Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 24

  • Hôm nay 3078

  • Tổng 3.220.401

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC

Post date: 06/08/2021

Font size : A- A A+

Ngày 23/7/2021, thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn Quảng Bình đã có phần phát biểu tại tổ. Sau đây là toàn văn phần phát biểu thảo luận tổ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Kính thưa đồng chí Tổ trưởng,

Kính thưa các đại biểu trong tổ,

Trước hết, tôi đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Chính phủ về Báo cáo thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tôi cho rằng, Chính phủ cũng đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện các kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công và kết quả đạt được rất đáng trân trọng và đáng ghi nhận. Tôi cũng tán thành với những ý kiến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách đã nêu ra. Cá nhân tôi không có chuyên môn về tài chính, ngân sách tuy nhiên, qua Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công tôi cũng nhận thấy rằng trong Báo cáo có nêu lên những kết quả đã đạt được và nêu lên những tồn tại, hạn chế. Tôi thấy có những tồn tại, hạn chế Chính phủ đã nêu lên cũng rất nhiều lần rất nhiều năm. Ví dụ việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chuyển nguồn còn lớn hay tỷ trọng chi thường xuyên giảm nhưng chưa cao hay là những việc chúng ta chuyển đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện lộ trình cổ phần hóa còn chậm và hiện tượng nợ thuế giảm nhưng còn cao. Hiện nay, nợ thuế của chúng ta nó chiếm tỷ trọng khoảng độ hơn 5% so với tổng thu ngân sách Nhà nước hay tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước là những tồn tại, hạn chế kéo dài rất nhiều năm và trong rất nhiều Báo cáo Chính phủ cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế này. Đến nay những hạn chế, tồn tại này vẫn được tiếp tục nêu ra. Chúng tôi thấy rằng cũng cần phải có đánh giá, cũng cần phải có những giải pháp để làm sao có thể khắc phục được những tồn tại, hạn chế đó mang tính chất cân bằng hơn.

Thứ hai, tôi cũng rất hoàn toàn tán thành với ý kiến của đại biểu 3 cũng vừa phát biểu. Trong báo cáo của Chính phủ có nêu lên việc hoàn thiện pháp luật về tài chính ngân sách nhà nước trong một số lĩnh vực còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn. Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành rất nhiều luật và cũng sửa đổi rất nhiều luật về lĩnh vực, về ngân sách và tài chính như Luật Ngân sách Nhà nước rồi, Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước trước đây Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và sau đó chúng ta sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản công rồi các Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư ... Một loạt các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách trong thời gian vừa qua cũng đã được tập trung sửa đổi, bổ sung. Đến nay, Chính phủ đánh giá việc hoàn thiện thể chế nó vẫn còn chậm. Chúng tôi đề nghị rằng Chính phủ cần phải nêu rõ hơn, hoàn thiện thể chế còn chậm và còn bất cập và bất cập ở các quy định của pháp luật, của luật hay là việc chúng ta hướng dẫn thi hành các luật này nó còn bất cập. Hiện nay, nhiều khi chúng ta nói rằng do thể chế nhưng nói thể chế bất cập thì chỉ ra bất cập ở điểm nào lại cũng không chỉ được rõ, chỉ nói chung chung thể chế còn bất cập. Đây cũng là điểm Chính phủ cần làm rõ bất cập ở đâu? chỉ rõ bất cập ở điểm nào? bất cập ở luật hay là bất cập ở việc chúng ta quy định các văn bản hướng dẫn nó còn chưa kịp thời. Nhìn vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 - 2022 không thấy có bất kỳ một văn bản đề xuất nào về lĩnh vực tài chính ngân sách trừ Luật Đất đai có liên quan một chút, còn lại hoàn toàn không có bất kỳ một cái văn bản luật nào liên quan lĩnh vực tài chính - ngân sách được đề cập. Đây là vấn đề cần phải làm rõ hơn.

