Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 198

  • Tổng 2.894.793

Tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Post date: 02/06/2022

Font size : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:

 

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 4)

 

+ Về nhãn hiệu nổi tiếng: Dự thảo quy định: “ 20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”. Đề nghị quy định rõ, biết đến rộng rãi qua phương tiện gì. Bởi có những nhãn hiệu tuy được công chúng biết đến rộng rãi, nhưng không phải qua các kênh chính thống, không phải là những nhãn hiệu có giá trị, mang tính tích cực mà mang tính tiêu cực. Đồng thời, cần quy định tùy theo mức độ để khẳng định được nổi tiếng ở mức độ nào chứ không nên chỉ bó hẹp biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.

 

+ Về chỉ dẫn địa lý tại khoản 22: Đề nghị bỏ từ “địa lý” sau từ “nguồn gốc” vì nội dung này dùng để giải thích thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý”, do đó không nhất thiết phải nhắc lại từ “địa lý” trong nội dung giải thích, đồng thời nghĩa của từ “địa lý” đã được thể hiện ở cụm từ “khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể”. 

 

Do đó, viết lại thành: “22. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.”.

 

2. Về quyền nhân thân (khoản 4 Điều 19)

 

Đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, sẽ mở rộng phạm vi của việc bảo vệ tác phẩm tốt hơn. Viết lại thành:

 

“4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào”. 

 

3. Về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý (khoản 1 Điều 88)

 

Đề nghị bổ sung đoạn “nhưng được phép sử dụng hoặc trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân khác có đủ điều kiện theo quy định” vào cuối khoản này. Cụ thể: “1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam… Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó nhưng được phép sử dụng hoặc trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân khác có đủ điều kiện theo quy định”.

 

4. Về văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (khoản 2 Điều 92)

 

Đề nghị bổ sung thông tin “tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý”. Dự thảo mới chỉ quy định văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thông tin về tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mà chưa đề cập đến tên sản phẩm mang các tính chất đặc thù đó, nên sẽ khó để biết được sản phẩm nào mang tính chất đặc thù được ghi trong văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

 

5. Về hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (Điều 96)

 

Điểm a khoản 1 Điều 96 quy định văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong trường hợp “Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu”. Đề nghị giải thích rõ cụm từ “dụng ý xấu”, để thống nhất trong việc áp dụng, tránh sự tùy tiện.

 

6. Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp (Điều 119a)

 

Đề nghị bỏ từ “trực tiếp” sau từ “liên quan” để các bên có liên quan cũng có quyền được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cụ thể: “1. Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan đến quyết định hoặc…”

 

Phòng CTQH
 

More