tri.


Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời:


Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí GREEN RESORT tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Tự Tháp (được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3527/QĐ-UBND ngày 31/10/2016) ngay trong bước thẩm định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 752/KHĐT-TĐ ngày 21/4/2016 lấy ý kiến UBND phường Quảng Thọ, trong đó ghi rõ nội dung lấy ý kiến đối với UBND phường Quảng Thọ, đề nghị có ý kiến: “Thẩm định về việc sử dụng rừng phòng hộ và các vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư khu vực dự án”.
Theo Văn bản số 126/TTr-UBND ngày 06/9/2016 về tham gia ý kiến thẩm định của UBND phường Quảng Thọ: “Ngày 29/8/2016 UBND phường đã mở hội nghị lấy ý kiến của cán bộ cốt cán trong toàn phường và ngày 31/8/2016 UBND phường đã tổ chức hội nghị có sự tham gia của toàn dân TDP Thọ Đơn nơi thực hiện dự án (có Biên bản kèm theo). Cơ bản trong hai hội nghị đều nhất trí giới thiệu địa điểm thực hiện dự án ở bãi biển Quảng Thọ”.
Như vậy, ngay trong bước thẩm định chủ trương đầu tư, để đảm bảo có sự đồng thuận và góp ý của cộng đồng dân cư vùng dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị và được UBND phường Quảng Thọ thực hiện việc lấy ý kiến tham vấn cộng đồng thống nhất chủ trương đầu tư Dự án.
Trong bước lập, thẩm định quy hoạch xây dựng và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương để thực hiện tham vấn cộng đồng theo quy định.


(Công văn số 1732/KHĐT-TH ngày 22/6/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư)

 

2. Cử tri thôn Công Hòa, xã Quảng Trung phản ánh: Sau sự cố môi trường biển năm 2016, con em trên địa bàn thôn không có việc làm, đã đăng ký nhu cầu lao động ở nước ngoài, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng trả lời cho Nhân dân được rõ.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý việc đăng ký đi làm việc ở nước ngoài tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thực tập nâng cao tay nghề tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan. Đến nay, theo danh sách và số liệu lưu trữ tại Sở thì:
- Đối với Chương trình EPS: Tháng 11 năm 2016 tại xã Quảng Trung có 02 lao động đăng ký dự thi đi làm việc tại Hàn Quốc, kết quả có 01 lao động trúng tuyển đã được xuất cảnh; tháng 6 năm 2017 ở xã Quảng Trung có 03 lao động đăng ký dự thi để đi làm việc tại Hàn Quốc, nay chưa công bố kết quả trúng tuyển.
- Đối với Chương trình IM Japan: Năm 2016, tại xã Quảng Trung có 01 lao động đăng ký dự thi nhưng không đạt kết quả và năm 2017 ở xã Quảng Trung có 01 lao động đăng ký dự thi nhưng không đạt kết quả.
Việc cử tri phản ánh, ngoài số lao động đăng ký theo 02 Chương trình đã nêu trên, số con em còn lại ở địa phương đã đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp dịch vụ việc làm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép nào thì đề nghị cử tri liên hệ với với doanh nghiệp đến tuyển đó để biết thông tin cụ thể.

(Công văn số 859/SLĐTBXH-NCC ngày 20/6/2017 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)

3. Cử tri Trần Minh Huệ, phường Quảng Thuận đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chế độ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng (là thân nhân của ông). Ông đã làm hồ sơ từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được công nhận.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:


Trên cơ sở quy định của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn Liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 10/10/2014 của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; đến nay, về cơ bản, đối với những hồ sơ đề nghị giải quyết truy tặng hoặc phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đủ điều kiện đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển Ban thi đua Khen thưởng tỉnh đề nghị UBND tỉnh trình Ban thi đua Khen thưởng Trung ương trình Chủ tịch nước, đồng thời tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương thực hiện đối với những hồ sơ mới xác lập cũng như hồ sơ đề nghị còn thiếu thủ tục.
Vấn đề cử tri phản ánh, đề nghị cử tri nêu rõ trường hợp nào hoặc liên hệ UBND phường Quảng Thuận, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã để được kiểm tra trả lời cụ thể.


