Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 130

  • Hôm nay 5141

  • Tổng 4.010.354

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng

Post date: 23/03/2023

Font size : A- A A+

Trong hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3, các đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình đã tham gia chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Websites Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh lược ghi một số nội dung về giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng. 

Để chuân bị cho hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân  (VKSND) tối cao đã chuẩn bị báo cáo số 27/BC-VKSTC ngày 13/3/2023, trong đó nêu rõ những nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn. Theo đó, nhiều giải pháp, kiến nghị khắc phục các hạn chế, khó khăn trong thực hiện nhiêm vụ công tố, kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân cũng đã được đề xuất.

 

Những kết quả nổi bật của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong những năm gần đây 

 

Theo báo cáo, trước tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, phi truyền thống với tính chất phức tạp hơn, hậu quả đặc biệt lớn, nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng với số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát rất lớn; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, phức tạp, đa dạng,… Trung bình lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/ năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10 %– 12%/ năm, có năm tăng 15%/ năm. Điều này tạo thành áp lực lên ngành kiểm sát khi khối lượng công việc của Ngành phải thực hiện tăng lên gấp đôi với yêu cầu pháp luật ngày càng cao nhưng biên chế của Ngành không tăng... 

Hàng năm, Viện trưởng ban hành Chỉ thị công tác trong đó xác định những mục tiêu, yêu cầu, nội dung trọng tâm và các giải pháp chủ yếu để toàn Ngành có căn cứ, cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, đều có sơ kết, tổng kết để đánh giá tiến độ, chất lượng công việc, đề ra những biện pháp cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và đạt, vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Đồng thời, đối với các khâu, lĩnh vực công tác quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác của các cấp kiểm sát hoặc đòi hỏi phải nâng chất, những khâu công tác được Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp chỉ ra còn hạn chế, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành các chỉ thị chuyên đề; trong đó xác định mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện . VKSND các cấp đã tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ trong từng khâu, lĩnh vực công tác thông qua phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”; đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi nhiều vị trí công tác để đào tạo toàn diện cán bộ theo phương châm “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc”; khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác” nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. 

Với nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội. Trong hai năm 2021, 2022, Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can (tỷ lệ trung bình đạt 93,1% số vụ và 96% số bị can); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu Quốc hội giao); thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với 165.065 vụ/309.707 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với 32.596 vụ/55.297 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 794 vụ/1.104 bị cáo. Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử  ; số kiến nghị của VKSND yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm tăng và hầu hết đều được thực hiện. Trong đó, VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ (điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma); các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Kiểm sát nhân dân còn có tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số trường hợp Toà án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố. Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân là: do một số quy định của pháp luật còn chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời nên dẫn đến khó khăn hoặc không thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm; Một số loại tội phạm mới, phi truyền thống phát sinh; Một số Điều tra viên, Kiểm sát viên được giao giải quyết vụ việc còn hạn chế về năng lực, trình độ chưa theo kịp với thực tiễn, ý thức trách nhiệm chưa cao, nóng vội, thiếu thận trọng khi quyết định khởi tố và phê chuẩn khởi tố bị can dẫn đến đánh giá tài liệu, chứng cứ và hành vi vi phạm chưa chính xác nên có cách đề xuất, quan điểm xử lý, giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp.

Đối với công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, chỉ tính riêng trong hai năm 2021, 2022, Viện kiểm sát các cấp kiểm sát việc giải quyết 860.439 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động; kiểm sát 155.198 phiên tòa, phiên họp; kiểm sát 769.610 bản án, quyết định; ban hành và được chấp nhận 1.813/2280 kháng nghị phúc thẩm (vượt 9,50 % so với chỉ tiêu của Quốc hội); Số kháng nghị GĐT, tái thẩm được chấp nhận 474/702 kháng nghị  đạt tỷ lệ 67,52 %; ban hành 3.548 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm với tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 92,1 %, (vượt 12,1 % so với chỉ tiêu của Quốc hội); đã giải quyết 14.108 đơn/7.957 việc dân sự; đạt tỷ lệ 77,9 % số việc, (vượt 17,9 % so với chỉ tiêu của Quốc hội). Trong lĩnh vực hành chính, Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát 24.190 vụ; đã ban hành 226 kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận kháng nghị là 117 (đạt 53,91%); đã ban hành 42 kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận kháng nghị là 30 kháng (đạt 78,9%, vượt 3,9% so với chỉ tiêu Quốc hội); ban hành 218 kiến nghị; được Tòa án chấp nhận 211 kiến nghị (đạt 99,7%, vượt 19,7% so với chỉ tiêu Quốc hội); giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tỷ lệ 57,2% trên tổng số đơn thụ lý và đạt tỷ lệ 87,9% trên số đơn có hồ sơ vụ án (vượt 27,9% so với chỉ tiêu Quốc hội). Trong thi hành án dân sự, hành chính đã thụ lý kiểm sát 1.705.430 việc/ hơn 626.187 tỷ đồng; ban hành 2.986 kiến nghị và kháng nghị; Riêng trong năm 2022, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện kiểm sát và ban hành 123 kháng nghị, 1.432 kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm, tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận đạt 99,7 % (vượt 19,7 % so với yêu cầu của Quốc hội); đã ban hành 93 bản kiến nghị (dạng tổng hợp) đối với người phải thi hành án (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân), cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án nhân ; 86/93 kiến nghị của VKSND các cấp được chấp nhận, khắc phục vi phạm (chiếm 92,25%).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn có tồn tại, hạn chế, như: tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội mà nguyên nhân chủ yếu là do tính chất phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, việc giải quyết phải áp dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau, của nhiều thời kỳ và thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật để giải quyết. 