Các đại biểu Đoàn Quảng Bình tại phiên thảo luận tổ

Thứ ba, chúng tôi cũng rất tán thành với vấn đề trong báo cáo của Chính phủ nêu rất rõ: một số quỹ tài chính, ngân sách nhà nước, ngân sách ngoài nhà nước hoạt động chưa hiệu quả. Đây vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cũng đã có tiến hành giám sát và qua giám sát thấy rằng hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hiện nay cũng có rất nhiều điểm bất cập. Chúng ta còn rất nhiều các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Tôi không nhớ số lượng còn bao nhiêu nhưng khi giám sát có trên 40 quỹ tài chính ngân sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó có quỹ do các bộ, ngành ở Trung ương quản lý, nhiều quỹ do địa phương quản lý. Những quỹ này đã thể hiện những điểm rất bất cập như nguồn tài chính còn chưa bảo đảm độc lập về ngân sách nhà nước. Nhiều quỹ mặc dù là quỹ ngoài ngân sách nhưng vẫn phải do ngân sách hỗ trợ rồi tỷ lệ thu, mức thu của các quỹ cũng chưa hợp lý. Trong nhiều trường hợp, có những trường hợp còn dẫn đến lạm thu, dẫn đến huy động đóng góp của người dân, của doanh nghiệp chưa có sự thống nhất, việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của quỹ nhiều khi nó trùng lắp, chi trùng lắp với các nhiệm vụ chi của ngân sách, việc quản lý các quỹ này cũng chưa có văn bản pháp lý mang tính chất, mang hiệu lực pháp lý cao để quản lý cho nên quản lý các quỹ này còn lỏng lẻo và dẫn đến hiệu quả sử dụng quỹ chưa cao, có thể dẫn đến những việc tiêu cực, lãng phí trong việc sử dụng quỹ đấy. Vì vậy khi giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có đề nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu có thể ban hành Luật về quản lý, sử dụng quỹ đầu tư, quỹ tài chính - ngân sách, quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để bảo đảm quản lý có hiệu quả, đề nghị Chính phủ xem xét có nên chăng trong thời gian sắp tới, chúng ta cần phải tiếp tục sắp xếp lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Trong thời gian trước đây khi đề cập đến việc này, rất nhiều ý kiến đề nghị rằng phải bãi bỏ một số các quỹ, không cần thiết các quỹ đó nhưng cũng vì rất nhiều các lý do khác nhau, trong đó có những lý do vì lợi ích của bộ, ngành, địa phương cho nên rất nhiều cơ quan, tổ chức không đồng ý với việc bỏ các quỹ  nên khi bỏ các quỹ này gặp rất nhiều khó khăn. Cũng có tình trạng khi xây dựng luật chuyên ngành nào các bộ ngành đó lại đề nghị xây dựng một cái quỹ tài chính ngoài ngân sách. Như vậy là rất tùy tiện và không hiệu quả. Đây là vấn đề chúng tôi đề nghị với Chính phủ cần phải có giải pháp để làm sao chúng ta có thể chấn chỉnh được hiệu quả tình trạng các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không có hiệu quả như hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ cũng xem có nên có luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách hay không để bảo đảm quản lý có hiệu quả?

Tôi xin có một ý kiến nữa. Trong các kế hoạch về tài chính ngân sách ngay từ đầu liên quan tới một việc rất lớn hiện nay, rất trọng đại hiện nay của đất nước chúng ta đó là việc phòng chống đại dịch COVID-19. Ngay từ năm ngoái đã khẳng định rất rõ vaccine là yếu tố rất quan trọng trong để chống được đại dịch này, chúng ta cũng đề cập đến rất sớm. Hôm qua có đại biểu nói rằng hình như chúng ta đi chậm mất một bước nhưng tôi nghĩ rằng không phải chỉ chậm một bước đâu mà có lẽ chúng ta chậm cũng hơi nhiều. Hiện nay, nếu nói về tiêm mũi một mới tiêm được có 4,2% dân số so với dân số và nếu như tiêm đủ 2 mũi chúng ta mới đạt tỷ lệ được 0,3% là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Đông Nam Á và nếu như so với những nước tiên tiến phát triển như Mỹ, người ta tiêm hai mũi được đến gần 50% mà việc lây nhiễm nó vẫn còn lan mạnh mẽ như thế. Chúng ta đã xác định rằng chiến lược vaccine là một trong những giải pháp căn bản nhất để có thể phòng chống đại dịch này. Chúng tôi đề nghị rằng Chính phủ cần phải có cái sự quan tâm đặc biệt tới việc này chứ chúng ta cứ đề ra một kế hoạch, rồi chúng ta nói cố gắng phấn đấu đến giữa năm 2022 hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng miễn dịch cộng đồng, tiêm chủng được khoảng trên 75% dân số. Tôi thấy rằng nếu như không có sự cố gắng, nỗ lực, không dành nguồn lực xứng đáng để cho quỹ vaccine này rất khó có thể đạt được mục tiêu đó.

PHÒNG CÔNG TÁC QUỐC HỘI

More