Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 4379

  • Tổng 3.017.488

Công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng chương trình xây dựng Nông thôn mới

Post date: 09/12/2022

Font size : A- A A+

 

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa.

 

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Hệ thống các Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa, tượng đài, các công trình thể dục thể thao…đã phần nào đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Đạt, TUV, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch phát biểu thảo luận

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện và là chương trình khung định hướng các nội dung cần thiết phải thực hiện để xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình được triển khai trên địa bàn các xã trong cả nước, nhằm xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bao gồm nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh trật tự xã hội ở nông thôn. Trong đó, lĩnh vực văn hóa có 02 tiêu chí số 06 và số 16. Để thực hiện tốt 02 tiêu chí này, ngành Văn hóa đã và đang hướng dẫn thực hiện phong trào “Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới”. Trong các yếu tố để xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa nông thôn mới thì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng. Ðó là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và con người để bảo đảm cho các hoạt động văn hóa có thể diễn ra, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

 

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn tại cơ sở chúng tôi nhận thấy, hiện nay thiết chế văn hóa ở cơ sở vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như:

 

- Nhiều Nhà văn hóa chưa đạt chuẩn theo quy định của bộ tiêu chí Nông thôn mới. Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân phần lớn xây dựng đã lâu, nay  xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị, đồng thời việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện.

 

- Ngân sách Nhà nước hằng năm cấp cho các thiết chế văn hóa còn hạn chế.

 

- Công tác quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức.

 

- Công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng về trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo.

 

- Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao còn quá mỏng, ít được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ.

 

Từ những thực trạng nêu trên chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau

 

Thứ nhất là, cần phải có định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, mặt khác tìm giải pháp để vừa đẩy nhanh, mạnh quá trình xây dựng văn hóa nông thôn mới vừa phải thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 

Thứ hai là, để phát huy hiệu quả, vai trò của thiết chế văn hóa cơ sở góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, cũng là góp phần cho việc xây dựng văn hóa nông thôn mới hiện nay, đòi hỏi các địa phương cần phải quy hoạch quỹ đất ở vị trí thuận lợi để xây dựng hệ thống công trình, thiết chế văn hóa - thể thao các cấp. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan và tập luyện của nhân dân. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình phải phù hợp với quy mô, theo quy hoạch phát triển văn hóa, thể dục thể thao.

 

Cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa hiện có, bổ  sung  trang  thiết bị hoạt động,  thay  thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ.

 

Thứ ba là, hiện nay, công tác cán bộ vẫn là khâu yếu của các thiết chế văn hóa. Do đó, cần căn cứ vào nhu cầu thực  tế  của  địa  phương,  căn  cứ  vào  tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa, thể thao để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ nghiệp vụ trực tiếp quản lý các công trình văn hóa, thể thao. Bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, thể thao quần chúng cho cán bộ xã và thôn. Ðây là khâu quyết định đến sự tồn tại và hoạt động của các thiết chế văn hóa có hiệu quả, phong phú và gắn với nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. 

 

Thứ tư là, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước và địa phương, để có thể xây dựng các thiết chế nhà văn hóa, đồng thời để hệ thống này tồn tại và hoạt động hiệu quả, cần phải có nguồn kinh phí thông qua việc thực hiện phương thức xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tài trợ và sự đóng góp của nhân dân. Trong hoạt động của nhà văn hóa, trước hết phải dựa vào các phong trào quần chúng ở địa phương với những đội văn nghệ, những diễn viên không chuyên xuất sắc. Xây dựng chính sách để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống. (Quảng Trạch có ca trù Đông Dương, hát Kiều Quảng Kim, hò chèo cạn, làng nghề bún bánh Tân An…)     

 

Thứ năm là, bên cạnh các giải pháp trên đây, thiết nghĩ để thực hiện đúng định hướng việc xây dựng văn hóa nông thôn mới, cần quán triệt và nhận diện toàn diện, sâu sắc nhận thức về văn hóa theo quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nhu cầu văn hóa của nhân dân là vô cùng phong phú đa dạng. Do đó, việc nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng quản lý các thiết chế văn hóa là vô cùng cần thiết bởi điều đó không chỉ nâng cao đời sống văn hóa của người dân mà còn góp phần ổn định chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh. Người dân khi được nâng cao dân trí, rèn luyện sức khỏe, có một nền tảng văn hóa tốt sẽ luôn biết tự hào, nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Nguyễn Xuân Đạt, TUV, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch

Tổ đại biều huyện Quảng Trạch tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 

More