Về hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian quan, chỉ tính riêng hai năm 2021, 2022, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thụ lý giải quyết 299 nguồn tin về tội phạm; đã giải quyết 249 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thụ lý điều tra 94 vụ/114 bị can; đã xử lý, giải quyết 76 vụ/97 bị can, đạt tỷ lệ 80,9%, Số tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 73,6% (vượt 3,6% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 96%, (vượt 6% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng đạt 72,2% (vượt 12,2% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); ban hành 139 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan xử lý cán bộ vi phạm và áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm; trong đó, có 03 kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án và được các cơ quan tiếp thu, thực hiện.

Tuy nhiên, trong hoạt động Cơ quan điều tra VKSND tối cao vẫn còn hạn chế, mà nổi bật là: vẫn còn nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự đang tạm đình chỉ . Nguyên nhân chủ yếu do đối tượng điều tra là người có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực tư pháp nên việc đấu tranh với đối tượng này rất khó khăn; đa số các vụ việc do Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý đều liên quan đến kết quả giải quyết của các cơ quan tố tụng khác (như: phải căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, công tác kê biên, định giá tài sản...) để xác định hậu quả, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm nên ảnh hưởng đến thời hạn điều tra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu... 

 

Những giải pháp và kiến nghị của ngành kiểm sát nhân dân 

 

Từ những kết quả và tồn tại, hạn chế, ngành kiểm sát nhân dân đã quán triệt, hướng tới thực hiện 4 nhóm giải pháp trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện chức năng nhiệm vụ, trong công tác cán bộ và trang bị các điều kiện đảm bảo công tác. Cụ thể:

Về giải pháp trong quản lý, chỉ đạo điều hành, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục ban hành các chỉ thị công tác; trong đó luôn xác định nhất quán, xuyên suốt chỉ đạo: chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ngành và đề ra nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để làm tốt trong toàn Ngành. Chủ trì, phối hợp với liên ngành tư pháp Trung ương ban hành nhiều Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn về thi hành luật; thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế trong Ngành, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; Thực hiện nghiêm chế độ quản lý công tác, kiểm tra, thanh tra toàn diện, chuyên đề, đột xuất về hoạt động công tố và kiểm sát tư pháp trong toàn Ngành, phát hiện xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.  Đồng thời, chủ động tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương trong quản lý hành chính Nhà nước để hạn chế đến mức tối đa khiếu nại, khiếu kiện, nhằm đảm bảo trật tự quản lý hành chính, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của công dân; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có yếu tố nước ngoài. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan liên quan để làm tốt nhiệm vụ công tố, yêu cầu không để xảy ra oan sai, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm.

Về thực hiện chức năng nhiệm vụ, ngành kiểm sát nhân dân thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra” ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra thực hiện 07 hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra, phúc cung trong giai đoạn truy tố để thẩm định, đánh giá chứng cứ; bảo đảm yêu cầu không để xảy ra oan, lọt hoặc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra phân loại, phân hóa sâu đối với bị can và các đối tượng có liên quan, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có căn cứ, đúng pháp luật; chứng minh đúng bản chất vụ án; bảo đảm công bằng, nhân văn trong xử lý, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, đối với tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tăng cường kiến nghị cơ quan, đơn vị kiểm tra, thanh tra để phát hiện xử lý vi phạm từ sớm, từ xa, không để sai phạm tích tụ từ nhỏ thành lớn, lặp lại có hệ thống, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, như đất đai, quản lý ngân sách, vốn, tài sản công; tài chính, ngân hàng... 

Để khắc phục những bất cập công tác cán bộ, ngành kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố; nâng chất lượng Kiểm sát viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ gắn với vụ việc, vụ án cụ thể; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác định kỳ để phòng ngừa tiêu cực, khắc phục tâm lý trì trệ, thỏa mãn, dẫn đến sai sót trong khi làm nhiệm vụ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ sai phạm, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong Ngành; yêu cầu Viện kiểm sát các cấp rà soát số lượng, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức thực hiện trong từng lĩnh vực; sắp xếp bố trí công chức hợp lý về số lượng và có biện pháp nâng chất đội ngũ Kiểm sát viên, đảm bảo về chất lượng, tính ổn định, đáp ứng yêu cầu chuyên sâu trong việc thực hiện công tác; thường xuyên tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh nghề và tác phong liêm chính cho cán bộ, đảng viên; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp để nắm vững quy định pháp luật và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, chất lượng, hiệu quả; từng bước xây dựng chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, công tác trợ lý ảo trong cung cấp thông tin, các phần mềm quản lý các lĩnh vực công tác.

Để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành, VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội một số nội dung, cụ thể, chú trọng việc ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu kỷ luật, kỷ cương, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn tạo điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục. Hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.  

Song song với đó, ngành kiểm sát nhân dân đề nghị tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp; tăng số lượng Kiểm sát viên trong biên chế được giao, đảm bảo cho ngành Kiểm sát có đủ cán bộ có chức danh tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
 

Phòng Công tác Quốc hội (lược ghi)

More