(Công văn số 859/SLĐTBXH-NCC ngày 20/6/2017 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)


4. Cử tri Trần Trung Dũng, xã Quảng Minh kiến nghị: Bản thân ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam 10 năm, có thâm niên công tác trong quân đội 17 năm 6 tháng. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét trả lời cho biết ông có được hưởng chế độ hưu, chế độ Huân chương giải phóng, chế độ Chiến sĩ vẻ vang hay không?


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:


Về giải quyết chế độ hưu hiện được thực hiện theo quy định tại Điều 45, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Vấn đề cử tri phản ánh còn chung chung, vì vậy đề nghị ông bổ sung toàn bộ hồ sơ, giấy tờ gốc có liên quan đến quá trình công tác gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Phòng Chính sách Lao động) để được xem xét, trả lời cụ thể.
Về giải quyết chế độ đối với việc tặng thưởng Huân chương giải phóng, Chiến sỹ vẻ vang đề nghị ông liên hệ với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để được hướng dẫn hoặc trả lời cụ thể.


(Công văn số 859/SLĐTBXH-NCC ngày 20/6/2017 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)


5. Cử tri phản ánh: Theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các mô hình kinh tế trang trại phải có diện tích từ 2,1 ha và đầu tư vốn từ 700 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện nay một số mô hình không đủ diện tích theo quy định tại Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, nhưng đã đầu tư vốn trên 800 triệu đồng nhưng không được cấp giấy phép trang trại và không được vay vốn hỗ trợ mở rộng sản xuất. Đề nghị tỉnh xem xét mở rộng đối tượng ở Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT để Nhân dân đầu tư sản xuất phát triển kinh tế.


Sở NN&PTNT trả lời:


- Về việc cấp giấy phép trang trại: Theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì vốn đầu tư không phải là một tiêu chí để cấp giấy chứng nhận trang trại, nên mô hình kinh tế trang trại theo phản ánh trên của cử tri không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
- Về vay vốn: Hộ gia đình không đạt tiêu chí trang trại vẫn được vay vốn (có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản) theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với điều kiện hiện cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Về đề nghị mở rộng đối tượng tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT: Thông tư này không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên không thể thay đổi tiêu chí. Trong quá trình triển khai, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với tình hình.


(Công văn số 1465/SNN-KHTC ngày 23/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)


6. Cử tri Phạm Văn Thân, phường Quảng Thọ kiến nghị: Theo Điều 1, Khoản 2, Điểm c, Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển”, có quy định về đối tượng có phương tiện chuyên vận chuyển hàng hải sản đông lạnh được xem xét đền bù. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành xem xét giải quyết để tránh thiệt hại cho gia đình ông.


Sở NN&PTNT trả lời:


Đối với người lao động làm việc thường xuyên hoặc không thường xuyên, có thu nhập chính từ các hoạt động vận chuyển, chở thuê hàng thủy sản được quy định bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các đối tượng là chủ xe đông lạnh, hiện nay Chính phủ chưa có quy định bồi thường, hỗ trợ.


(Công văn số 1465/SNN-KHTC ngày 23/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)


7. Cử tri Phạm Văn Khánh, tổ dân phố Tân Xuân, phường Quảng Phong kiến nghị: Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân ra khơi bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, từ chuyến thứ 3 của năm 2016 đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ kịp thời cho người dân.


Sở NN&PTNT trả lời:


Bộ Tài chính đã cấp tạm ứng kinh phí thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg năm 2017 cho tỉnh 336,105 tỷ đồng (bao gồm kinh phí còn thiếu của năm 2016 và 50% nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2017), Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định để hỗ trợ kinh phí cho các tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa (đợt 3 năm 2017), trong đó đã hỗ trợ toàn bộ chi phí nhiên liệu chuyến biển cho các tàu đã thẩm định trong năm 2016 là 105,7 tỷ đồng và đợt 1 của năm 2017 là 4,16 tỷ đồng. Sở cũng đã trình UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ đợt 4 năm 2017 với số tiền 16,486 tỷ đồng. Hiện nay, Sở tiếp tục tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, niêm yết danh sách và tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các chủ tàu cá tham gia khai thác thuỷ sản vùng biển xa.


