Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 3712

  • Tổng 2.953.461

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh

Post date: 27/09/2018

Font size : A- A A+
(Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình tại Hội nghị Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung bộ tại Nghệ An)

 

Giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân (HĐND) đã được Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định rõ. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để HĐND thực hiện vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

 

Theo quy định tại Điều 87 Luật tổ chức chính quyền địa phương và Điều 58 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì, HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua các hoạt động: xem xét các báo cáo công tác, xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp, xem xét văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề... Trong đó, giám sát chuyên đề là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; là hình thức giám sát chuyên sâu về một lĩnh vực, nhằm thu thập những thông tin mang tính toàn diện, đầy đủ và có tính hệ thống, qua đó giúp cơ quan dân cử quyết định những chủ trương, chính sách, giải pháp sát, đúng yêu cầu thực tế. Có thể nói, trong các hình thức giám sát thì giám sát chuyên đề giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi giám sát chuyên đề có nội dung cụ thể, hình thức giám có tính chuyên nghiệp, có tác động mạnh và trực tiếp đến các đối tượng chịu sự giám sát, các kiến nghị qua giám sát thường được UBND và các ngành chức năng quan tâm giải quyết.


Tại Quảng Bình, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề được HĐND tỉnh giao cho Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh chủ trì. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã giao cho Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh chủ trì tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề (trong đó giao Thường trực HĐND tỉnh 03 cuộc, Ban pháp chế 04 cuộc, Ban kinh tế và ngân sách 04 cuộc, Ban văn hoá - xã hội 04 cuộc); đã hoàn thành 11 cuộc và đang triển khai 04 cuộc.


Nội dung của các cuộc giám sát có trọng tâm, trọng điểm, là những vấn đề mà cử tri quan tâm, đối tượng ảnh hưởng rộng, như: việc thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; công tác cải cách hành chính; tình hình thu gom và xử lý rác thải, nước thải; việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; tình hình thực hiện các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo và việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng;...


Nhìn chung, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh thời gian qua đã bám sát các quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện tốt vai trò điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát, từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nội dung và thời điểm thực hiện giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh. Kế hoạch giám sát được xây dựng hợp lý, thành viên tham gia giám sát có năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp. Ngoài thành phần chính tham gia giám sát là Thường trực HĐND, thành viên các Ban HĐND, còn mời thêm các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các ngành và những người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nội dung giám sát tham gia cùng đoàn giám sát. Phương pháp giám sát đã có những cải tiến, kết hợp nghe báo cáo với xem xét thực tế tại địa phương, cơ sở. Các cuộc giám sát đều có sự phối hợp giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND cấp huyện.


Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trong thời gian qua có tác động tích cực rõ nét trong việc tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được, chỉ ra những việc chưa làm được, giúp cho các cấp, các ngành thấy được những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh. Nhiều kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện, như:


+ Sau giám sát chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập, từ những sai sót, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đã được Đoàn giám sát chỉ ra và kiến nghị khắc phục, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đúng với các quy định của pháp luật; đã ban hành Đề án sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; sửa đổi các văn bản có nội dung chưa đúng quy định của pháp luật liên quan đến phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và biên chế của tỉnh.


+ Qua giám sát về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản do thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới cho thấy, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới đến 30/6/2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là rất lớn. Đoàn giám sát đã phân loại nợ, xác định nguyên nhân và đưa ra những giải pháp xử lý nợ đọng. Trong đó tập trung kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn xử lý nợ đọng (vì đây là các xã không còn được hỗ trợ từ nguồn Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới). Cụ thể, Đoàn giám sát đã kiến nghị bổ sung tỷ lệ điều tiết số thu tiền sử dụng đất cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là 80% trong vòng 02 năm kể từ khi được công nhận đạt chuẩn để các xã chủ động xử lý nợ đọng. UBND tỉnh đã tiếp thu các kiến nghị và chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu để trình HĐND tỉnh bổ sung tỷ lệ điều tiết số thu tiền sử dụng đất như đề nghị của Đoàn giám sát.


+ Trong giám sát thu gom, xử lý rác thải, nước thải, thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường; trong đó, đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh công tác vệ sinh môi trường, quản lý và sử dụng ngân sách đầu tư cho hoạt động môi trường tại địa bàn trung tâm Phong Nha (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Đến nay, công tác môi trường và đô thị tại đây đã được thực hiện theo Đề án vệ sinh môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng xã Sơn Trạch và đã có những thay đổi rõ rệt; ngân sách đầu tư cho môi trường Phong Nha được chấn chỉnh, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả; hiện nay đã giảm 30% so với các năm trước nhưng môi trường đã sạch đẹp hơn, cây xanh và điện chiếu sáng được chăm sóc và duy trì tốt, được người dân đánh giá cao, bộ mặt du lịch đã được cải thiện.


