Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 10389

  • Tổng 4.055.996

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Post date: 14/11/2022

Font size : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 5)


- Tại điểm d khoản 1 quy định nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện “Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước thời điểm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;”


Quy định như vậy là chưa hợp lý. Vì sẽ xảy ra trường hợp đến trước thời điểm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mà nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn xếp thứ nhất không có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì phải tổ chức xét hoặc chấm thầu lại, trong khi đó thời gian đã hết.


Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, vẫn để tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư trong đấu thầu, cũng ko bắt buộc khi đóng thầu, nhà thầu, nhà đầu tư phải có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhưng thời điểm yêu cầu bắt buộc phải có có thể chọn trước thời điểm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư một số ngày nào đó, ví dụ 3-5 ngày. 


- Để đảm bảo tính đầy đủ và toàn diện, đề nghị bổ sung vào khoản 4 về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau: “4. Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, không thuộc một trong các trường hợp cấm đấu thầu theo quy định tại Điều 16 của Luật này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên.”


2. Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 6): Khoản 2 quy định: “Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên…”. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “độc lập về tài chính”, đặc biệt là “độc lập về pháp lý”.


3. Về phân biệt nhà thầu, nhà đầu tư: Trong dự thảo Luật phân biệt rất rõ nhà thầu, nhà đầu tư; nhiều Điều nhấn mạnh rất rõ (như tại Điều 5). Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều điều áp dụng chung cho cả nhà thầu, nhà đầu tư nhưng trong nội dung chỉ đề cập đến nhà thầu, chẳng hạn như Điều 6. Đề  nghị Ban soan thảo rà soát, những Điều, nội dung trong Luật mà áp dụng chung cho cả đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì cần nhấn mạnh, nêu rõ cả nhà thầu, nhà đầu tư để tránh hiểu phiến diện, áp dụng sai sót.


4. Về các ưu đãi trong đấu thầu (khoản 2 Điều 10)


Tại dự thảo có quy định bổ sung thêm một số trường hợp ưu đãi trong đấu thầu như (1) Được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu; (2) Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham dự thầu. (điểm d, đ khoản 2 Điều 10). Đối với quy định này là cần thiết, tuy nhiên cần xem xét để giới hạn áp dụng ưu đãi trong một số lĩnh vực cần thiết, tránh áp dụng tràn lan.


5. Về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (Điều 16)


Nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực trong đấu thầu, khắc phục tình trạng xuất hiện một số hành vi vi phạm biến tướng và diễn biến phức tạp trong đấu thầu như: (1) đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu; (2) cản trở việc mua HSMT và nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu; (3) quá trình đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất (HSĐX) còn mang tính chủ quan, không minh bạch, cố tình loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng; không cho phép nhà thầu làm rõ hoặc không thực hiện làm rõ tạo bất lợi đối với một số nhà thầu thì dự thảo Luật lần này bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu mà không có lý do chính đáng; Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật này…..là cần thiết. Tuy nhiên, để thi hành được các quy định này trên thực tế, cần rà soát các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính để bổ sung các hành vi này, đồng thời cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong hoạt động đấu thầu.


6. Về hủy thầu (Điều 17): 


- Đề nghị bổ sung thêm quy định “Không có nhà thầu tham dự đấu thầu” vào trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu tại khoản 1 và hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư tại khoản 2. 


- Đề nghị giải thích rõ từ “cơ bản” tại điểm a khoản 1: “1. Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu:


a) Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;”


Những nội dung “cơ bản” để trúng thầu cần luật hóa để tránh áp dụng, sai sót, cố ý vận dụng làm sai lệch kết quả đấu thầu.


7. Về quy định đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 18)


Tại dự thảo Luật có quy định biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kể cả đã ký kết hợp đồng (khoản 2). Nội dung quy định này đề nghị cân nhắc, xem xét thêm; bởi vì, khi đã công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, hai bên đã tiến hành ký kết hợp đồng, thì lúc này hợp đồng đã phát sinh hiệu lực, việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng sẽ được giải quyết theo cơ chế cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng (về dân sự và được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật Dân sự).


8. Về chỉ định thầu (Điều 21), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ một số nội dung sau:


- Nguyên tắc, điều kiện, yêu cầu đối với các gói thầu được chỉ định thầu, cụ thể như việc xác định gói thầu cần triển khai ngay là như thế nào, thời gian thực hiện trong bao lâu, tiêu chí đánh giá… 


- Việc áp dụng chỉ định thầu có phải cho tất cả các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn? Dự thảo Luật cần có quy định hạn mức cụ thể hoặc bổ sung một khoản giao cho Chính phủ quy định hạn mức cụ thể (như các văn bản pháp luật hiện hành, hạn mức chỉ định thầu là dưới 500 triệu). Đồng thời xem xét lại quy định tại điểm e và điểm i khoản 1 Điều này, vì nếu dẫn chứng như dự thảo Luật, thì điểm i đã bao hàm nội dung điểm e. 


Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Chính phủ hướng dẫn việc chứng minh và các yêu cầu để thực hiện chỉ định thầu các gói thầu”; làm rõ thế nào là gói thầu tái định cư tại điểm g và i khoản 1 (vì tái định cư bao gồm Giải phóng mặt bằng, Rà phá bom mìn, Thi công Xây dựng HTKT, Xây dựng nhà ở, Sinh kế+công ăn việc làm) và cần giới hạn mức trần của gói thầu tái định cư; Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho phép chỉ định thầu.


9. Về quy định lựa chọn tư vấn cá nhân (Điều 26)


Dự thảo Luật quy định: “Lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu một hoặc một số chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần sự tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện để thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức.


Đây là quy định mới, cần thiết, nhằm linh hoạt trong quá trình lựa chọn tư vấn đối với các gói thầu nhỏ, đơn giản. Tuy nhiên, cần giao Chính phủ quy định cụ thể đối với loại hình lựa chọn tư vấn trong trường hợp này để tránh tùy tiện trong quá trình áp dụng.


10. Về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Điều 34)


- Tại khoản 1 quy định: “Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán được giao. Đối với mua sắm thường xuyên, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập trên cơ sở dự toán được giao của năm ngân sách này và dự kiến dự toán được giao của các năm ngân sách tiếp theo. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán được giao thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.” 


Và điểm c, khoản 1, Điều 35 quy định về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: “Kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt đối với dự án đầu tư công…”.


Tuy nhiên, đối với dự án nhóm A, thời gian bố trí vốn là không quá 06 năm, phải thực hiện qua 2 kỳ trung hạn, giá trị gói thầu xây lắp lớn nhưng không chia nhỏ được các gói thầu. Như vậy, dự án sẽ không đủ căn cứ để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đề nghị có điều khoản quy định riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, các dự án lớn mà thời gian thực hiện dự án trải qua 2 kỳ trung hạn.


11. Đối với quy định về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu (Điều 42)


Quy định về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu bao gồm nhiều công đoạn, nhiều công việc phức tạp. Vì vậy, đề nghị đánh giá việc chi phí thời gian cho từng công đoạn và nghiên cứu quy định theo hướng “ngày làm việc” để đảm bảo thời gian thực hiện.


12. Về loại hợp đồng (Điều 62): Đề nghị xem xét quy định mức phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói (như Luật Đấu thầu 2013) để thuận lợi trong công tác quản lý chung; việc quy định hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng, trượt giá hợp đồng, điều chỉnh tiến độ của hợp đồng phải phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, tránh chồng chéo.


13. Về quy định kiểm tra hoạt động đấu thầu (Điều 86)


Đề nghị quy định theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra trong hoạt động đấu thầu để đảm bảo thực hiện thống nhất, không quy định giao cho Trưởng đoàn kiểm tra quy định trình tự, thủ tục kiểm tra như trong dự thảo.


14. Đối với quy định về các hình thức xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu (Điều 89)


Việc xử lý vi phạm nói chung trong các hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm cả hoạt động đấu thầu đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về hình sự, về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về cán bộ công chức. Do đó, đề nghị bỏ Điều 89, bởi vì đối với khoản 1 điều này đã được quy định tại khoản 1 Điều 88, riêng khoản 2 Điều 89 đề nghị nghiên cứu rà soát để bổ sung vào quy định của pháp luật về hình sự và xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp.


15. Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Mục 2, Chương II)


Theo quy định tại khoản 1, Điều 27: “Việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với dự án, gói thầu có các điều kiện đặc thù về quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng hoặc khi triển khai thực hiện có yêu cầu phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ mà không đáp ứng một hoặc các điều kiện về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của Luật này”


Khoản 1, Điều 29: “Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định”.


Như vậy, có thể hiểu các trường hợp lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đều phải lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.


Trong khi đó, Điều 28 quy định về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt lại phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phương án lựa chọn nhà thầu thuộc phạm vi quản lý. 


Do vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa các điều khoản tại mục này cho phù hợp, tránh gây ra cách hiểu khác nhau khi áp dụng pháp luật, cũng như để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế./.


Phòng CTQH
 

More