(Công văn số 1465/SNN-KHTC ngày 23/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)


8. Cử tri Trần Minh Huệ và cử tri Nguyễn Thừa Vũ - Quảng Thuậ phản ánh về hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch, công bằng trong việc đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra. Cách kê khai và xác định thiệt hại ở các địa phương chưa thống nhất (có nơi tính toán thiệt hại theo diện tích, có nơi tính theo công lao động).


Sở NN&PTNT trả lời:


UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện kê khai, bồi thường thiệt hại. Đồng thời, đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động thành lập các Đoàn công tác về tận địa phương (huyện, xã, thôn) để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Vì vậy, công tác kê khai, thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã được các địa phương thực hiện cơ bản chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình, đúng đối tượng, định mức theo quy định tại Quyết định 1880/QĐ-TTg và 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Đối với phản ánh về hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch, không công bằng trong đền bù, đề nghị cử tri phản ánh cụ thể để các cơ quan chức năng có cơ sở kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.


(Công văn số 1465/SNN-KHTC ngày 23/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)


9. Cử tri xã Quảng Trung, xã Quảng Sơn đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu cơ chế quản lý các tuyến đường nông thôn; cần có biển báo, biển cấm các loại phương tiện lưu thông quá khổ, quá tải; cần kiểm tra, giám sát và xử lý các loại phương tiện quá khổ, quá tải khi tham gia các tuyến đường này. Có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, đặc biệt là tuyến đường 559, nay đã xuống cấp, hư hỏng.


Sở Giao thông – Vận tải trả lời:


- Công tác quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh Quảng Bình quy định tại Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 03/10/2014; theo đó, Sở GTVT có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì mạng lưới đường tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì mạng lưới đường huyện trong địa giới hành chính thuộc phạm vi quản lý; UBND các xã có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì các tuyến đường xã nằm trong địa giới hành chính thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã Quảng Trung và xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn thuộc trách nhiệm quản lý của UBND thị xã Ba Đồn và UBND các xã Quảng Trung, Quảng Sơn; đề nghị UBND thị xã Ba Đồn công bố, phổ biến để nhân dân và cử tri được rõ và thực hiện.
Đối với việc lắp đặt biển báo, biển cấm các loại phương tiện lưu thông quá khổ, quá tải trên các tuyến đường nông thôn, trường hợp nếu cần thiết đề nghị UBND thị xã Ba Đồn và UBND các xã Quảng Trung, Quảng Sơn căn cứ theo các quy định hiện hành và điều kiện khai thác của tuyến đường được giao quản lý để lắp đặt cho phù hợp; đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm duy trì tình trạng khai thác của tuyến đường. Về phía Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tích cực phối hợp với chính quyền thị xã Ba Đồn và lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời xử lý các vi phạm về việc vận chuyển quá khổ, quá tải (nếu có) nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội trên địa bàn.
- Đối với tuyến Đường tỉnh 559: đây là trục đường nối các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn với xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, là tuyến đường giao thông chính phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến hiện nay khá lớn. Để khắc phục tình trạng hư hỏng trên tuyến trong quá trình xây dựng các dự án Nhà máy xi măng Văn Hoá và cầu Văn Hoá, Sở GTVT đã tiến hành sửa chữa mặt đường một số đoạn bị hư hỏng cục bộ từ Km0 - Km7 trong năm 2013 và đoạn Km7+200 - Km10+420 trong năm 2014 bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì Đường bộ tỉnh; sửa chữa, hoàn trả các đoạn Km13+110 - Km14+680 và đoạn Km14+710 - Km16+750 từ nguồn vốn dự án Cầu và đường về xã Văn Hóa; kiến cố hóa mặt đường đoạn Km17+310 - Km19 từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương trong năm 2015. Đối với các hư hỏng mới phát sinh, Sở GTVT sẽ có kế hoạch sửa chữa đảm bảo giao thông trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng trên tuyến, UBND tỉnh cũng đã cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ phía Nam cầu Quảng Hải đi ga Lạc Giao với quy mô nền đường rộng 7,5m do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 từ nguồn vốn vay ADB; hướng tuyến đi song song với Đường tỉnh 559 trung bình 300m, khi được xây dựng hoàn thành sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.