Điểm nổi bật trong thời gian qua là, một số nội dung đã được các đại biểu lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh; qua đó làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua đã nâng lên rõ rệt; không chỉ giúp cho các cấp, các ngành có những điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; mà còn giúp cho HĐND tỉnh có điều kiện nhìn nhận, đánh giá các quyết sách của mình đã ban hành và cũng là cơ sở, căn cứ để HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết sát đúng với điều kiện thực tiễn của địa phương và có tính khả thi.


Tuy nhiên, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh cũng còn nhiều nội dung cần rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới để các cuộc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả cao hơn: Phương thức giám sát dù đã có nhều cải tiến nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập, giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo nên kết quả đạt được chưa cao. Kết luận của Đoàn giám sát đôi lúc chưa chỉ đúng căn nguyên, đúng trọng tâm vấn đề. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát thiếu quyết liệt, thiếu liên tục, không sâu sát; đặc biệt một số kiến nghị của Đoàn giám sát chưa được triển khai thực hiện;… Ngoài ra, trong thực hiện giám sát vẫn còn có sự né tránh, nể nang, ngại va chạm,… Tất cả những điều này đã hạn chế đáng kể đến hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình trong những năm qua.


Để khắc phục tình trạng này, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, trong đó, cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trong lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát: Cần nghiên cứu chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và đối tượng giám sát. Nội dung giám sát cần được chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm thiết thực, hiệu quả. Việc lựa chọn đúng nội dung giám sát, đúng thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, vì hoạt động giám sát của HĐND có phạm vi rộng, đối tượng giám sát đa dạng, nội dung phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.


Xây dựng kế hoạch giám sát phải kỹ lưỡng, có chất lượng; đề cương đặt ra phải sát với yêu cầu, trong đó gợi ý đề cương phải chính xác, có thể cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung giám sát. Để đề cương báo cáo giám sát đúng trọng tâm và đủ các thông tin phục vụ cho nội dung giám sát, việc dự thảo đề cương báo cáo cần được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của đối tượng giám sát, các thông tin phản ánh trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; đồng thời, tổ chức họp Đoàn giám sát để bàn bạc, thống nhất nội dung giám sát, các câu hỏi, các vấn đề đặt ra đối với các đối tượng giám sát. Đề cương càng chi tiết thì càng thuận tiện cho đối tượng giám sát xây dựng báo cáo và giúp cho Đoàn giám sát có những căn cứ để trao đổi, làm rõ và thuận lợi cho công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát.


Chương trình, kế hoạch, đề cương giám sát phải được gửi sớm cho các đối tượng giám sát để có thời gian chuẩn bị báo cáo chu đáo, đầy đủ; cho các thành viên Đoàn giám sát để có nhiều thời gian nghiên cứu.
Thứ hai, cần đổi mới phương thức giám sát: Trước khi giám sát cần tiến hành khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến chuyên đề để phục vụ cho việc giám sát. Quá trình tổ chức giám sát, ngoài giám sát qua báo cáo phải gắn liền với giám sát thực tế, khảo sát, tham vấn ý kiến các tầng lớn nhân dân - các chủ thể là đối tượng của hoạt động quản lý nhà nước, chịu tác động của các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát;... Việc trao đổi làm rõ các thông tin qua báo cáo, qua xem xét thực tế và ý kiến của người dân, cơ quan, tổ chức có liên quan giữa chủ thể giám sát với đối tượng chịu sự giám sát là rất cần thiết để từ đó có nhận định, đánh giá khách quan, đúng thực tế; kết luận giám sát chính xác và kiến nghị phù hợp.


Thứ ba, mở rộng thành phần tham gia Đoàn giám sát: Ngoài thành phần chính tham gia giám sát là Thường trực, thành viên các Ban của HĐND tỉnh, tùy theo tính chất chuyên đề giám sát, có thể mời thêm những người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nội dung giám sát, những người có kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc nội dung giám sát, các chuyên gia, đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp để tranh thủ được những hiểu biết và kinh nghiệm của đội ngũ này phục vụ cho việc giám sát.


Thứ tư, báo cáo, kết luận giám sát phải đảm bảo trung thực, khách quan, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của Đoàn giám sát và có những kiến nghị cụ thể, xác đáng, có tính khả thi để các cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện. Đặc biệt là phải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị giám sát của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan và báo cáo tiến độ thực hiện tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh; nếu cần thì “tái giám sát” việc thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh hoặc chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh.


Thứ năm, đề nghị Ban Công tác đại biểu tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh theo chuyên đề; quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động nói chung, kỹ năng giám sát có tính chuyên sâu nói riêng cho các đại biểu HĐND tỉnh, nhất là đối với các đại biểu chuyên trách. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu HĐND tỉnh cũng phải tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu HĐND tỉnh, chủ động thực hiện quyền giám sát của mình; tăng cường các hoạt động khảo sát để nắm thực trạng tình hình, thu thập thông tin phản ánh từ cơ sở để có nguồn thông tin phong phú, đa chiều, có căn cứ và tác dụng thực tiễn phục vụ tốt cho hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

BBT

More