Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1960

  • Tổng 3.015.063

Những vấn đề lý luận và thực tiễn làm căn cứ tham gia ý kiến cho Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Post date: 10/04/2023

Font size : A- A A+

Kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển KTXH đất nước. Khuyến khích phát triển KTTT là nội dung luôn được ghi nhận và khẳng định trong các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. KTTT với nòng cốt là các HTX có vai trò quan trọng trong phát triển KTXH đất nước. Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực đến nay, khu vực KTTT đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, Hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT ngày càng được nâng lên, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều mô hình KTTT hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động KTTT hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn tổ chức KTTT có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều; việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm, còn nhiều vướng mắc; công tác quản lý nhà nước về KTTT còn bất cập... Để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng về KTTT, thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Cùng nhìn lại quá trình phát triển quan điểm chỉ đạo về kinh tế tập thể trong thời kỳ Đổi mới và quá trình ban hành chính sách từ đó, tham gia ý kiến cho Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
 

Từ một số quan điểm chỉ đạo về kinh tế tập thể đến việc hoàn chỉnh hành lang pháp lý về kinh tế tập thể hiện nay

Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về KTTT được thể hiện trong các văn kiện như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Các văn kiện nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững… Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với KTTT, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước. 

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế tập thể và pháp luật về kinh tế tập thể ở Việt Nam có thể thấy, Luật Hợp tác xã đầu tiên được Quốc hội ban hành vào cuối năm 1996. Thông qua Luật Hợp tác xã năm 1996, Nhà nước Việt Nam chính thức tuyên bố HTX không còn là một dạng của cơ quan nhà nước, một tổ chức xã hội mà là một tổ chức kinh tế, có đăng ký kinh doanh, độc lập hoạt động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Về cơ bản, mô hình HTX theo Luật Hợp tác xã năm 1996 có bản chất phù hợp với tuyên bố của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế. Sau đó, để phù hợp tình hình thực tế, Luật Hợp tác đã trải qua 2 lần sửa đổi bổ sung vào năm 2003 và 2012. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của HTX, liên hiệp HTX; quyền, nghĩa vụ của HTX, liên hiệp HTX, thành viên HTX, thành viên liên hiệp HTX; tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại các nghị định. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã đưa ra các chính sách hỗ trợ đối với HTX, liên hiệp HTX.

Sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT được ban hành, từ năm 2003 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về KTTT đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Trước hết phải kể đến các cơ chế, chính sách được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2003 và các văn bản dưới Luật, đã cơ bản thể chế hóa các chính sách hỗ trợ KTTT nêu trong Nghị quyết. Tiếp đó, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các HTX, liên hiệp HTX hiện có hoạt động theo đúng bản chất HTX, liên hiệp HTX; đưa khu vực HTX, liên hiệp HTX nói riêng và thành phần KTTT nói chung trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta; bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể.

Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 01 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012 (Nghị định số 193/2013/NĐ-CP), 01 Nghị định về THT (Nghị định số 77/2019/NĐ-CP) và 27 Nghị định liên quan đến chính sách phát triển KTTT; Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định và 03 Chỉ thị về KTTT. Các Bộ, ngành đã ban hành 35 Thông tư, 19 Quyết định, 4 Chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã, các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực KTTT.

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định về THT đã được ban hành khá đầy đủ, đã tạo căn cứ pháp lý cho sự phát triển của các loại hình hợp tác xã ở nước ta giai đoạn vừa qua.
 

Phòng Công tác Quốc hội (tổng hợp)

More