(Công văn số 1297/SGTVT-KHTH ngày 22/6/2017 của Sở Giao thông Vận tải)


10. Cử tri phường Quảng Thuận tiếp tục phản ánh: Trong đợt lũ năm 2016, dãy phân cách Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn xã) đã chặn dòng nước gây thiệt hại nhà cửa, mùa màng của Nhân dân. Đề nghị Tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu để thay đổi dãy phân cách trước khi mùa mưa lũ sắp tới.


Sở Giao thông – Vận tải trả lời:


Do hiện nay, dự án mới được đưa vào khai thác một thời gian ngắn; vì vậy, trong quá trình khai thác tuyến đường, trên cơ sở xem xét thực tế, Sở GTVT sẽ tiếp tục có báo cáo Bộ GTVT để điều chỉnh một số vị trí đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông và đời sống nhân dân (Từ khi đưa vào khai thác đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận tiến hành bổ sung 8 điểm mở dải phân cách giữa, điều chỉnh 10 vị trí các điểm mở dải phân cách giữa và gần đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận mở dải phân cách giữa tại Km601+785 thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch và tại Km635+757 thuộc địa bàn huyện Bố Trạch).
Riêng đối với đoạn qua địa bàn phường Quảng Thuận gần khu vực cầu Gianh, do trong 02 đợt mưa lũ lớn năm 2016 các dải phân cách cứng đã làm cản trở dòng chảy, gây ngập úng nên hiện tại Chủ đầu tư đang trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo hướng điều chỉnh lại từ dải phân cách bằng BTCT sang tôn lượn sóng để tăng khả năng thoát nước khi mưa lũ.


(Công văn số 1297/SGTVT-KHTH ngày 22/6/2017 của Sở Giao thông Vận tải)


11. Cử tri Nguyễn Thị Lý Lý - Quảng Thuận phản ánh việc đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A chưa công bằng. Cụ thể, nhà cử tri cách mốc hành lang giao thông 0,9m nhưng không được đền bù, trong khi nhiều hộ gia đình khác ở Tổ Dân phố Dinh (đối diện nhà bà Lý) thì được đền bù. Cử tri cũng phản ánh việc bồi thường giá đất đối với gia đình bà là quá thấp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ vấn đề này.


Sở Giao thông – Vận tải trả lời:


Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Ba Đồn (là đơn vị được UBND thị xã Ba Đồn giao thực hiện nhiệm vụ GPMB phục vụ thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị xã) đã có Công văn số 40/PTQĐ ngày 14/6/2017 báo cáo về trường hợp của bà Nguyễn Thị Lý (chồng là Nguyễn Thanh Hường) như sau: theo kết quả kiểm tra của Hội đồng liên ngành vào ngày 14/8/2015, gia đình bà có nhà cách chân công trình 1,0m; căn cứ vào quy định tại Điểm e, Khoản 9, Điều 22, Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 09/9/2014 của UBND tỉnh, Hội đồng GPMB huyện Quảng Trạch đã phê duyệt phương án hỗ trợ cho gia đình bà với số tiền 17.500.000 đồng tại Quyết định 101/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND thị xã Ba Đồn; tuy nhiên, hộ gia đình vẫn chưa đồng ý và kiến nghị lên UBND tỉnh. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã có Báo cáo số 121/BC-TTr ngày 12/12/2016 về kết quả kiểm tra, rà soát đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng; theo đó, hộ gia đình đã được bồi thường theo đúng quy định và gia đình bà đã nhận tiền vào ngày 13/12/2016; như vậy, việc bà kiến nghị đòi đền bù (không phải hỗ trợ) là không có cơ sở.


(Công văn số 1297/SGTVT-KHTH ngày 22/6/2017 của Sở Giao thông Vận tải)


12. Cử tri phường Quảng Thọ phản ánh: Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã, thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.


Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:


Việc khác thác cát trái phép tại phường Quảng Thọ theo phản ánh của cử tri là đúng thực tế, tuy nhiên thời điểm xảy ra vào đầu năm 2017. Sở TN&MT đã phối hợp với UBND thị xã Ba Đồn, UBND phường Quảng Thọ kiểm tra, xử lý nghiêm túc nên đến nay không còn xảy ra hiện tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn phường Quảng Thọ.
Trong thời gian tới Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND thị xã Ba Đồn, UBND phường Quảng Thọ thường xuyên kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra.


