Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 3746

  • Tổng 2.893.191

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình thảo luận về các dự thảo Nghị quyết đặc thù của các tỉnh thành phố

Post date: 22/10/2021

Font size : A- A A+

 

Sáng ngày 22/10/2021, tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc  hội nghe các Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra về nội dung dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ.  

Tại điểm cầu Quảng Bình, dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các đại biểu Quốc hội và khách mời đã thảo luận sôi nổi về 4 Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế... 

Đồng chí Vũ Đại Thắng chủ trì buổi thảo luận tổ

Từ việc phân tích các tiêu chí đặc thù được đề xuất trong dự thảo, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn Quảng Bình cơ bản đồng tình với dự thảo của Ban Soạn thảo. Cho rằng đây là nhóm các tỉnh có một số những đặc trưng nhất định, việc tạo các cơ chế đặc thù sẽ thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này. Đồng thời, các đại biểu cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 1/1/2022 và có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này nên tổng kết sớm trước thời điểm thí điểm để đảm bảo khi kết thúc thí điểm có thể triển khai áp dụng rộng rãi ngay, tạo đà phát triển cho các tỉnh và những địa phương có đặc trưng tương tự.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Các đại biểu đã phân tích sâu về các cơ chế được áp dụng thí điểm trong nhóm 7 chính sách chung như: Chính sách dư nợ vay; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; công tác quản lý đất đai; quản lý quy hoạch… Từ đó, các đại biểu cũng nêu lên một số mặt trái khi thực hiện các cơ chế đặc thù. Điển hình là đối với thành phố Hải Phòng, nhóm chính sách thực hiện tăng phí, lệ phí trên địa bàn sẽ tạo nguồn thu cho thành phố tuy nhiên với các khoản phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng sẽ làm tăng chi phí hàng hóa, làm giảm bớt sức cạnh tranh hàng hóa; đối với việc chi trả lương cho Hải Phòng, đánh giá đây là một trong những thành phố lớn mức sống cao, chi phí nhiều, mức thu nhập giữa khối ngoài nhà nước và tư nhân có sự chênh lệch nên thực hiện cơ chế này là phù hợp để thể hiện sự đãi ngộ với cán bộ công chức. Đối với việc thành lâp Quỹ bảo tồn di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu đánh giá đây một quỹ hợp lý để bảo tồn, phát triển di sản. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng kinh phí ngoài ngân sách, kinh phí xã hội hóa, không sử dụng kinh phí ngân sách để duy trì hoạt động Quỹ này.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng bày tỏ băn khoăn bởi trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ thì đã có 3 tỉnh cùng đề xuất cơ chế đặc thù trong đợt này. Từ đó, đại biểu đề xuất cơ chế nên có cơ chế đặc thù cho cả vùng Bắc Trung Bộ

Kết thúc buổi thảo luận, dù còn một số ý kiến khác nhau, các đại biểu cơ bản đồng tình với Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết tạo cơ chế để địa phương tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn các địa phương, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả nhất. Đại biểu cũng đề xuất cần có sự điều tiết hợp lý từ Trung ương để tránh sự mất cân đối, có sự áp dụng quá chênh lệch giữa các cơ chế có cơ chế đặc thù và các địa phương lân cận (dư nợ vay, chi thường xuyên, quản lý đất đai, quản lý rừng...).

Ất Mão – Diệu Linh
 

More