(Công văn số 1134/STNMT-TTr ngày 22/6/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường)


13. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp khắc phục cột điện chôn giữa mương nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cho đấu nối nước sạch của các hộ dân còn lại tại thôn Biểu Lệ, xã Quảng Trung; nâng cấp, tu sửa một số đường điện tại đây đã xuống cấp trước mùa mưa bão.


Công ty Điện lực Quảng Bình trả lời:


Ngày 23/5/2017, Công ty đã làm việc trực tiếp với UBND xã Quảng Trung và gặp ông Trưởng thôn Biểu Lệ, theo đó trên thực tế hoàn toàn không có cột điện nằm giữa mương nước như cử tri phản ánh. Về đề nghị nâng cấp, tu sửa, một số đường điện tại đây đã xuống cấp, Công ty đã đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2018.


(Công văn số 3328/QBPC-KD ngày 23/6/2017 của Công ty Điện lực Quảng Bình)


14. Cử tri các xã Quảng Lộc, Quảng Trung, Quảng Thủy đề nghị Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét tổ chức bán đấu giá đất ở để mọi người dân có đất làm nhà ổn định cuộc sống. Cần có chính sách phân lô, niêm yết giá, ưu tiên người địa phương để chống đầu cơ khi tổ chức đấu giá.


UBND thị xã Ba Đồn trả lời:


Các thửa đất được tổ chức đấu giá, các thửa đất đưa vào đấu giá phải đảm bảo đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai 2013. Điều 22 của Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 11 Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Bình quy định Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm niêm yết công khai thông báo rộng rãi để mọi người dân có nhu cầu được biết về việc tổ chức bán đấu giá.
Để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại các xã, phường trên địa bàn thị xã, UBND các xã, phường phải xây dựng đầu đủ các hồ sơ theo quy định và gửi về Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã để kiểm tra và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.


(Công văn số 564/UBND ngày 26/6/2017 của UBND thị xã Ba Đồn)


15. Để thực hiện Dự án kè Kênh Kịa tại thị xã Ba Đồn, chủ dự án đã đền bù cho hộ gia đình ông Xem. Tuy nhiên, cử tri phản ánh, sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, gia đình ông Xem vẫn không thực hiện việc di dời, tiếp tục lấn chiếm. Đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết (ý kiến ông Nguyễn Đức Luyên, phường Quảng Thọ).


UBND thị xã Ba Đồn trả lời:


Sau khi bồi thường cho gia đình ông Xem, ông đã có đơn trình bày với các cơ quan chức năng về việc xin mua lại phần đất phía Đông nhà mình với diện tích 101,9 m2 để tái định cư tại chỗ và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Sau đó hộ ông Xem đã phá dở nhà củ và xây dựng lại nhà mới, tái định cư tại chỗ trên phần đất còn lại sau khi thu hồi và phần đất mua thêm phía Đông nhà. Diện tích xây dựng nhà mới của ông Xem hiện nay không lấn chiếm vào diện tích đất đã được thu hồi và bồi thường, không vi phạm ranh giới xây dựng công trình: Kè chống sạt lở bờ sông Kênh Kịa.


(Công văn số 564/UBND ngày 26/6/2017 của UBND thị xã Ba Đồn)


16. Cử tri phản ánh: Hiện nay, Nhà nước bao cấp kinh phí hoạt động, chi trả lương cho cán bộ ở các tổ chức hội như Hội chất độc da cam, y tế học đường, y tế thôn bản,… đây là một vấn đề thiếu công bằng trong xã hội. Đề nghị Tỉnh xem xét để giảm kinh phí và đóng góp của Nhân dân.


Sở Nội vụ trả lời:


- Về nội dung bao cấp kinh phí hoạt động, chi trả lương cho cán bộ ở tổ chức như Hội chất độc da cam: Theo Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 22/02/2011 của UBND tỉnh quy định các hội có tính chất đặc thù tỉnh Quảng Bình, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một trong 17 hội đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với các Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động trên địa bàn cấp huyện và cấp xã, chưa có hội nào đủ điều kiện để xác định là hội có tính chất đặc thù (chưa được nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực).
Do vậy, kinh pí hoạt động do hội tự đảm bảo theo quy định của Điều lệ hội và quy định của pháp luật. UBND cấp huyện và UBND cấp xã căn cứ các quy định hiện hành để xem xét hỗ trợ kinh phí cho các hội hoạt động ở cấp mình gắn với nhiệm vụ nhà nước giao theo khả năng cân đối ngân sách địa phương. Nhà nước không bao cấp kinh phí hoạt động, chi trả lương cho cán bộ ở các tổ chức hội nói trên.
- Về Y tế học đường: Theo quy định tại các thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, thì tại các trường tiểu học, THCS và THPT được bố trí 01 biên chế y tế học đường; tại các trường mầm non căn cứ vào khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm để xác định số lượng người thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ nhưng tối đa không vượt quá 02 người.
Ngày 12/5/2016, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học, trong đó quy định: Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học hoặc ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khá bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh. Như vậy, nhân viên y tế học đường tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc biên chế nhà nước và nguồn kinh phí để chi trả lương cho nhân viên y tế học đường từ ngân sách nhà nước, không phải từ nguồn đóng góp của người dân.


(Công văn số 950/SNV-VP ngày 22/6/2017 của Sở Nội vụ)


17. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra và tiến hành hợp nhất các chức danh cán bộ cấp xã, phường để tinh giản biên chế như: Văn phòng Đảng ủy, Tuyên giáo, Kiểm tra chỉ cần một người kiêm nghiệm; Tư pháp, Tư pháp hộ tịch chỉ 01 người; Văn hóa xã hội hiện nay 02 người, đề nghị giảm 01 người; nên bỏ chức thôn đội trưởng và Chủ tịch Hội bảo trợ; cán bộ y tế thôn bản không thực hiện được chức năng của mình vì đã có hệ thống trạm y tế cấp xã, phường.


Sở Nội vụ trả lời:


- Về bố trí các chức danh công chức cấp xã: Thực tế hiện nay, việc bố trí các chức danh công chức cấp xã của các địa phương trên địa bàn tỉnh nhiều nơi còn chưa phù hợp, chưa căn cứ vào tình hình thực tiễn, quy mô, tính chất công việc để bố trí số lượng công chức cho hợp lý. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Nội vụ sẽ tiến hành rà soát số lượng, chất lượng để chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí công chức đúng cơ cấu, số lượng, đảm bảo bộ máy tinh gọn, tiết kiệm biên chế so với chỉ tiêu biên chế do UBND tỉnh giao.
- Về bố trí kiêm nhiệm các chức danh Văn phòng Đảng ủy, Tuyên giáo Đảng ủy, Kiểm tra Đảng ủy xã: Căn cứ quy định của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định số lượng những người hoạt động không chuyên trách, bố trí 11 chức danh. Căn cứ tình hình cụ thể ở từng địa phương, UBND cấp xã xây dựng đề án bố trí, kiêm nhiệm các chức danh những người hoạt động không chuyên trách trình UBND huyện để phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, do quy định hệ số phụ cấp kiêm nhiệm thấp (tăng thêm 0,2 mức lương tối thiểu chung) nên đa số các xã không bố trí kiêm nhiệm. Riêng huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các xã thực hiện việc bố trí kiêm nhiệm ghép các chức danh nêu trên (chức danh Văn phòng Đảng ủy bố trí 11 người, chức danh Kiểm tra - Tuyên giáo bố trí 12 người).
Trong thời gian tới, sau khi có Nghị định mới sửa đổi của Chính phủ, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định thống nhất về số lượng, cơ cấu chức danh những người hoạt động không chuyên trách theo hướng tinh gọn, tăng phụ cấp đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác.
- Về chức danh Thôn đội trưởng: Chức danh Thôn đội trưởng được quy định tại Điều 20 của Luật Dân quân tự vệ và khoản 2, Điều 17 Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ. Vì vậy, Sở Nội vụ không có cơ sở để tham mưu các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ chức danh Thôn đội trưởng theo như kiến nghị của cử tri.
- Về chức danh Chủ tịch Hội bảo trợ: Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 hội bảo trợ đang hoạt động là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi với tôn chỉ, mục đích vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Các tổ chức xã hội nói trên hoạt động tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của UBND tỉnh, việc cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội cấp xã thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.


(Công văn số 950/SNV-VP ngày 22/6/2017 của Sở Nội vụ)